Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là một bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa hào hùng, bi tráng, vừa lãng mạn, trữ tình. Hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp vừa hào hoa, lãng mạn, vừa anh hùng, kiên cường. Dưới đây là bài văn phân tích vẻ đẹp hào hoa và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp hào hoa và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến:
Mở bài:
Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
Giới thiệu về vấn đề đề bài yêu cầu Phân tích vẻ đẹp hào hoa và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến
Thân bài:
Vẻ đẹp ngoại hình: dữ dội, oai phong vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt với hình ảnh“ đoàn binh không mọc tóc”…
Vẻ đẹp hào hoa của người lính Tây Tiến
Có tâm hồn hào hoa
- Là những con người mang nặng nỗi nhớ thành lời “Tây Tiến ơi” đầy thân thương, đó là cảm xúc “nhớ chơi vơi”, nhớ về hình ảnh “cơm lên khói” bao trùm không gian.
- Nhạy cảm với thiên nhiên, cuộc sống
Say mê trước cái đẹp trong đêm trại đuốc hoa:
- Không khí đêm liên hoan với màu sắc lộng lẫy: cùng các hình ảnh “bừng lên hội đuốc hoa”, “khèn lên man điệu”; hình ảnh con người duyên dáng trong “xiêm áo”, “nàng e ấp”.
- Tâm hồn người lính say mê trong không khí tình người: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
- Họ là những người có tâm hồn và trái tim yêu thương “Mắt trừng gửi mộng”/ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
- Niềm thương, tình cảm gắn bó gửi lại nơi Tây Bắc “Ai lên Tây Tiến … / Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”
d. Mang vẻ đẹp bi tráng, hào hùng
Vẻ đẹp bi tráng hiện lên qua sự hi sinh dũng mạnh của họ:
Người lính Tây Tiến với hình ảnh “dãi dầu không bước nữa” và “gục lên súng mũ bỏ quên đời” thuần miêu tả thời khác nghỉ ngơi của người lính sau trận chiến dài, cũng có thể hiểu là sự nghỉ ngơi ngàn thu trong sự thanh thản.
- Họ sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ “rải rác biên cương mồ viễn xứ”, “chẳng tiếc đời xanh”, “anh về đất”, với tâm thế thanh thản, nhẹ nhàng.
- Cái chết được lí tưởng hóa giống như hình ảnh tráng sĩ xưa với chiếc “áo bào”, và “khúc độc hành”.
- Đoàn quân Tây Tiến lên đường với quyết tâm “người đi không hẹn ước” “thăm thẳm một chia phôi.
Kết bài:
Khái quát lại vấn đề của đề bài
Nêu cảm nhận cá nhân về hình tượng người lính Tây Tiến.
2. Những ý chính về vẻ đẹp hào hoa và bi tráng trong Tây Tiến:
Vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn:
-
Tâm hồn nghệ sĩ: Người lính Tây Tiến không chỉ là những chiến sĩ mà còn là những người nghệ sĩ. Họ có khả năng cảm nhận và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt.
-
Tình yêu cuộc sống: Họ biết tận hưởng những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, dù là giữa rừng sâu, núi cao. Hình ảnh “đêm hội đuốc hoa” gợi lên một không khí lãng mạn, trữ tình.
-
Tình yêu phụ nữ: Tình yêu với những cô gái dân tộc đã làm cho cuộc sống của người lính thêm phần lãng mạn.
-
Khát vọng hòa bình: Dù chiến tranh khắc nghiệt, trong sâu thẳm tâm hồn, người lính vẫn hướng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Vẻ đẹp bi tráng:
-
Sự hy sinh cao cả: Người lính Tây Tiến sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ, thậm chí cả mạng sống vì Tổ quốc.
-
Cái chết anh hùng: Cái chết của họ không hề u ám mà mang một vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng. Hình ảnh “rải rác biên cương mồ viễn xứ” gợi lên một nỗi buồn sâu lắng nhưng cũng rất đỗi anh hùng.
-
Hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt: Cuộc sống chiến trường đầy gian khổ, hiểm nguy đã in dấu lên tâm hồn người lính.
Sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp hào hoa và bi tráng:
-
Vẻ đẹp bi tráng làm tăng thêm vẻ đẹp hào hoa: Chính những gian khổ, mất mát đã làm cho vẻ đẹp hào hoa của người lính trở nên sáng ngời hơn.
-
Vẻ đẹp hào hoa làm giảm đi sự bi tráng: Tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính đã giúp họ vượt qua những khó khăn,
3. Phân tích vẻ đẹp hào hoa và bi tráng trong bài Tây Tiến của Quang Dũng
Tây Tiến ra đời trong thời kì kháng chiến chống Pháp gian khổ là dòng hồi tưởng đẹp đẽ về những kỉ niệm sống động về người chiến sĩ Tây Tiến. Đó là hình ảnh người lính trẻ với vẻ đẹp hài hoà giữa vẻ hào hoa và bi tráng. Bài thơ mở đầu với tâm trạng nhớ nhung lạ lùng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.
Hai câu thơ xác định rõ những khoảng không gian khác nhau đó là thực tại và hồi tưởng. Tuy nhiên, đối với nhà thơ, những hình ảnh của một quá khứ đang ập tới; nhấc bổng nhà thơ khỏi thực tại, để hồn thơ lơ lửng trong cõi nhớ chứ đâu chỉ “Sông Mã”.
Vậy là, với sự dẫn dắt nhằm chuyển vùng không gian cho người đọc về một thời Tây Tiến đã qua tức khắc hiện lên trước mắt ta. Trong kí ức nhà thơ, ấn tượng ấy còn nóng hổi, tươi nguyên những vất vả ngày nào như còn chưa tan hẳn trong tâm trí.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Đó là một bức tranh ấn tượng về thiên nhiên khắc nghiệt nhưng đầy thơ mộng. Thiên nhiên ấy thử thách các chiến sĩ, muốn vùi lấp những sinh mạng ấy trong những khoảnh khắc của sương mù. Nhưng cũng chính trong khung cảnh này, tâm hồn của các chàng trai người Hà Nội mới bay bổng, dù “sương lấp” lạnh lùng bao nhiêu, thì “hoa về” lại tươi tắn, ấm áp bấy nhiêu. Câu thơ “Mường lát hoa về trong đêm hơi” nhiều thanh bằng diễn tả trạng thái lâng lâng đến sau một chặng đường mỏi mệt. Khung cảnh đoàn quân Tây Tiến vừa thơ mộng lại vừa hùng vĩ làm xao động lòng người như một bức tranh thủy mặc mang tính thời đại: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ tiếp theo như bẻ gãy làm đôi: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, hình ảnh núi rừng đan xen tiếng hô gầm thét, lại trở nên duyên dáng về một cô gái trên chiếc thuyền độc mộc trên con sông chảy xiết..
Kết thúc đoạn thơ kí ức bị đánh thức giãn ra, nhẹ nhàng lan tỏa trở nên tươi tắn hơn. Độc giả cùng nghiêng ngả theo điệu múa tại đêm liên hoan văn nghệ với hội đuốc hoa” “đong đưa” theo cánh hoa trên dòng nước lũ.
Thiên nhiên trong Tây Tiến tràn đầy sinh lực, thấm đượm tình người, đặc biệt là hồn thơ tinh tế của tác giả rất nhạy trong một làn sương chiều mỏng với mộthoa lau núi phất phơ bất chợt. Và một ánh thơ xuất hiện như mây chiều:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ.
Tây Tiến hiện lên hoang sơ, kì vĩ với dốc đứng, núi cao, vực thẳm, thác gầm cùng cồn mây hòa quyện trong dòng lũ hoa với khói lên, mưa xa khơi… Trên cái nền thiên nhiên dữ dội ấy, hình ảnh đoàn quân Tây Tiến như bị ngập hút đi. Nhưng chính sự tương phản tăng thêm khí phách mạnh mẽ của đoàn quân Cách mạng, cũng như gian khổ không thế khuất phục được họ. Hình ảnh người lính thật khác thường ở sự gian khổ cùng cực: mặc rét, bệnh tật đến xanh da, trụi tóc và khác thường ở chỗ không miêu tả một gương mặt từng chiến sĩ riêng biệt mà tập trung thành gương mặt chung của đoàn quân.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Đây là hình ảnh chân thật về diện mạo bên ngoài của người lính cài lá ngụy trang, thân thể xanh xao vì cơn bệnh sốt rét. Câu thơ tạo nên hình ảnh đối lập, giữa bề ngoài xanh như lá, nhưng bên trong thế hiện một phong độ anh hùng nơi “rừng thiêng nước độc”. Câu thơ đầy ấn tượng “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”gợi được dũng khí của người chiến binh năm ấy mang cái dáng dấp của người coi thường gian khổ để giữ cái thế hiên ngang của người lính Tây Tiến.
Những thanh niên Hà Nội trở thành người lính oai phong cũng rất Hà Nội tài hoa lãng mạn. Thời chiến chinh nói về giấc mơ “dáng kiều thơm” những không hề xa rời tinh thần chiến đấu mà khiến tâm trạng của họ lại càng có những nét hào hoa. Cái “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, chỉ tô đậm cái đẹp phẩm chất người lính vừa hào hùng, hào hoa. Nhà thơ đã nhìn thẳng vào sự thật tổn thất, hi sinh:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Câu thơ là niềm cảm thương về miền đất biên ải xa xôi với bao cuộc đời người lính. Nơi gợi chút gì hoang vắng trước những nấm mồ viễn xứ và cũng là cảm hứng thơ thật hào hùng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” của lớp trẻ thanh niên đầy nghĩa khí mà giản dị. Cái chết tạo nên vinh quang thầm lặng mà cao cả hiến mình của những người lính.
Viết về chiến tranh, nhưng bài thơ không có một chữ nào về tiếng súng, máu đổ hay kẻ thù những ta vẫn hình dung rất rõ không khí của chiến tranh. Đặc biệt có ba lần nói đến cái chết nhưng không một lần nhà thơ sử dụng từ “chết” hoặc “hi sinh” mà được thay thế bằng các cụm từ “về đất”, “bỏ quên đời”, “hồn về”… Đó là lí tưởng cách mạng và tuổi trẻ cùng chất anh hùng ngang tàng mà ván lãng mạn đáng yêu.
Quang Dũng không dùng lời ngợi ca sáo rỗng hay những giọt nước mắt mà khiến trời đất chứng giám sự hi sinh của người lính vào lòng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Khúc độc hành” trở thành bất tử và các anh đã hòa quyện vào sông núi để trở thành biểu tượng “hồn thiêng đất nước”.
“Tây Tiến một tượng đài bất tử về người lính vô danh” là lời nhận định chính xác của nhà phê bình Phong Lan về vẻ bất tử hào hùng, hào hoa, trong bài thơ về người lính Tây Tiến. Có thể nói bài thơ Tây Tiến cùng Quang Dũng sẽ sống mãi trong lòng người đọc.
3. Phân tích vẻ đẹp hào hoa và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến hay nhất:
Bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng là một tác phẩm nổi tiếng về đề tài chống Pháp, lấy cảm hứng từ cuộc kháng chiến Tây Bắc. Tác phẩm miêu tả sự đẹp đẽ, hào hoa và bi tráng của cuộc chiến, từ đó thể hiện lòng yêu nước, sự kiên cường, dũng cảm của người dân Việt Nam.
“Tây Tiến” là bài thơ viết về binh đoàn Tây Tiến nơi nhà thơ đã từng sống và chiến đấu. Những người lính trong binh đoàn phần đông là thanh niên Hà Nội, chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, vô cùng thiếu thốn về mọi mặt nhưng vẫn phơi phới tinh thần lãng mạn anh hùng. Ở họ có vẻ đẹp tinh nghịch hào hoa của chàng trai đất Hà thành nhưng cũng thật kiêu hùng, can đảm trong cuộc chiến đấu. Miêu tả về họ, Quang Dũng sử dụng bút pháp lãng mạn và cảm hứng ngợi ca khiến cho dù trải qua đau thương, gian khổ thì người lính vẫn hiện lên mang vẻ đẹp thật đặc biệt: bi tráng mà không hề bi lụy.
Chất bi tráng ở đây trước hết có được là do được đặt trên nền của bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà diễm lệ, thơ mộng mà đầy hoang sơ, bí ẩn. Mảnh đất Tây Bắc vừa là môi trường sống và chiến đấu của người lính nhưng cũng vừa mang trong mình vẻ đẹp riêng. Con người đặt trong đó vừa chan hòa, giao cảm với thiên nhiên lại vừa đối lập và bị thiên nhiên thử thách. Trước cái heo hút của cồn mây, cái gập ghềnh của “dốc thăm thẳm”, của “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, người lính vẫn vượt lên trên, giành về mình thế chủ động. Chinh phục đỉnh cao để nhìn lên và phát hiện ra một hình ảnh đầy dí dỏm: “súng ngửi trời”. Vượt qua núi đá gập ghềnh để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mờ ảo đầy màu sắc của “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Vượt qua cái mệt mỏi của chặng đường hành quân, mở rộng lòng mình ra đón nhận vẻ đẹp bất ngờ của thiên nhiên, của một cánh hoa về trong đêm hơi… Bằng cách đặt nhân vật vào bức tranh thiên nhiên như vậy, Quang Dũng đã khẳng định vẻ đẹp dũng cảm kiên cường nhưng cũng rất tinh nghịch, lãng mạn của người lính Tây Tiến.
Cũng trong thiên nhiên đó, người lính Tây Tiến xuất hiện với tầm vóc bi tráng, khác thường:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Gian khổ của chiến tranh đã làm cho hình hài người lính trở nên tiều tụy thế nhưng dưới con mắt lạc quan, đầy sức mạnh và niềm vui sống nó lại trở thành nét rất riêng, thành cái “uy” của họ. Cụm từ miêu tả “dữ oai hùm” vừa thể hiện sức mạnh oai phong lẫm liệt của những người đang cầm súng bảo vệ quê hương, lại vừa ẩn chứa sau đó nét lạc quan, hài hước của họ. Bài thơ xuất hiện một hình ảnh đối lập độc đáo:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”
Người lính được khắc họa trong sự hài hòa giữa một chàng trai Hà thành tâm hồn lãng mạn và một người lính dũng cảm kiên cường, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Chúng không hề đối lập mà bổ sung cho nhau, tôn vẻ đẹp của nhau lên.
Những khó khăn mà người lính phải đối mặt là vô cùng, nhiều khi là cả cái chết. Ấy vậy mà khi nói về cái chết, Quang Dũng đã nói đến họ trong những hình ảnh thật đặc biệt:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Tư thế “gục lên súng mũ bỏ quên đời” bi tráng, thanh thản, dung dị mà đầy tính truyền cảm. Nó phảng phất chất nghệ sĩ, tài tử, kiêu hùng khi từ giã cuộc sống của người chiến sĩ. Đã ngã xuống mà vẫn như tư thế cùng đồng đội tiếp bước hành quân. Đến mảng hồi ức này, ta cảm thấy trong lời thơ của Quang Dũng có sự trầm lắng, xót xa nhưng tuyệt đối không hề bi lụy. Nó làm ta nhớ đến tư thế của anh giải phóng quân thời chống Mĩ hi sinh trên đường bay Tân Sơn Nhất.
“Anh giải phóng quân Trên đường bay Tân Sơn Nhất
Tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”
Ngợi ca người lính Tây Tiến, Quang Dũng không hề ngần ngại khi nói đến cái chết của họ. Bởi chính trong cái chết, người chiến sĩ hiện lên càng đẹp đẽ:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Cõi chết trong cách nhìn của Quang Dũng tức cũng là cái nhìn của tất cả những người lính Tây Tiến cũng khác thường và tạo hình dữ dội. Nó nói lên cái tột cùng cơ cực lẫn cái lẫm liệt kiêu hùng. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn, “rải rác biên cương mồ viễn xứ” là điều người lính luôn thấu hiểu. Nhưng không vì thế mà nó làm nhụt đi ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Mỗi người lính Tây Tiến điều tâm niệm: “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, nghĩa là họ tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cống hiến thanh thản và trọn vẹn mà không đòi hỏi nhận lại một điều gì cả.
Cái chết thiếu thốn không vì thế mà làm giảm đi vẻ đẹp của người lính. Người chiến sĩ ra đi như một vị anh hùng thần thoại:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Tấm áo trước nay người lính vẫn thường hay mặc trở thành “áo bào” đưa anh về với đất mẹ. Và sự ra đi có chứng kiến, tiễn đưa của núi sông, trời đất. Khúc gầm dữ dội của dòng sông khiến cho cái chết trở nên hào hùng. Nó là khúc bi ca tiễn đưa những con người gần gũi nhưng cũng thật vĩ đại.
Người lính hiện lên mang vẻ đẹp bi tráng mà không hề bi lụy. Cái bi tráng thể hiện trong những gian khổ mất mát, đau thương to lớn, nhưng tinh thần lại hiên ngang, bất khuất, coi thường gian khổ, coi thường cái chết; thể hiện trong cái khổ mà vẫn đẹp, chết mà vẫn hùng của người chiến sĩ.
Làm nên vẻ đẹp bi tráng này, điều đầu tiên phải kể đến là cảm hứng và bút pháp lãng mạn của Quang Dũng khi xây dựng hình tượng nhân vật. Cảm hứng lãng mạn hướng tới những cái cao cả, sẵn sàng xả thân, hi sinh tất cả cho lí tưởng của cộng đồng, của dân tộc. Chính nó đã tạo ra ở nhà thơ cái nhìn có tính anh hùng cổ điển trong hình ảnh người lính, đặc biệt trước cái chết của họ. Bút pháp lãng mạn khắc họa người lính Tây Tiến ở những nét phi thường, kết hợp với sắc thái bi tráng trong hình tượng tạo nên tính sử thi đặc biệt của bài thơ, đúc kết lại trong lòng người đọc những tình cảm tốt đẹp.
Góp phần tạo nên vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến còn ở giọng điệu thơ hào sảng với hình ảnh chi tiết có ấn tượng mạnh mẽ. Thiên nhiên và con người vừa đối lập lại vừa đồng điệu. Sự đối lập trong hệ thống hình ảnh, giữa thực tế chiến đấu và đời sống tinh thần phong phú, tinh tế, nhạy cảm; giữa những khó khăn gian khổ với niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Tất cả làm nên hình tượng về người lính Tây Tiến còn lại mãi với thời gian.
“Tây Tiến” là bài thơ ngợi ca hình tượng người lính trong thời kì kháng chiến chống giặc ngoại xâm, khi “những ngày vui sao cả nước lên đường” đi chiến đấu: “Lớp cha trước lớp con sau / Đã thành chiến sĩ chung câu quân hành”. Vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến đã trở thành một biểu tượng đẹp cho tinh thần yêu nước và chiến đấu kiên cường của dân tộc Việt Nam, thêm một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ…”
THAM KHẢO THÊM: