Các hợp đồng xây dựng quốc tế có thể được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên những căn cứ khác nhau.
Căn cứ vào đối tượng của hợp đồng, hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng quốc tế có thể được chia thành: hợp đồng tư vấn xây dựng; hợp đồng cung ứng vật tư, thiết bị xây dựng; hợp đồng thi công xây dựng; hợp đồng thiết kế – cung ứng vật tư, thiết bị – thi công xây dựng và các loại hợp đồng khác.
Hợp đồng tư vấn xây dựng là hợp đồng mà đối tượng của nó là dịch vu tư vấn của bên cung ứng dịch vụ tư vấn cho chủ đầu tư. Dịch vụ tư vấn này có thể bao gồm một hay nhiều công việc tư vấn liên quan đến: lập quy hoạch xây dựng; tổ chức đấu thầu, xây lắp công trình, mua bán trang thiết bị cho công trình; giám sát thi công xây dựng công trình; quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; thẩm tra thiết kế; nghiệm thu công việc đã hoàn thành và các công việc tư vấn liên quan đến hoạt động xây dựng. Xét về tính chất, dịch vụ tư vấn là dịch vụ được cung ứng theo nỗ lực và khả năng cao nhất.
Hợp đồng cung ứng vật tư, thiết bị xây dựng là hợp đồng được giao kết nhằm cung ứng vật tư, thiết bị nằm trong dây chuyền công nghệ được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ cho dự án đầu tư xây dựng công trình. Đối tượng của hợp đồng này không phải là dịch vụ mà là hàng hóa, tồn tại dưới dạng vật tư, thiết bị sẽ được lắp đặt cho công trình xây dựng.
Hợp đồng thi công xây dựng là hợp đồng để thực hiện việc thi công một phần hoặc toàn bộ công trình theo thiết kế xây dựng của công trình. Đối tượng của hợp đồng này, xét về tính chất, là một dịch vụ được cung ứng theo kết quả công việc, nghĩa là bên cung ứng dịch vụ thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ phải hoàn thành việc thi công công trình xây dựng theo đúng thiết kế của công trình, nếu có bất kỳ sự sai lệch nào so với thiết kế, bên cung ứng dịch vụ thi công này sẽ bị coi là chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Hợp đồng thiết kế – cung ứng vật tư, thiết bị – thi công xây dựng (Engineer – Procure – Construct, viết tắt là hợp đồng EPC). Đây là loại hợp đồng mà đối tượng của nó bao gồm tất cả các hoạt động thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị và thi công công trình.
Căn cứ vào phương thức thực hiện hợp đồng, có thể phân chia hợp đồng xây dựng quốc tế thành hợp đồng xây dựng trọn gói, hợp đồng xây dựng theo đơn giá, hợp đồng xây dựng theo thời gian, hợp đồng xây dựng theo tỷ lệ phần trăm.
Hợp đồng xây dựng trọn gói là hợp đồng thường được áp dụng khi khối lượng công việc liên quan đến công trình xây dựng đã được xác định một cách cụ thể, rõ ràng.
Hợp đồng xây dựng theo đơn giá là hợp đồng được áp dụng cho những phần công việc chưa thể xác định một cách chính xác số lượng và khối lượng công việc vào thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, hợp đồng này sẽ chỉ quy định về đơn giá cho một đơn vị khối lượng, số lượng công việc, còn nhà đầu tư sẽ phải thanh toán cho nhà thầu số lượng, khối lượng thực tế đã thực hiện trên cơ sở đơn giá đó.
Hợp đồng xây dựng theo thời gian là hợp đồng thường được áp dụng cho những phần công việc liên quan đến nghiên cứu, khảo sát, tư vấn thiết kế, giám sát xây dựng… mang tính phức tạp và rất khó xác định một cách cụ thể khối lượng, số lượng công việc sẽ thực hiện. Với hợp đồng này, nhà đầu tư sẽ thanh toán cho nhà thầu trên cơ sở số thời gian thực tế đã bỏ ra để thực hiện công việc cũng như trên cơ sở mức thù lao cho chuyên gia mà hai bên đã thỏa thuận.
Hợp đồng xây dựng theo tỷ lệ phần trăm là hợp đồng được áp dụng cho những hoạt động tư vấn thông thường, đơn giản, theo đó giá trị của hợp đồng sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá trị công trình hoặc của khối lượng công việc.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ vào sự tham gia của các nhà thầu phụ trong hợp đồng, có thể phân chia hợp đồng xây dựng thành hai loại: hợp đồng xây dựng không có sự tham gia của nhà thầu phụ và hợp đồng xây dựng có sự tham gia của nhà thầu phụ.
Hợp đồng xây dựng có sự tham gia của nhà thầu phụ xét về mặt tư pháp lý sẽ bao gồm hai hợp đồng: hợp đồng được giao kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu chính và hợp đồng được giao kết giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Xét về mối quan hệ của hai hợp đồng này thì đó là mối quan hệ hợp đồng chính – hợp đồng phụ, nghĩa là hợp đồng thứ nhất được giao kết giữa nhà đầu tư và nhà thầu chính là hợp đồng chính và hợp đồng còn lại là hợp đồng phụ với nội dung và giá trị pháp lý hoàn toàn phụ thuộc và hợp đồng chính. Đây là loại hợp đồng thương được áp dụng với những công trình xây dựng lớn, cần chia thành các gói nhỏ để đảm bảo thực hiện tiến độ xây dựng công trình. Đây cũng đồng thời là loại hợp đồng phức tạp bởi sự xuất hiện mối quan hệ tay ba: chủ công trình – nhà thầu chính – nhà thầu phụ. Mối quan hệ giữa chủ công trình và nhà thầu chính được điều chỉnh bởi hợp đồng chính, mối quan hệ giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ được điều chỉnh bởi hợp đồng thầu phụ, còn mối quan hệ giữa chủ công trình và nhà thầu phụ thì tương đối phức tạp: chủ đầu tư có thể quy trách nhiệm cho nhà thầu phụ khi họ không hoàn thành nghĩa vụ của mình hay trong trường hợp nhà thầu chính không thanh toán cho nhà thầu phụ hay không? Nhà thầu phụ có được quyền trực tiếp yêu cầu chủ đầu tư thanh toán hay không? Câu trả lời cho những câu hỏi này phụ thuộc nhiều vào quy định của mỗi quốc gia.