Thực trạng phơi thóc lúa, rơm trên đường ở nước ta hiện nay. Phơi thóc lúa, rơm rạ gây cản trở giao thông có bị phạt không?
Mọi hoạt động trong đời sống xã hội đều được điều chỉnh bởi các chế tài của pháp luật. Có thể khẳng định rằng, từng chi tiết, hoạt động của người dân đều nằm trong khuôn khổ quản lý của Nhà nước và pháp luật. Công tác quản lý của Nhà nước giúp trật tự an ninh xã hội được đảm bảo, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được tuân thủ thực hiện. Một trong những hoạt động quản lý Nhà nước gần gũi, thiết thực nhất đối với người dân là đưa ra các quy định xử phạt đối với hành vi phơi thóc lúa, rơm rạ gây cản trở giao thông.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Thực trạng phơi thóc lúa, rơm trên đường ở nước ta hiện nay:
– Tại Việt Nam, vào mỗi vụ mùa, sau khi thu hoạch lúa, người dân thường tiến hành phơi rơm rạ. Đây là hoạt động quen thuộc, mang tính quy luật trong công đoạn thu hoạch lúa. Thông thường, sau khi gặt lúa xong, người dân thường tiến hành tuốt lúa để lấy thóc. Những hạt thóc được lấy ra khỏi thân cây lúa, lá lúa được tách riêng, người ta gọi là rơm. Người dân thường phơi rơm khô, xong chất thành đống để phục vụ cho việc nấu nướng.
– Nhiều năm về trước, nước ta chưa phát triển, hệ thống đường xá chưa được xây dựng, tu tạo. Phương tiện giao thông cũng không có nhiều. Do đó, việc phơi rơm, rạ của bà con rất dễ dàng. Bất kỳ nơi nào có phần đất trống, người dân đều có thể phơi rơm rạ. Tại thời điểm đó, việc phơi rơm, rạ tự do không gây ảnh hưởng mọi người xung quanh. Có thể thấy, việc phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường đã trở thành thói quen trong nếp sinh hoạt, sản xuất của người dân Việt Nam. Với từng diện tích đất canh tác, khối lượng rơm rạ tạo ra rất nhiều. Thóc lúa, rơm rạ cần diện tích lớn để phơi. Trong khi diện tích sân vườn của từng hộ dân còn nhiều hạn chế, nên khi thu hoạch thóc lúa, người dân sẽ thực hiện phơi thóc lúa, rơm rạ ngoài đường. Việc phơi rơm rạ, thóc lúa ngoài đường của bà con xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
+ Khối lượng thóc lúa, rơm rạ nhiều trong khi diện tích phơi phong của từng gia đình hộ dân còn hạn chế. Do đó, người dân thường hướng tới việc phơi thóc lúa ngoài đường để có diện tích rộng, ánh nắng tốt.
+ Người dân thường quan niệm rằng, đường xá là của chung. Do đó, việc họ phơi thóc lúa, rơm rạ là không xâm phạm đến quyền lợi của chủ thể, cá nhân nào. Hay nói cách khác, người dân thường cho rằng, phơi thóc lúa ngoài đường là quyền tự do trong công tác canh tác của người dân, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khác, không vi phạm pháp luật.
Chính vì những lý do đó, người dân thường tiến hành phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường, và không lường trước được những hậu quả mà hoạt động này gây ra.
– Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, hệ thống đường xá ở nước ta dần được xây dựng, tu bổ hiện đại. Cùng với đó, số lượng phương tiện lưu thông trên đường ngày càng nhiều. Có thể khẳng định, thực trạng giao thông (đường xá) gây ra những ảnh hưởng trực tiếp cho an toàn của người tham gia giao thông. Do đó, việc người dân phơi thóc lúa, rơm trên đường gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho người tham gia giao thông, cũng như trật tự an toàn xã hội.
+ Đối với người tham gia giao thông: Khi tham gia giao thông, người dân cần có nền tảng đường xá thuận lợi cho việc di chuyển, có như vậy mới đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc phơi rơm, rạ trên đường khiến việc di chuyển trở nên khó khăn rất nhiều so với thực tế. Rơm, rạ phơi trên đường có thể quấn vào bánh xe của người tham gia giao thông, khiến phương tiện của họ bị hư hỏng. Có nhiều trường hợp, rơm rạ phơi trên đường trở thành những chướng ngại vật, khiến bánh xe của người tham gia giao thông khó di chuyển, thậm chí bị đổ. Ví dụ: Anh A đang đi xe máy với vận tốc ổn định. Đến một đoạn đường phơi đầy rơm rạ, bánh xe của anh không cảm nhận được ma sát với đường, dẫn đến tình trạng trơn trượt, khiến anh A bị ngã. Giao thông là sự tham gia của rất nhiều cá nhân. Do đó, việc phơi rơm, rạ khiến một vài cá nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp (ngã), thì cũng khiến những đối tượng khác gián tiếp chịu ảnh hưởng theo.
+ Đối với xã hội: Giao thông là đối tượng quan trọng mà Nhà nước luôn chú trọng điều tiết. Các hoạt động tham gia giao thông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tham gia, mà còn gây rối trật tự tham gia giao thông, mỹ quan đô thị hay an ninh công cộng. Đường xá là nơi để các phương tiện giao thông di chuyển, mục đích của nó là phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân. Do đó, việc phơi rơm, rạ là sai mục đích sử dụng của đường. Đường xá là cơ sở hạ tầng, nó tạo nên mỹ quan chung cho từng địa phương. Do đó, việc phơi rơm, rạ bừa bãi trên đường sẽ khiến cho mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến công tác quản lý Nhà nước, dân cư ở từng địa phương.
Như những phân tích ở trên, việc phơi thóc, lúa, rơm rạ đem đến những ảnh hưởng tiêu cực cho trật tự giao thông. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động di chuyển, tham gia giao thông của người dân. Chính vì vậy, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về việc quản lý, xử lý những hành vi phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường, gây ảnh hưởng đến trật tự tham gia giao thông.
2. Phơi thóc lúa, rơm rạ gây cản trở giao thông có bị phạt không?
– Phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường là các hoạt động bị Nhà nước cấm. Cụ thể, khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ về các hoạt động không được thực hiện, đó là:
+ Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
+ Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
+ Thả rông súc vật trên đường bộ
+ Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
+ Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
+ Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
+ Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
+ Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
+ Hành vi khác gây cản trở giao thông.
Như vậy, theo quy định của điều luật trên, việc phơi thóc, lúa, rơm rạ là hành vi cấm( không được thực hiện) trên đường bộ. Do đó, khi thực hiện hành vi này, các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
– Phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường là hành vi gây cản trở an toàn giao thông, được pháp luật cấm hoạt động. Song song với việc đưa ra những quy định cấm thực hiện hành vi phơi thóc lúa, rơm rạ, Nhà nước cũng đưa ra những quy định rõ ràng về việc xử lý, xử phạt hành vi này. Theo đó, điểm b, khoản 1, Điều 12
Đối với hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này; hay phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ, thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện.
Như vậy, với hành vi phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường, các cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Đối với cá nhân có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; đối với tổ chức có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Có thể thấy, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng về hành vi phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường và các biện pháp xử lý vi phạm. Biện pháp xử lý mà Nhà nước đưa ra được xem là biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật của người dân. Nó mang tính răn đe cao, để những chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ điều chỉnh lại hành vi của mình, không tái phạm nữa. Đồng thời, nó được xem là các quy định mang tính khuôn mẫu chặt chẽ, buộc người dân phải tuân theo. Quy định của Nhà nước về việc xử lý những hành vi vi phạm này giúp công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội đạt được những hiệu quả tốt nhất; mỹ quan đô thị và trật tự an toàn xã hội sẽ được đảm bảo chặt chẽ.