Cá nhân, tổ chức lựa chọn quảng cáo trên báo chí và phương tiện điện tử là một trong những hình thức tiếp cận ngày càng phổ biến. Vậy, Phạt vi phạm quảng cáo trên báo chí, phương tiện điện tử được áp dụng thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về việc quảng cáo báo điện tử và trang thông tin điện tử.
Ngày nay, báo điện tử, trang thông tin điện tử là một trong những loại hình quảng cáo diễn ra vô cùng phổ biến và đem lại hiệu quả cao đối với các cá nhân, tổ chức. Sở dĩ việc tiến hành quảng cáo thông qua báo điện tử và trang thông tin điện tử đạt được vị trí như thế này bởi nó có thể tiếp cận được nhiều nguồn khách hàng khác nhau, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
Báo điện tử hiện nay được xem là loại hình báo chí có sử dụng chữ viết, hình ảnh, cũng như âm thanh được truyền dẫn trên môi trường mạng để kiếp tiếp cận với các cá nhân. Báo điện tử bao gồm báo điện tử và các loại tạp chí điện tử ( cách hiểu này đã được ghi nhận tại Điều 3 của Luật báo chí). Bên cạnh đó, tại khoản 17 Điều 4 Luật công nghệ thông tin 2006 thì trang thông tin điện tử được định nghĩa đó là trang thông tin hoặc một tập hợp các trang thông tin trên môi trường mạng được thành lập và đưa vào sử dụng với mục đích cung cấp và trao đổi thông tin. Cá nhân, tổ chức lựa chọn quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử phải thực hiện đúng theo hướng dẫn quy định của Luật Quảng cáo.
Ngày nay, theo quy định tại Điều 23 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Luật Quảng cáo thì việc quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử phải tuân thủ những quy định sau:
– Thứ nhất, cá nhân tổ chức không được phép thiết kế bố trí phần quảng cáo xen lẫn vào nội dung thông tin;
– Thứ hai, việc quảng cáo đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải tiến hành thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt mở quảng cáo; thông thường thời gian để chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây;
– Khi tiến hành quảng cáo trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thì phải thực hiện các quy định đã được ghi nhận khoản 1 của Điều 23 Luật Quảng cáo;
– Tiến hành quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam thì cũng phải tuân thủ các quy định của Luật quảng cáo này và những quy định khác pháp luật có đề cập.
Như vậy, việc quảng cáo trên báo điện tử và các trang thông tin điện tử là một trong những quyền của cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Nhưng việc quảng cáo trên những loại hình thức này cũng phải đảm bảo theo đúng quy định về mặt thiết kế và vị trí bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về quảng cáo sẽ bị xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật và hiện nay mức xử phạt được ghi nhận tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP.
2. Phạt vi phạm quảng cáo trên báo chí, phương tiện điện tử:
Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về quảng cáo trên báo điện tử và các trang thông tin điện tử sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP. Cá nhân có thể chỉ bị áp dụng mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm được trình bày dưới đây:
+ Thứ nhất, vi phạm trong việc thông báo theo quy định về tên, địa chỉ tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam thực hiện dịch vụ quảng cáo cho chủ sở hữu trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang tiến hành kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới;
+ Vi phạm trong quá trình báo cáo theo quy định về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam thực hiện dịch vụ quảng cáo cho chủ sở hữu trang thông tin điện tử của tổ chức cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Cụ thể hành vi vi phạm là không tiến hành báo cáo theo đúng quy định);
– Thứ ba, theo quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm đó là không thông qua những tổ chức này để tiến hành quảng cáo thì sẽ được xem là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng mức xử phạt lên đến 10 triệu đồng;
– Hành vi vi phạm được liệt kê dưới đây sẽ bị áp dụng với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng, cụ thể:
+ Việc quảng cáo nếu có vi phạm trong việc để cho độc giả chủ động tắt hoặc mở quảng cáo thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt trên ( Hành vi này thể hiện ở việc cố tình không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt mở lại quảng cáo không ở vùng cố định);
+ Vi phạm trong việc để thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây;
+ Tiến hành về thiết kế bố trí phần quảng cáo mà lẫn vào những phần nội dung tin ;
Ngoài việc bị áp dụng mức xử phạt hành chính nêu trên thì cá nhân có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc tháo gỡ quảng cáo đối với hành vi vi phạm bị áp dụng mức phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đã phân tích nêu trên.
Như vậy hành vi vi phạm về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử sẽ bị áp dụng mức xử phạt hành chính với số tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đây là mức áp dụng xử phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân còn trong trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ bị áp dụng mức phạt gấp đôi. Và bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc tháo gỡ quảng cáo vi phạm.
3. Quảng cáo trên báo điện tử có cần phải xin phép không?
Giấy phép quảng cáo là một loại giấy phép để tổ chức doanh nghiệp phải sở hữu nếu muốn quảng cáo những loại hàng hóa dịch vụ đặc biệt. Trong một số những lĩnh vực hoặc sản phẩm hàng hóa thì cần phải tuân thủ xin quảng cáo tại cơ quan có thẩm quyền. Các trường hợp quảng cáo trên báo điện tử ( trên website) bắt buộc phải xin giấy phép quảng cáo đã được quy định cụ thể tại Điều 20 của Luật quảng cáo bao gồm:
+ Tiến hành quảng cáo các loại thuốc hoặc quảng cáo mỹ phẩm;
+ Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm hoặc quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;
+ Cá nhân, tổ chức tiến hành quảng cáo trang thiết bị y tế;
+ Bên cạnh đó, hoạt động này cũng thực hiện đối với sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ;
+ Đối với dịch vụ khám, chữa bệnh tiến hành quảng cáo thì cũng phải thực hiện việc xin cấp giấy phép quảng cáo trên website;
+ Liên quan đến việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật và vật tư bảo vệ thực vật sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật thuốc thú y, vật tư thú y;
+ Bên cạnh đó việc quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt; thức ăn chăn nuôi và chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi cũng sẽ phải tuân thủ quy định này.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Văn bản hợp nhất 27/VBHN/VPQH 2018 Luật Báo chí;
– Nghị định số 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.