BLHS đã quy định cụ thể các tình tiết trong cấu thành tội phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN giúp các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng trong việc xác định tội phạm và khung hình phạt hợp lý.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khách thể của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
- 2 2. Mặt khách quan của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
- 3 3. Mặt chủ quan của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
- 4 4. Chủ thể của tội phạm của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
- 5 5. Hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
1. Khách thể của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
Khách thể của tội phạm là yếu tố đầu tiên trong cấu thành tội phạm, là các quan hệ xã hội được nhà nước bảo vệ bằng BLHS tuy nhiên các quan hệ xã hội này bị tội phạm xâm phạm, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Nếu bất kỳ hành vi khách quan nào không gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ hoặc các bất kỳ hành vi gây thiệt
hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến các quan hệ xã hội không được pháp luật hình sự bảo vệ thì các hành vi đó không có tính tội phạm và không phải xem xét chịu trách nhiệm hình sự và hình phạt.
Cũng như các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xâm phạm đến chế độ kinh tế, xâm phạm đến các quan hệ xã hội nhằm đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế thị trường. Cụ thể, hành vi phạm tội đã xâm hại đến các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực thuế, tài chính – Kế toán, chế độ quản lý nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước .
Đối tượng tác động của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước rất rộng, bao gồm: Hóa đơn, chứng từ bán hàng, cung ứng dịch vụ các doanh nghiệp dùng để kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp; hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng, hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; chứng từ thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng; chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ; các loại tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm,...
2. Mặt khách quan của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm ra bên ngoài thế giới khách quan bao gồm những hành vi nguy hiểm cho xã hội (được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động), hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Ngoài ra, mặt khách quan còn bao gồm các dấu hiệu khác thể hiện hành vi phạm tội và gắn liền với hành vi như: thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn phạm tội,... Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, là những biểu hiện, là hình chiếu của tội phạm ngoài thế giới khách quan. Đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 203 BLHS năm 2015, hành vị khách quan của tội phạm này được thể hiện như sau:
Hành vi in trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc sai, không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; là việc làm giả hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước , việc làm giả hoàn toàn hoặc một phần nội dung của hóa đơn, chứng từ. Người phạm tội có thể tham gia vào một phần hoặc toàn bộ quá trình in, khởi tạo trái phép, làm giả hóa đơn, chứng từ.
Hành vi phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi lập tờ thông báo phát hành hóa đơn thiếu hoặc không đầy đủ nội dung: không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định của pháp luật. Là hành vi đưa các loại hóa đơn, chứng từ ra lưu hành trên thị trường không đúng thẩm quyền hoặc trái các quy định pháp luật của nhà nước.
Hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi mua đi bán lại các loại hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật là không được phép mua bán để thu lợi bất chính. Các hành vi này vi phạm các điều kiện về chủ thể được phép mua, bán hóa đơn, chứng từ hoặc số lượng hóa đơn, chứng từ được bán ra.
Bên cạnh các hành vi khách quan, mặt khách quan của tội phạm này còn bao gồm cả hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội. Theo đó, hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước chỉ cấu thành tội phạm khi hậu quả của hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số.
Thứ hai, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước mà hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số.
Thứ ba, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, khi thể nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật còn biểu hiện ra thế giới khách quan các dấu hiệu khác như: thời gian, địa điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội, công cụ, phương tiện hỗ trợ.
Đối với chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại, do chủ thể này khác với thể nhân, không có cơ thể sinh học, tồn tại trong thế giới khách quan nên chủ thể này không thể trực tiếp thực hiện các hành vi khách quan như đã phân tích ở trên mà chủ thể này sẽ phải thông qua một hoặc một nhóm thể nhân là người đại diện hoặc là người được pháp nhân thương mại ủy quyền, trao quyền nhân danh pháp nhân thương mại thực hiện hành vi trái với quy định của pháp luật.
3. Mặt chủ quan của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
Mặt chủ quan của cấu thành tội phạm là mặt bên trong của tội phạm, nó phản ánh trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi đó gây ra. Nó bao gồm các yếu tố lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Trong đó, yếu tố lỗi là quan trọng nhất, nó luôn được phản ánh trong mọi cấu thành tội phạm còn động cơ, mục đích của người phạm tội những nội dung thứ yếu, chỉ được phản ánh trong một số cấu thành tội phạm.
Đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước , chủ thể thực hiện một trong các hành vi khách quan về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước như đã phân tích ở mặt khách quan của tội phạm ở trên, đồng thời nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế , gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra để thực hiện được mục đích vụ lợi của mình. Động cơ, mục đích khi chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là lợi dụng sự lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng của pháp luật, để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi, thu lợi bất chính.
Có thể thấy, đối với loại tội phạm này, các chủ thể đã thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Chủ thể thực hiện tội phạm nhận thức rõ hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả của các hành vi vi phạm đó xảy ra.
4. Chủ thể của tội phạm của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
Theo quy định của BLHS năm 2015, ngoài cá nhân ra, pháp nhân thương mại cũng có thể là chủ thể của tội phạm.
Đối với cá nhân, theo luật hình sự Việt Nam, một người được coi là chủ thể của tội phạm khi người đó có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm hình sự, mặt khác người đó phải đạt đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và thực hiện một hoặc một số hành vi phạm tội.
Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015, quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo đó:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
Như vậy, có thể thấy chủ thể của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đối với thể nhân là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thực
hiện một hoặc nhiều hành vi khách quan trong mặt khách quan của tội phạm này như: in trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ; phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ; mua, bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước .
Đối pháp nhân thương mại, chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại khi một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các quan hệ xã hội theo quy định của pháp luật, hoạt động vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015 quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, theo đó:
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”.
Mặt khác tại Điều 76 Bộ luật này quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội: “Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này”.
Như vậy có thể thấy, pháp nhân thương mại cũng có thể là chủ thể của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước khi các pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi khách quan của tội phạm này và thỏa mãn các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015.
5. Hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
5.1. Đối với chủ thể phạm tội là thể nhân:
Cấu thành tội phạm cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 203 BLHS năm 2015, theo đó thì: “Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Việc quy định cụ thể các tình tiết trong cấu thành tội phạm, hạn chế các yếu tố định tính, thay bằng các yếu tố định lượng giúp các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng trong việc xác định tội phạm, khung hình phạt hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt của cơ quan có thẩm quyền.
Cấu thành tội phạm tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 203 BLHS năm 2015, theo đó người nào:
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm”.
Ngoài các hình phạt chính, thể nhân phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại khoản 3 Điều này: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
5.2. Đối với chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại:
Ngoài các hình phạt áp dụng đối với thể nhân phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước , BLHS năm 2015 còn có các quy định về hình phạt áp dụng đối với chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại, được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 203 Bộ luật này.
Theo đó, hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo cấu thành cơ bản sẽ bị áp dụng hình phạt theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 203 BLHS năm 2015 và “bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng”.
Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội áp dụng cho trường hợp phạm tội thuộc cấu thành tăng năng được quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều 203 BLHS năm 2015. Theo đó, pháp nhân thương mại có thể “bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng” hoặc “phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”.
Tương tự với trường hợp chủ thể phạm tội là thể nhân, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
Có thể thấy, BLHS năm 2015 đã có những quy định hết sức cụ thể về hình phạt áp dụng đối với các chủ thể phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước . Đã có những đổi mới về chủ thể, mức phạt, các tình tiết định tội, định khung giúp hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt trong thực tiễn được thuận lợi hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước nói riêng.