Mục lục bài viết
- 1 1. Nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là gì?
- 2 2. Các đối tượng được nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:
- 3 3. Điều kiện nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam:
- 4 4. Hồ sơ nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam:
- 5 5. Quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu nước ngoài:
- 6 6. Các trường hợp bị từ chối, hủy việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:
- 7 7. Các quyền và nghĩa vụ sau khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:
- 8 8. Các lưu ý đặc biệt khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam:
- 9 9. Dịch vụ Luật sư hỗ trợ thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:
1. Nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là gì?
1.1. Khái niệm pháp lý theo quy định hiện hành:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010, “nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài” là một trong các trường hợp sau:
“Việc người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; công dân Việt Nam nhận trẻ em là người nước ngoài làm con nuôi.”
Nói cách khác, chỉ cần một trong hai bên (người nhận hoặc người được nhận làm con nuôi) mang quốc tịch nước ngoài hoặc cư trú ở nước ngoài, thì quan hệ nuôi con nuôi đó sẽ được xếp vào nhóm có yếu tố nước ngoài, và phải tuân theo trình tự, thủ tục đặc thù.
1.2. Phân biệt với trường hợp nhận nuôi con nuôi trong nước:
Tiêu chí | Con nuôi trong nước | Con nuôi có yếu tố nước ngoài |
Chủ thể nhận con nuôi | Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam | Người nước ngoài / Việt kiều / người Việt định cư ở nước ngoài |
Cơ quan giải quyết | UBND cấp xã nơi người nhận cư trú | Cục Con nuôi – Bộ Tư pháp / Sở Tư pháp |
Hồ sơ, thủ tục | Đơn giản hơn, ít bước hơn | Phức tạp, nhiều khâu xác minh, hợp pháp hóa lãnh sự, kiểm tra năng lực… |
Kiểm tra sau khi nhận nuôi | Không bắt buộc | Bắt buộc báo cáo định kỳ sau khi nuôi |
Mục đích | Chủ yếu mang tính gia đình, xã hội | Ngoài yếu tố nhân đạo còn có thể liên quan đến nhập cư, quốc tịch… |
1.3. Một số tình huống nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài phổ biến:
- Vợ chồng người Pháp nhận con nuôi là trẻ mồ côi tại trung tâm bảo trợ xã hội ở TP. Hồ Chí Minh.
- Một Việt kiều Mỹ muốn nhận cháu ruột tại quê nhà làm con nuôi hợp pháp để bảo lãnh định cư.
- Một người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi hợp pháp để hợp thức hóa quan hệ gia đình.
- Một người nước ngoài đã sống lâu năm ở Việt Nam (có giấy phép cư trú dài hạn) muốn nhận trẻ em mồ côi tại Việt Nam làm con nuôi.
2. Các đối tượng được nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:
- Một là cá nhân công dân Việt Nam cư trú và sinh sống lâu năm, ổn định ở nước ngoài.
- Hai là người nước ngoài thường trú ở nước nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi mà Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi.
- Các trường hợp nhận con nuôi đích danh:
- Có mối quan hệ là cha dượng, mẹ kế của trẻ;
- Có mối quan hệ là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của trẻ;
- Có con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi là anh em ruột
- Trẻ bị khuyết tật và mắc các bệnh hiểm nghèo khác liên quan đến tính mạng như nhiễm HIV/AIDS
- Cá nhân nước ngoài đang làm việc, sinh sống, học tập ở Việt Nam với điều kiện ít nhất là một năm.
- Cá nhân Việt Nam có thường trú ở nước sở tại nhận trẻ nước ngoài làm con nuôi.
- Cá nhân nước ngoài thường trú trên lãnh thổ Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam.
3. Điều kiện nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam:
3.1. Điều kiện đối với người nhận con nuôi:
Theo Điều 14 và Điều 29 Luật Nuôi con nuôi 2010, người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn nhận con nuôi tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện chung và điều kiện riêng như sau:
a) Điều kiện chung:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có đạo đức tốt;
- Không có tiền án tiền sự liên quan đến các hành vi: xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác; ngược đãi, hành hạ, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em làm điều trái pháp luật;
- Có điều kiện về kinh tế, chỗ ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tại nước cư trú về đủ điều kiện nhận con nuôi.
b) Điều kiện riêng (với người nước ngoài):
- Phải thuộc quốc gia có ký kết hoặc cùng tham gia điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam (Công ước La Haye 1993 hoặc song phương);
- Phải được Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của nước họ giới thiệu, xác nhận đủ điều kiện nuôi con nuôi;
- Phải được xét duyệt và cấp phép bởi Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp Việt Nam.
3.2. Điều kiện đối với trẻ em được nhận làm con nuôi:
Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010, trẻ được nhận làm con nuôi phải thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trẻ em dưới 16 tuổi và thuộc diện:
- Trẻ mồ côi;
- Trẻ bị bỏ rơi;
- Trẻ có cha mẹ nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng;
- Trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng tập trung (trại trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ xã hội…).
- Ngoài ra, nếu là con riêng của vợ hoặc chồng người nhận nuôi thì có thể trên 16 tuổi nhưng phải dưới 18 tuổi, và phải có sự đồng ý của người được nhận nuôi.
3.3. Một số nguyên tắc ưu tiên trong nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:
Theo Điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010, việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài chỉ thực hiện sau khi đã không tìm được người trong nước nhận làm con nuôi, trừ trường hợp:
- Trẻ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, từ 5 tuổi trở lên hoặc có từ 2 anh chị em ruột trở lên cần được nhận nuôi cùng nhau;
- Có mối quan hệ thân thích, huyết thống với người nhận con nuôi.
- Lưu ý: Việc ưu tiên này nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ, giúp các em có cơ hội sống trong môi trường gia đình thay vì ở lại cơ sở nuôi dưỡng lâu dài.
4. Hồ sơ nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam:
4.1. Hồ sơ của người nhận con nuôi (người nước ngoài hoặc Việt kiều):
Theo Điều 31 Luật Nuôi con nuôi 2010, người nhận con nuôi là cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải chuẩn bị hồ sơ gồm:
a) Các giấy tờ bắt buộc:
- Đơn xin nhận con nuôi (theo mẫu quy định);
- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân, kết hôn, ly hôn…);
- Văn bản điều tra về tâm lý, gia đình, xã hội của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi thường trú cấp;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền nước nơi người nhận con nuôi cư trú cấp;
- Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận người nhận con nuôi có đủ điều kiện nuôi con nuôi (do cơ quan có thẩm quyền của nước đó cấp, có giá trị pháp lý trong 12 tháng kể từ ngày cấp).
b) Yêu cầu khác:
Tất cả các giấy tờ phải hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt và công chứng/chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Còn đối với trường hợp xin con nuôi đích danh thì ngoài các giấy tờ nêu trên thì cần chuẩn bị thêm các giấy tờ sau:
Các giấy tờ, tài liệu xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của trẻ em xác nhận người đó có mối quan hệ thân thích với trẻ em được xin làm con nuôi; bản chụp giấy chứng nhận kết hôn của người xin con nuôi với cha hoặc mẹ của trẻ em được xin làm con nuôi và giấy khai sinh của trẻ em đó để chứng minh quan hệ thân thích; bản chụp quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho nhận con nuôi, giấy khai sinh của con nuôi và của trẻ em được xin làm con nuôi để chứng minh người đó đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin làm con nuôi;
4.2. Hồ sơ của trẻ em được nhận làm con nuôi:
Theo Điều 32 Luật Nuôi con nuôi 2010, hồ sơ của trẻ gồm:
- Giấy khai sinh;
- Giấy khám sức khỏe của trẻ;
- Hai ảnh toàn thân nhìn thẳng, chụp không quá 6 tháng;
- Biên bản xác nhận tình trạng mồ côi, bị bỏ rơi hoặc trẻ em không có người chăm sóc;
- Biên bản xác nhận trẻ em không có người nhận làm con nuôi trong nước (nếu có yếu tố nước ngoài);
- Văn bản đồng ý cho con làm con nuôi của cha mẹ hoặc người giám hộ (nếu còn).
4.3. Hồ sơ của cơ sở nuôi dưỡng (nếu trẻ em đang được chăm sóc tại cơ sở nuôi dưỡng):
- Các quyết định tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng; biên bản bàn giao trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;
- Tờ trình đề nghị cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài;
- Tài liệu chứng minh việc tìm người nhận con nuôi trong nước không thành;
- Biên bản giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài;
- Các tài liệu khác liên quan đến nguồn gốc, tình trạng pháp lý và sức khỏe của trẻ.
5. Quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu nước ngoài:
5.1. Trường hợp cá nhân nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi:
Trường hợp trẻ Việt Nam đích danh:
- Sau khi chuẩn bị các giấy tờ nêu trên thì các bên phải nộp hồ sơ cho Sở Tư Pháp nơi con nuôi thường trú, hồ sơ được lập thành ba bộ.
- Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, lấy ý kiến bằng văn bản và có chữ ký của những người có liên quan đến việc cho trẻ làm con nuôi để xác nhận trẻ đủ điều kiện cho làm con nuôi.
- Đối với trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì Sở Tư pháp có quyền đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ xác minh các thông tin liên quan đến việc cho con nuôi, trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, công an tỉnh phải có văn bản trả lời về việc xác minh. Nếu trẻ có đủ điều kiện để cho làm con nuôi có yếu tố nước ngoài thì Sở Tư pháp cấp giấy xác nhận và gửi đến Bộ Tư pháp.
- Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, xác minh về hồ sơ của người nhận con nuôi. Đối với con nuôi đích danh thì Bộ Tư pháp phải chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi trẻ thường trú để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho cá nhân nước ngoài nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi.
- Khi kết thúc thời gian thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ bị bỏ rơi, nếu không có người trong nước nhận trẻ làm con nuôi thì Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi trẻ được giới thiệu thường trú ra quyết định.
Trường hợp trẻ Việt Nam không đích danh:
- Người nước ngoài nộp hồ sơ cho Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp Việt Nam thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước họ cư trú, hoặc tổ chức con nuôi nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.
- Cục Con nuôi tiếp nhận, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.
- Sau khi hồ sơ được chấp nhận, Cục Con nuôi chuyển hồ sơ về Sở Tư pháp tỉnh/thành phố nơi trẻ cư trú để đánh giá, thẩm tra thực tế.
- Sở Tư pháp tiến hành giới thiệu trẻ em phù hợp với người nhận con nuôi căn cứ trên lợi ích tốt nhất của trẻ.
- Cục Con nuôi xem xét quyết định có đồng ý với việc giới thiệu hay không.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi được thông báo, người nhận con nuôi phải có mặt tại Việt Nam để giao nhận trẻ. Việc giao, nhận con nuôi được thực hiện tại Sở Tư pháp tỉnh/thành phố nơi trẻ cư trú.
- Sở Tư pháp ghi nhận vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi; cấp Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
- Sau khi có quyết định công nhận, Cục Con nuôi thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi cư trú.
- Người nhận con nuôi có trách nhiệm báo cáo kết quả phát triển, chăm sóc trẻ trong ít nhất 3 năm đầu sau khi nhận con nuôi, theo định kỳ 6 tháng/lần (trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa hai quốc gia)
5.2. Trường hợp cá nhân Việt Nam nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi:
Căn cứ Điều 40 Luật nuôi con nuôi 2010 thì sau khi cá nhân nhận con nuôi chuẩn bị bộ hồ sơ như trên thì có trách nhiệm gửi đến Bộ Tư pháp xem xét, xác minh và cấp giấy chứng nhận cá nhân Việt Nam có đủ điều kiện con nuôi sau khi đối chiếu quy định pháp luật Việt Nam, trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ. Thời gian xác minh có thể kéo dài tối đa là sáu mươi ngày nếu thấy cần thiết. Sau khi đã hoàn thành tất cả các thủ tục nhận trẻ nước ngoài làm con nuôi, cá nhân Việt Nam phải tiến hành làm thủ tục ghi chú việc nuôi con tại Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân xã nơi cá nhân Việt Nam thường trú.
6. Các trường hợp bị từ chối, hủy việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:
6.1. Các trường hợp bị từ chối việc nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:
Theo Điều 9, Điều 28 và Điều 31 Luật Nuôi con nuôi 2010, người nước ngoài sẽ không được nhận con nuôi tại Việt Nam trong các trường hợp sau:
Người nhận con nuôi thuộc đối tượng bị cấm theo quy định pháp luật Việt Nam:
- Mất năng lực hành vi dân sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù;
- Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi con nuôi trước đây;
- Lợi dụng việc nhận con nuôi vì mục đích trục lợi thương mại, bóc lột lao động hoặc xâm hại trẻ em.
Không đảm bảo điều kiện nuôi con nuôi:
- Không có điều kiện kinh tế, chỗ ở, sức khỏe, đạo đức phù hợp để bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ;
- Không đáp ứng yêu cầu của Công ước quốc tế (nếu có áp dụng).
Trẻ em không đủ điều kiện cho làm con nuôi:
- Trẻ chưa được đưa vào danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế tại Cục Con nuôi;
- Trường hợp cha, mẹ ruột của trẻ chưa đồng ý cho làm con nuôi, hoặc đồng ý không hợp pháp.
Hồ sơ không đầy đủ, không trung thực:
- Làm giả, sửa chữa hồ sơ;
- Không tuân thủ đúng quy trình luật định (ví dụ: không thông qua tổ chức con nuôi hợp pháp, nộp hồ sơ sai thẩm quyền…).
6.2. Các trường hợp hủy việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:
Căn cứ Điều 25 và Điều 26 Luật Nuôi con nuôi 2010, việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài sẽ bị hủy bỏ khi:
Có sự vi phạm nghiêm trọng điều kiện, mục đích của việc nuôi con nuôi:
- Nuôi con nuôi nhằm mục đích trục lợi, bóc lột sức lao động, buôn bán trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em.
- Người nhận con nuôi đối xử tồi tệ với trẻ, gây tổn hại về thể chất, tinh thần.
Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyên bố:
- Việc nuôi con nuôi là giả tạo, không vì mục đích chăm sóc trẻ thực sự;
- Có hành vi ép buộc, cưỡng ép trong quá trình cho nhận con nuôi.
Bên nhận con nuôi không còn đủ điều kiện nuôi dưỡng:
- Phá sản, mất năng lực hành vi dân sự;
- Bị xử lý hình sự hoặc rơi vào hoàn cảnh không đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
6.3. Hệ quả pháp lý khi việc nhận con nuôi bị hủy bỏ:
- Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con nuôi chấm dứt kể từ thời điểm quyết định hủy nuôi con nuôi có hiệu lực.
- Trẻ được trả lại nơi cư trú cũ, đưa về cơ sở nuôi dưỡng, hoặc tìm người giám hộ khác (nếu không còn người thân).
- Các bên có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng (như buôn bán người, lạm dụng trẻ em).
7. Các quyền và nghĩa vụ sau khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:
7.1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi đối với con nuôi:
Theo Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010, từ thời điểm được công nhận chính thức, cha mẹ nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như cha mẹ ruột, bao gồm:
- Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Đại diện theo pháp luật cho con nuôi trong các quan hệ dân sự, hành chính, tố tụng;
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con nuôi;
- Cấp dưỡng cho con nuôi nếu quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt mà con chưa thành niên hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản tự nuôi sống.
- Lưu ý: Trong trường hợp nhận nuôi nhằm mục đích nhân đạo, như với trẻ khuyết tật, HIV/AIDS, không nơi nương tựa…, cha mẹ nuôi còn có nghĩa vụ chăm sóc đặc biệt, hỗ trợ y tế tâm lý dài hạn.
7.2. Quyền và nghĩa vụ của con nuôi đối với cha mẹ nuôi:
Tương tự, con nuôi cũng có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người con trong gia đình, bao gồm:
- Yêu thương, kính trọng, chăm sóc cha mẹ nuôi khi về già;
- Người thừa kế hợp pháp của cha mẹ nuôi theo Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 (nếu không có di chúc hoặc không bị truất quyền thừa kế);
- Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, phụng dưỡng cha mẹ nuôi trong trường hợp cần thiết.
7.3. Các quyền nhân thân và tài sản khác:
Khi việc nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài hoàn tất, trẻ được:
- Chuyển quốc tịch, nếu có yêu cầu và phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam và luật quốc tịch của nước nhận nuôi;
- Thay đổi họ, tên, theo đề nghị của cha mẹ nuôi;
- Cấp giấy khai sinh mới, thể hiện rõ quan hệ cha/mẹ con nuôi;
- Quyền định cư, nhập tịch, học tập, khám chữa bệnh… theo chính sách của quốc gia nhận nuôi (nếu được đưa ra nước ngoài sinh sống).
8. Các lưu ý đặc biệt khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam:
- Phải thông qua tổ chức con nuôi quốc tế được công nhận: Theo Điều 42 Luật Nuôi con nuôi 2010 và Nghị định 19/2011/NĐ-CP, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài khi muốn nhận con nuôi tại Việt Nam bắt buộc phải thông qua một tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Không được lựa chọn trẻ em cụ thể: Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, người nhận con nuôi không được tự ý lựa chọn một trẻ cụ thể trước khi hoàn tất thủ tục xét duyệt.
- Phải tuân thủ nghiêm quy định quốc tế (nếu có áp dụng): Việt Nam là thành viên của Công ước La Haye năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, vì vậy các quốc gia có ký kết Công ước này với Việt Nam sẽ áp dụng thủ tục chặt chẽ hơn.
- Phải có văn bản đồng ý của trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên: Theo khoản 1 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010, nếu trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên, việc cho nhận con nuôi bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của trẻ.
- Tuân thủ việc báo cáo định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần trong 3 năm đầu tiên). Cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe, học tập, tâm lý của trẻ cho Cục Con nuôi Việt Nam;
- Một thực tế đáng lo ngại là nhiều người thân hoặc cơ sở nuôi dưỡng tự ý bàn giao trẻ cho người nước ngoài trước khi có quyết định chính thức. Hành vi này là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
9. Dịch vụ Luật sư hỗ trợ thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:
Nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài là một trong những thủ tục phức tạp và đòi hỏi tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Không chỉ đơn thuần là chuẩn bị hồ sơ và nộp đúng nơi, người nhận nuôi còn phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về pháp luật quốc tế, nhân đạo, tâm lý xã hội, cũng như trải qua một quá trình xét duyệt nghiêm ngặt từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dịch vụ Luật sư tư vấn và hỗ trợ trọn gói thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam của Luật Dương Gia là lựa chọn đáng tin cậy và hiệu quả, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức và giảm thiểu rủi ro pháp lý.
Khi sử dụng dịch vụ, chúng tôi sẽ hỗ trợ:
- Tư vấn điều kiện pháp lý và quy trình phù hợp theo từng quốc gia nhận nuôi;
- Soạn thảo và kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và hợp lệ theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, Luật Hộ tịch, Luật Quốc tịch và các điều ước quốc tế có liên quan;
- Đại diện khách hàng làm việc với cơ quan chức năng như Sở Tư pháp, UBND, Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp…;
- Dịch thuật, hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, đặc biệt với các quốc gia yêu cầu văn bản chuẩn song ngữ;
- Theo dõi tiến độ, hỗ trợ hậu kiểm, đảm bảo việc nuôi con nuôi diễn ra đúng mục đích nhân đạo, phù hợp pháp luật;
- Tư vấn về quốc tịch, hộ tịch, khai sinh, xuất nhập cảnh và quyền thừa kế của con nuôi sau khi hoàn tất thủ tục…
THAM KHẢO THÊM: