Phòng ngừa hành chính là biện pháp được sử dụng phổ biến trong quản lý hành chính nhà nước ở mọi quốc gia. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, khi mà những vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước thì phòng ngừa hành chính lại càng được đề cao.
Mục lục bài viết
1. Phòng ngừa hành chính là gì?
Theo quy định pháp luật Việt Nam, phòng ngừa hành chính là biện pháp do các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền áp dụng để ngăn ngừa những vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước cũng như bảo đảm an toàn xã hội trong các trường hợp khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh….
Phòng ngừa hành chính trong Tiếng Anh là “Administrative Prevention“.
2. Quy định về các biện pháp phòng ngừa hành chính:
2.1. Nhóm biện pháp kích thích hành vi hợp pháp trong quản lý hành chính nhà nước:
Với mục đích khiến đối tượng quản lý phải dè chừng, có ý thức tuân thủ pháp luật, nếu không thực hiện đúng quy định pháp luật thì sẽ bị phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra các loại giấy tờ, hộ tịch, hộ khẩu, hàng hóa, hành lý qua thủ tục hải quan, cửa khẩu… mà chủ thể có thẩm quyền áp dụng nhóm biện pháp này. Điều này giúp kích thích các đối tượng quản lý mau chóng xác lập các hành vi hợp pháp của mình, tuân thủ và chấp hành đúng quy định pháp luật. Cuối cùng nhà nước đạt được mục đích không để vi phạm pháp luật (nhiều nhất là vi phạm hành chính) xảy ra, bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Một số biện pháp trong nhóm này có thể kể đến như:
– Kiểm tra giấy tờ nhằm phòng ngừa vi phạm như giấy phép lái xe ô tô, mô tô, xe máy, nhãn hiệu hàng hóa, chứng minh thư nhân dân, bằng tốt nghiệp phổ thông, bằng tốt nghiệp đại học;
– Kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu của công dân khi có nghi ngờ về vi phạm chế độ đăng ký tạm trú;
– Kiểm soát biên giới của hải quan và công an cửa khẩu: Kiểm tra hàng hóa, hành lý và người do các cơ quan hải quan và công an cửa khẩu thực hiện ngăn chặn các vụ buôn lậu qua biên giới, trốn thuế hàng hóa nhập, xuất hoặc để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, phát hiện các chất dễ cháy, dễ nổ, những kẻ tình nghi là tội phạm lẩn trốn…;
– Kiểm tra bắt buộc sức khỏe của những người làm công việc dịch vụ có liên quan đến thực phẩm, y tế, dễ gây ra dịch bệnh cho người tiêu dùng, bệnh nhân…
2.2. Nhóm biện pháp ngăn chặn, hạn chế khả năng gây tổn hại tới lợi ích xã hội, nhà nước, cá nhân, tổ chức:
Đây là nhóm phòng ngừa hành chính có tính chất hạn chế quyền một cách trực tiếp, tính chất cưỡng chế thể hiện qua các quyết định hành chính như quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản; quyết định hạn chế đi lại trên các tuyến đường cố định; quyết định đóng cửa biên giới. Nhóm biện pháp phòng ngừa hành chính này nhằm mục đích hạn chế rủi ro có thể xảy ra trong những tình huống đặc biệt mang tính bất thường của hoạt động quản lý hành chính nhà nước, giảm thiểu rủi ro từ đó hỗ trợ cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước, bằng cách cơ quan nhà nước bắt buộc công dân, tổ chức phải thực hiện một hành vi nhất định để phòng ngừa, những hành vi dạng này thường làm hạn chế quyền, tự do, hoặc tài sản của người bị áp dụng.
Một số biện pháp trong nhóm này có thể kể đến như:
– Ngăn cấm hoặc hạn chế xe cộ đi lại trên tuyến đường nào đó khi xuất hiện nguy cơ mất an toàn giao thông trong các trường hợp bão lụt, cây đổ, nhà có nguy cơ đổ
3. Vai trò của phòng ngừa hành chính:
Phòng ngừa hành chính là biện pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước, tạo điều kiện bình thường cho sự phát triển kinh tế – xã hội, cho an ninh trật tự xã hội…
Trong quản lý Nhà nước, hoạt động quản lý hành chính là hoạt động đa dạng trung tâm, chủ yếu; vì hoạt động hành chính là hoạt động tổ chức và điều hành để thực hiện quyền lực Nhà nước trong quản lý xã hội. Chính vì tầm quan trọng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước nên cần có biện pháp để phòng ngừa nhằm loại bỏ các nguyên nhân, điều kiện có thể xảy ra vi phạm pháp luật để từ đó mà trật tự quản lý nhà nước được thiết lập và bảo vệ.
Biện pháp phòng ngừa hành chính là phương tiện để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Nhà nước là tổ chức xã hội đặc biệt mà giai cấp thống trị lập ra nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình. Chính vì tầm quan trọng trong việc thực hiện các chức năng của mình mà các lợi ích hợp pháp của nhà nước nhà nước cần phải được bảo vệ tối đa. Bên cạnh bảo vệ các lợi ích nhà nước thì quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong nhà nước cũng cần được bảo vệ và bảo đảm. Chủ nghĩa Mác đã chỉ ra rằng: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Thật vậy, con người không thể sống tách rời với xã hội mà tác động qua lại với nhau tạo nên xã hội. Chính vì thế mà quyền cá nhân của mỗi con người chỉ mang tính tương đối. Việc thực hiện quyền của người này có thể làm hạn chế hay xâm phạm đến quyền của người khác. Vì vậy mà pháp luật mới quy định những công cụ để có thể bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân, trong đó có các biện pháp phòng ngừa hành chính.
Biện pháp phòng ngừa hành chính kiểm soát được những tình huống bất thường trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Tình huống bất thường ở góc độ nhất định là những hoàn cảnh, những biến cố nằm ngoài xu hướng, quy luật hoặc nằm ngoài khả năng dự báo của con người do yếu tố tự nhiên hoặc xã hội gây ra để lại những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội và để khắc phục cần có sự quản lý xã hội hiệu quả. Quản lý xã hội trong tình huống bất thường là sự tác động có chủ đích của hệ thống quản lý, chủ thể quản lý xã hội nhằm giảm những tác động tiêu cực của tình huống bất thường, đáp ứng mục tiêu bình thường hóa các hoạt động xã hội, duy trì sự ổn định và phát triển xã hội. Để quản lý xã hội trong tình huống bất thường thì một trong những công cụ mà chủ thể có thẩm quyền áp dụng là biện pháp phòng ngừa hành chính.
Trong quá trình áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính thì buộc mọi người phải thi hành pháp luật vô điều kiện trong những tình huống bất thường không nhằm mục tiêu nào khác hơn là nhanh chóng khôi phục lại trật tự, đời sống, hoạt động thường ngày của xã hội, cộng đồng dân cư, kịp thời khắc phục các hậu quả, đưa các hoạt động của xã hội trở lại trạng thái bình thường.
Biện pháp phòng ngừa hành chính đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Pháp luật hành chính càng quy định cụ thể, chi tiết trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa hành chính bao nhiêu, càng tạo điều kiện giúp các cơ quan chức năng nắm vững nội dung, nhận thức đúng đắn bản chất pháp lý của các biện pháp phòng ngừa hành chính, từ đó áp dụng thống nhất chế định này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước, đồng thời góp phần tích cực vào việc bảo vệ các quyền tự do cá nhân, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa
Biện pháp phòng ngừa hành chính tác động tới ý thức pháp luật, kích thích các hành vi hợp pháp trong xã hội hoặc ngăn chặn, hạn chế khả năng gây tổn hại tới lợi ích của xã hội, nhà nước, cá nhân, tổ chức trong tình huống bất thường của quản lý hành chính nhà nước.
Bản thân các biện pháp phòng ngừa hành chính đem lại bước chuyển quan trọng đối với ý thức pháp luật của cá nhân trong việc luôn tuân thủ quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây tổn hại đến lợi ích của xã hội, của nhà nước cũng như của người khác.
4. Giới hạn áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính:
Như đã phân tích ở trên thì biện pháp phòng ngừa hành chính mang lại nhiều ý nghĩa to lớn trong quá trình quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa hành chính lại không được quy định cụ thể mà mang tính chủ quan của chủ thể có thẩm quyền trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Tùy nghi hành chính nếu không được kiểm soát, sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến lạm quyền. Chính vì vậy mà khi đặt ra các quy định pháp luật về biện pháp phòng ngừa hành chính cũng như khi áp dụng những quy định đó cần phải hạn chế “quyền tùy nghi” của các chủ thể quản lý.
Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra những giới hạn về chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính để hoạt động này diễn ra có hiệu quả, tránh sự chồng chéo lẫn nhau. Các chủ thể có thẩm quyền không được tự ý thay đổi hay chấm dứt việc áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính theo ý chí của mình hay của bất kỳ ai nếu không được pháp luật quy định.
Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính cũng bị giới hạn bởi nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Theo đó, dù các biện pháp phòng ngừa hành chính suy cho cùng cũng để ngăn ngừa vi phạm pháp luật xảy ra nhưng vẫn phải trên cơ sở bảo vệ quyền con người, quyền công dân, không được gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của họ.