Hợp tác xã hoạt động giống như một loại hình doanh nghiệp với điểm giống nhau cơ bản là hợp tác xã sử dụng các chức năng của doanh nghiệp là kinh doanh để phục vụ lợi ích của xã viên.
Hợp tác xã hoạt động giống như một loại hình doanh nghiệp với điểm giống nhau cơ bản là hợp tác xã sử dụng các chức năng của doanh nghiệp là kinh doanh để phục vụ lợi ích của xã viên. Tuy nhiên, giữa hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp vẫn có những điểm khác cơ bản, trong đó có cả sự khác nhau về thành viên – những người chủ sở hữu của các tổ chức kinh tế. Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin đưa ra một số tiêu chí để so sánh xã viên hợp tác xã với thành viên công ty.
Trước hết, xã viên hợp tác xã và thành viên công ty đều là người góp vốn và trở thành chủ sở hữu của các tổ chức kinh tế. Khi một tổ chức được thành lập hoặc đang hoạt động, con người và vốn là hai yếu tố không thể thiếu. Một người khi góp vốn với mong muốn tham gia thành lập hoặc điều hành một tổ chức kinh tế nào đó sẽ trở thành chủ sở hữu của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật. Đây cũng là điểm giống nhau cơ bản giữa xã viên hợp tác xã và thành viên công ty.
Tuy nhiên, giữa xã viên hợp tác xã và thành viên công ty cũng có một số điểm khác biệt mà pháp luật đã quy định rõ.
Thứ nhất, về chủ đầu tư:
Xã viên có thể là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân. Cá nhân phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 17 Luật Hợp tác xã mới có thể trở thành xã viên. Theo đó, “1. Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có góp vốn, góp sức, tán thành Điều lệ hợp tác xã, tự nguyện xin gia nhập hợp tác xã có thể trở thành xã viên”. Quy định này đã giới hạn các đối tượng là cá nhân về các mặt như quốc tịch (một người mang quốc tịch nước ngoài hay không có quốc tịch sẽ không bao giờ tham gia vào hợp tác xã với tư cách là xã viên mà chỉ có công dân Việt Nam), độ tuổi (đủ 18 tuổi trở lên); có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có đơn xin gia nhập hợp tác xã; tán thành điều lệ, nội quy, quy chế hợp tác xã khi họ muốn trở thành xã viên. Hộ gia đình, pháp nhân nếu muốn trở thành xã viên “phải cử người đại diện có đủ điều kiện như đối với cá nhân tham gia” (khoản 2, Điều 17 Luật Hợp tác xã).
Thành viên công ty có thể là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay tổ chức, cá nhân nước ngoài. So với xã viên, quy định về thành viên công ty thoáng hơn nhiều. Mọi tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 13 Luật Doanh nghiệp đều có quyền thành lập hay góp vốn để trở thành chủ sở hữu của tổ chức kinh tế. Quy định này tạo điều kiện cho các cá nhân trong xã hội nếu có nhu cầu và không thuộc các trường hợp đã quy định trên đều có thể trở thành thành viên của công ty.
Thứ hai, về việc góp vốn:
Với xã viên, xã viên có thể góp vốn hoặc góp sức. Đây cũng là một quy định rất đặc trưng cho hợp tác xã. Việc góp vốn được thực hiện theo quy định của Điều lệ hợp tác xã, mức vốn góp không được thấp hơn mức tối thiểu và cũng không được vượt quá ba mươi phần trăm vốn điều lệ của hợp tác xã. Sở dĩ pháp luật có quy định như vậy là nhằm tránh sự thao túng của một cá nhân nào đó đối với hợp tác xã, bởi hợp tác xã thuộc hình thức sở hữu tập thể, dựa trên sở hữu của các xã viên. Xã viên có thể góp vốn một lần hoặc nhiều lần theo quy định của điều lệ hợp tác xã. Ngoài ra, trên thực tế, có những người không có đủ điều kiện kinh tế để góp vốn nhưng vẫn mong muốn được trở thành xã viên, sẵn sàng góp sức, tán thành điều lệ hợp tác xã thì pháp luật quy định họ có thể trở thành xã viên bằng cách góp sức. “Góp sức dưới các hình thức trực tiếp quản lý, trực tiếp tham gia lao động sản xuất, tư vấn cung cấp kiến thức, kinh doanh và khoa học kỹ thuật cho hợp tác xã tùy thuộc vào nhu cầu của hợp tác xã”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trái lại, một người nếu muốn trở thành thành viên công ty thì bắt buộc phải góp vốn. Thông thường, tư cách thành viên công ty được hình thành bằng ba con đường: góp vốn vào công ty, mua lại phần vốn góp của thành viên công ty và hưởng thừa kế mà người để lại di sản thừa kế là thành viên công ty. Dù bằng con đường nào đi chăng nữa, dù trực tiếp hày gián tiếp, để trở thành thành viên công ty chủ thể phải có một số vốn nhất định trong tổng vốn điều lệ của công ty.
Nếu như pháp luật hạn chế mức góp vốn tối đa của mỗi xã viên tại mọi thời điểm không vượt quá ba mươi phần trăm vốn điều lệ thì đối với thành viên công ty lại không hề có sự hạn chế nào đối với mức góp vốn tối đa.
Thứ ba, về quyền quản lý
Mọi xã viên đều có quyền biểu quyết ngang nhau thông qua nguyên tắc mỗi người một phiếu biểu quyết. Điều này thể hiện sự bình đẳng giữa các xã viên, đồng thời cũng là một trong những yếu tố tích cực khuyến khích các đối tượng trong xã hội tham gia vào hợp tác xã.
Với thành viên công ty, pháp luật vẫn quy định có một số thành viên công ty không có quyền biểu quyết. Chẳng hạn: thành viên góp vốn trong công ty hợp danh không có quyền biểu quyết mọi vấn đề của công ty mà chỉ có quyền “biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại và giải thể công ty và các nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ” (theo điểm a, khoản 1, Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2005).
Thêm vào đó, mọi xã viên đều có quyền tham gia vào bộ máy điều hành hợp tác xã, không phụ thuộc vào mức vốn góp. Trong khi đó, quyền tham gia bộ máy quản lý của thành viên công ty có thể bị hạn chế bằng điều kiện về mức vốn góp.
Thứ tư, về vấn đề chia lãi.
Xã viên được hưởng lãi chia theo vốn góp, công sức đóng góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Các thành viên công ty được hưởng phần lãi theo tỷ lệ vốn góp, điều đó có nghĩa thành viên nào góp vốn nhiều thì sẽ được hưởng phần lãi nhiều.
Như vậy, mặc dù xã viên hợp tác xã và thành viên công ty có những điểm tương đồng nhưng cũng có không ít sự khác biệt, qua đó, chúng ta có thể nhận thấy rõ các đặc trưng của của xã viên hợp tác xã cũng như thành viên công ty. Từ đó, việc phân biệt hợp tác xã và công ty cũng dễ dàng hơn cho mỗi chủ thể khi muốn chọn loại hình để góp vốn vào sản xuất kinh doanh.