So với quy định trước đây, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định cụ thể và rõ ràng hơn về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án thể hiện ở Điều 165 khi quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra.
Mục lục bài viết
1. Pháp luật về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 :
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã thể chế các quan điểm của Đảng về đấu tranh phòng chống tội phạm được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và các nghị quyết khác của Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2011). Trải qua hơn 15 năm thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc do chưa quy định cụ thể chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự nói chung, trong đó có nhóm các tội xâm phạm trật tự công cộng. Cụ thể:
– Điều 112, 114 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra và mối quan hệ giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhưng không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
– Chưa quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra đối với hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như:
+ Phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can không có căn cứ pháp luật.
+ Chưa quy định cụ thể về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân .
+ Phê chuẩn lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, việc tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền để bào chữa, khám xét thư giữ, tạm giữ đồ vật thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định khác không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan điều tra , cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
+ Không quy định quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế.
+ Không quy định Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong những trường hợp nào.
Những tồn tại trên của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã được tháo gỡ một số nội dung tại Thông tư liên tịch số 05/TTLT–Viện kiểm sát nhân dân TC–BCA–BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và trong các quy chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự nói chung và các vụ án xâm phạm trật tự công cộng nói riêng, làm ảnh hưởng đến việc áp dụng thống nhất pháp luật giữa các cơ quan tư pháp.
2. Pháp luật về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 :
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thể chế hóa quan điểm của Đảng được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 49/NQ–TW ngày 06/02/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi bổ sung những nội dung nêu trên và pháp điển hóa các văn bản dưới luật có liên quan đến chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự góp phần hoàn thiện pháp luật, bảo đảm áp dụng thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể và rõ ràng hơn về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Cụ thể: Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án, theo đó, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn đó là: (1) Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; (2) Phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can không có căn cứ và trái pháp luật; (3) Khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định
khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can trong các trường hợp do Bộ luật này quy định; (4) Phê chuẩn, không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, việc tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định tố tụng khác không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này; hủy bỏ các quyết định tố tụng không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; (6) Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; (7) Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố: (8) Khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm; (9) Quyết định việc gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam; quyết định chuyển vụ án, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; hủy bỏ quyết định tách, nhập vụ án.
– Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có những điều luật quy định nhằm bảo vệ quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị nghi thực hiện tội phạm, bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Nhằm thể chế quy định của Hiến pháp năm 2013: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định” , Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể thủ tục bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, theo đó một người chỉ bị bắt khẩn cấp khi Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của cơ quan điều tra .