Bên cạnh hình ảnh nhân vật bà Tú vất vả nuôi chồng con thì nhân vật ông Tú cũng là một hình tượng khiến người đọc phải suy nghĩ. Bài phân tích hình tượng ông Tú trong bài thơ Thương vợ dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những cung bậc cảm xúc của nhân vật ông Tú trong tác phẩm Thương vợ của Tú Xương. Hãy cùng nhau tìm hiểu.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý bài Phân tích hình ảnh ông Tú trong bài thơ Thương vợ hay nhất:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm
– Đôi nét về hình ảnh ông Tú trong tác phẩm “Thương vợ”.
1.2. Thân bài:
* Ông Tú là người đàn ông hết mực yêu thương vợ
– Ông Tú cảm thông với sự vất vả, gian khổ của bà Tú
– Ông thương bà Tú vì bà phải gánh vác gia đình, quanh năm làm lụng vất vả
=> Ông Tú xót thương cho hoàn cảnh của vợ mình, làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng, công việc không ổn định, phải gồng gánh nuôi chồng nuôi con.
-> Lòng thương cảm sâu sắc của ông Tú đối với cuộc sống mưu sinh của vợ mình
– Ông phát hiện và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của vợ
* Ông biết mình là gánh nặng cho vợ và căm phẫn trước sự bất công của xã hội đương thời đẩy số phận của người phụ nữ vào hoàn cảnh éo le.
– Đàn ông trong xã hội phong kiến đáng lẽ phải có sự nghiệp vẻ vang để chăm sóc vợ con, nhưng ở đây, ông Tú lại hiểu được mình đang là gánh nặng cho vợ.
– Từ tình yêu dành cho vợ, Tú Xương cũng chửi những lối sống đen tối của xã hội phong kiến đương thời đưa phụ nữ vào cảnh bất công
=> Bất mãn với thực tại, Tú Xương đã lên tiếng bênh vực vợ, ông càng thêm căm phẫn xã hội bất công thời bấy giờ
1.3. Kết bài:
Khái quát lại vấn đề và trình bày cảm nghĩ về ông Tú.
2. Phân tích hình ảnh ông Tú trong bài thơ Thương vợ hay nhất:
Bài thơ “Thương vợ” làm nổi bật chân dung bà Tú người miệt mài lam lũ “quanh năm buôn bán ở mom sông” để kiến tiền trang trải nuôi cả gia đình. Nhưng đằng sau bức tranh chính đó, ta còn thấy một bức tranh khác cũng đặc biệt không kém, đó là hình ảnh ông Tú với tình yêu, sự trân trọng và biết ơn dành cho vợ. Không chỉ vậy, ông còn là người đàn ông có phẩm chất cao quý.
Trước hết, Tú Xương là người đàn ông hết mực yêu thương vợ:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.”
Tuy không buôn bán, hỗ trợ công việc được với vợ, nhưng trái tim và đôi mắt ông vẫn hướng về bà, để quan sát và yêu thương bà Tú nhiều hơn khi cảm nhận được mọi gian khổ, vất vả mà bà phải trải qua. Sự trân trọng và yêu thương đặc biệt đó được thể hiện rõ nhất trong câu thơ:
“Nuôi đủ năm con với một chồng”
Có lẽ đó là lời mà ông Tú đã kể công cho vợ của mình, những công lao thầm lặng của bà Tú với gia đình. Đếm con chứ ai lại đếm chồng, vậy mà Tú Xương lại xếp mình ngang hàng với năm đứa con, cõ lẽ vì bà Tú cũng phải nuôi ông như con nên ông mới xếp mình ngang hàng với những đứa con của mình.
Bên cạnh đó, ông Tú cũng tách mình khỏi những đứa con nhỏ để cảm nhận trọn vẹn tình yêu của vợ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với bà Tú. Có lẽ phải là người đàn ông hết lòng yêu thương, trân trọng vợ mới có thể hạ thấp cái tôi cao quý của mình để bày tỏ lòng biết ơn và lời cảm ơn sâu sắc với vợ như vậy.
Không những vậy, Tú Xương còn là người có cá tính, có thể thấy rõ nhất qua lời tự trách của ông:
“Một duyên hai nợ âu đành phận”.
Bà Tú lấy ông như một cái duyên, nhưng đồng thời cũng là một món nợ. Cái duyên đưa họ đến với nhau thì ít nhưng món nợ dành cho nhau thì nhiều. Ông Tú thừa nhận rằng mình chính là cái nợ mà bà Tú phải mang suốt đời, bà có trách nhiệm phải trả. Dù gánh vác trách nhiệm nặng nề, người vợ không hề than phiền, không kể công dù là một lời. Thay vào đó, bà sẵn sàng hy sinh tất cả vì chồng con.
Câu nói “âu đành phận”, “dám quản công” như lời của chính nhà thơ nói thay cho nỗi lòng của vợ. Câu thơ như tiếng thở dài cho sự vô dụng bất tài của người chồng.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Câu chửi thay cho những uất ức mà bà Tú phải chịu đựng suốt những năm tháng qua, hay chính là lời tự trách bản thân của Tú Xương. Ông đã tự chê trách bản thân, nhận thấy sự vô dụng và kém cỏi của mình. Đó cũng là cách ông thể hiện tình cảm đặc biệt giành cho người vợ tảo tần của mình. Thói đời trong câu thơ trên có thể hiểu đó là những quy tắc được xây dựng trong xã hội phong kiến đương thời, với sự gò bó, cổ hủ của chế độ cũ. Chính những điều đó đẩy người vợ của ông vào cuộc sống khó khăn với nỗi lo cơm áo gạo tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình. Đó cũng là sự thờ ơ của người đàn ông, không quan tâm, không chia sẻ những vất vả, lo toan cùng vợ trong cuộc sống thường ngày. Tiếng chửi đó cũng chất chứa bao tình cảm, sự trân trọng và cả sự biết ơn mà nhà thơ giành cho người vợ của mình.
Với việc xây dựng ngôn ngữ thơ giản dị, cùng tình cảm chân thành của nhà thơ giành cho vợ của mình, Tú Xương đã góp phần tạo ra cảm xúc mới mẻ cho nền văn học trung đại. Qua bài thơ ta càng hiểu rõ hơn những sự vất vả, hi sinh của bà Tú và thấy được tình yêu thương của nhà thơ giành cho người vợ của mình.
3. Phân tích hình ảnh ông Tú trong bài thơ Thương vợ ý nghĩa nhất:
Bài thơ “Thương vợ” là một trong những bài thơ hay viết về đề tài người vợ trong xã hội xưa. Trong bài thơ, chúng ta thấy được hình ảnh bà Tú được thể hiện rõ nét qua nét bút tinh tế của Tú Xương, nhưng để làm được như vậy, chứng tỏ ông phải là người chồng rất yêu thương và hiểu vợ. Ông luôn dõi theo từng bước chân gian nan của bà Tú, thương vợ nhưng ông chẳng thế làm gì, ông chỉ biết gửi nỗi niềm đó qua thơ ca. Bằng những câu thơ giản dị, mộc mạc và chân thành, Tú Xương đã khắc họa rõ nét hình ảnh bà Tú với tình yêu nồng nàn. Từng câu chữ trong bài thơ của Tú Xương chứa đựng biết bao tình cảm và lòng biết ơn đối với người vợ tảo tần:
“Nuôi đủ năm con với một chồng”
Chữ “đủ” trong “nuôi đủ” nêu rõ cả về số lượng và chất lượng. Bà Tú nuôi cả con và chồng, vì thế bà làm lụng vất vả quanh năm. Tuy chỉ hiện ra sau hình ảnh bà Tú, ông Tú không xuất hiện trực tiếp mà vẫn hiện lên qua từng câu thơ. Đằng sau phong cách hài hước, hóm hỉnh là một tấm lòng không chỉ yêu thương mà còn biết ơn vợ. Có người cho rằng, trong câu thơ trên, ông Tú coi mình là đứa con đặc biệt mà bà Tú phải nuôi. Tuy nhiên, ta có thể thấy Tú Xương đã không gộp mình với con mà tách nhau ra để có thể bày tỏ lòng biết ơn với vợ. Nhà thơ không chỉ ngưỡng mộ, biết ơn sự hy sinh to lớn của vợ mà còn tự trách, tự lên án mình. Ông không ỷ lại vào số phận để trốn tránh trách nhiệm. Từng câu của ông chửi thói đời, lên án xã hội phong kiến bất công, bạc bẽo, đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến cho vợ ông phải khổ sợ, phải chịu đựng sự hờ hững vô tâm của ông.
Trong một xã hội phong kiến cổ hủ, có luật bất thành văn đối với phụ nữ khi đã lấy chồng phải lo lắng, chăm lo chồng con.Thế nhưng nhà thơ không vì vậy mà bỏ qua cho sự vô trách nhiệm của bản thân, sự thờ ơ của bản thân với gia đình. Ông dám thừa nhận bản thân là kẻ ăn bám, kẻ vô dụng, dám nhận những thiếu sót của mình. Nhan đề “Thương vợ” không diễn tả hết được chiều sâu tình cảm của Tú Xương dành cho vợ, cũng không diễn tả hết được vẻ đẹp nhân văn trong tâm hồn Tú Xương. Trong bài thơ này, tác giả không chỉ yêu vợ mà còn cảm thấy biết ơn vợ, không chỉ lên án thói đời mà còn tự trách mình. Càng nhìn nhận những khuyết điểm, những thiếu sót của bản thân, ông căng thấy thương yêu và trân trọng vợ hơn.
Tình yêu và sự tôn trọng dành cho vợ là những cảm xúc có phần mới mẻ so với những cảm xúc quen thuộc trong văn học trung đại đương thời. Những cảm xúc mới mẻ đó được thể hiện thông qua hình ảnh và ngôn ngữ quen thuộc của văn học dân gian, qua đó chứng tỏ thơ Tú Xương vừa mới lạ, vừa độc đáo nhưng vẫn rất gần gũi với mọi người, vẫn ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc.