Phân tích ý nghĩa và vai trò của kiểm sát hoạt động tư pháp trên 03 khía cạnh: Ý nghĩa về mặt lý luận, ý nghĩa về mặt pháp luật và ý nghĩa về mặt thực tiễn?
Chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND trong lịch sử lập hiến, lập pháp của đất nước qua từng giai đoạn đã và đang là minh chứng có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng.
Trong giai đoạn hiện nay, chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp vẫn phát huy vai trò quan trọng trong giám sát quyền lực tư pháp. Kiểm sát hoạt động tư pháp có tác dụng phòng ngừa và ngăn chặn mọi hành vi lạm dụng quyền lực công trong hoạt động tư pháp, nhằm phát hiện vi phạm, kịp thời xử lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Ý nghĩa, vai trò của chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp được thể hiện qua những nội dung chủ yếu sau đây:
Mục lục bài viết
1. Ý nghĩa về mặt lý luận:
Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước mà Quốc hội giao cho VKSND để giám sát nhánh quyền lực tư pháp. Theo
Thông qua quy định của Hiến pháp và Luật, Quốc hội giao cho nhiều cơ quan nhà nước giám sát việc thực hiện quyền lực và theo dõi, kiểm tra, yêu cầu các cơ quan đó báo cáo tình hình giám sát. Hoạt động giám sát, kiểm soát của Quốc hội theo Hiến pháp năm 2013 chủ yếu tập trung vào các cơ quan nhà nước ở trung ương và cá nhân đứng đầu cơ quan đó, đây là dạng hoạt động giám sát mang tính chính trị.
Để giám sát, kiểm soát quyền lực một cách cụ thể, Quốc hội giao cho cơ quan nhà nước khác có chức năng, nhiệm vụ mang tính chuyên môn cao, như các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, hay chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND, đây là dạng hoạt động giám sát mang tính chuyên môn. Như vậy, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND bắt nguồn từ chức năng giám sát của Quốc hội, sẽ phát huy hiệu quả bởi được thiết kế như cơ chế quyền lực kéo dài của Quốc hội để giám sát hoạt động tư pháp.
2. Ý nghĩa về mặt pháp lý:
Một là, VKSND thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp có sự độc lập về tổ chức so với các cơ quan bị kiểm sát (đối tượng của kiểm sát hoạt động tư pháp). Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, VKSND là hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước, được tổ chức theo ngành dọc, không nằm trong hay không bao trùm các cơ quan thực hiện quyền tư pháp và cơ quan tham gia trong hoạt động tư pháp như Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án … . Do vậy, VKSND thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp độc lập, bảo đảm cho hoạt động giám sát được khách quan, trung thực, có hiệu lực, hiệu quả cao.
Hai là, trong hoạt động tư pháp, VKSND là cơ quan duy nhất tham gia toàn bộ các giai đoạn (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, do đó, VKSND có thẩm quyền tham gia vào tất cả các lĩnh vực (tố tụng tư pháp hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án…) trong hoạt động tư pháp. Đây là tiền đề và giá trị quan trọng để đảm bảo cho VKSND có khả năng giám sát hiệu quả nhất toàn bộ quá trình tố tụng và các lĩnh vực khác trong hoạt động tư pháp, cũng là để giám sát toàn bộ quá trình thực hiện quyền tư pháp.
Bên cạnh đó, với bộ máy tổ chức và hoạt động của VKSND tương đối hoàn thiện để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp sẽ mang tính chuyên môn sâu, hoạt động thường xuyên, liên tục, có nhiều chức danh tư pháp theo ngạch. Qua đó, VKSND có đủ cơ sở để phát hiện vi phạm trong hoạt động tư pháp và là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho hoạt động giám sát có tính chuyên nghiệp và hiệu quả cao.
3. Ý nghĩa về mặt thực tiễn:
Từ khi Luật tổ chức VKSND đầu tiên được Quốc hội thông qua cho đến nay, với tư cách là một thiết chế độc lập trong bộ máy nhà nước, VKSND đã và đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp có hiệu quả. Kết quả từ thực tiễn của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp là minh chứng rõ ràng nhất về sự cần thiết của VKSND nói chung và sự cần thiết của cơ chế giám sát hoạt động tư pháp nói riêng. Hàng năm, Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trước Quốc hội về kết quả thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp đều được đánh giá cao, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác này (được thể hiện trong các báo cáo công tác hàng năm của ngành Kiểm sát nhân dân).
Qua đó cho thấy, ý nghĩa về thực tiễn của chức năng kiểm sát hoạt động | tư pháp của VKSND là đáng ghi nhận, có vai trò quan trọng, là chỗ dựa đáng tin cậy của Quốc hội trong giám sát quyền lực tư pháp. Kiểm sát hoạt động tư pháp vừa là cơ chế kiểm soát từ bên ngoài, độc lập với đối tượng giám sát, nhưng lại có khả năng bao quát và giám sát được toàn bộ, từng hoạt động cụ thể trong quá trình thực hiện hoạt động tư pháp, nhằm đảm bảo Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh, hạn chế sai phạm, vi phạm của các cơ quan tham gia thực hiện hoạt động tư pháp.
Bởi lẽ, VKSND chỉ xem xét đối tượng kiểm sát hoạt động tư pháp dưới phương diện có hợp pháp hay không mà không can thiệp vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan này. Nếu VKSND phát hiện vi phạm thì thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục những vi phạm đó; hoặc tập hợp nhiều vi phạm phổ | biến để kiến nghị đến cơ quan quản lý hoặc cơ quan quyền lực nhà nước, cũng như tham mưu cho cấp ủy Đảng để chỉ đạo, khắc phục vi phạm.
Vì vậy, hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp, mà hướng đến mục tiêu bảo đảm pháp luật được thực hiện, chấp hành một cách nghiêm chỉnh, thống nhất, bảo vệ quyền lợi của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.