Mục lục bài viết
1. Phân biệt tội mua bán người với tội mua bán người dưới 16 tuổi:
Trong pháp luật hình sự Việt Nam, cùng với tội mua bán người thì luật hình sự còn quy định tội mua bán người dưới 16 tuổi. CTTP của tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau:
Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm và quyền được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ của người dưới 16 tuổi.
Mặt khách quan của tội phạm: Tội phạm được thể hiện ở một trong các hành vi sau: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý với mục đích của tội phạm là dấu hiệu CTTP “để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vi mục đích nhân đạo” hoặc “để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”.
Chủ thể của tội phạm: Người nào từ 14 tuổi trở lên và có năng lực TNHS. Phân biệt giữa tội mua bán người với tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Từ những dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi nêu trên có thể thấy điểm khác biệt cơ bản giữa hai tội này đó là đối tượng tác động, theo đó đối tượng tác động của tội mua bán người là bất kì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên. Còn tội mua bán người dưới 16 tuổi là bất kì người nào dưới 16 tuổi.
Về thủ đoạn phạm tội: đối với tội mua bán người, thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác. Còn đối với người dưới 16 tuổi, bởi đối tượng tác động của tội phạm này dễ bị tổn thương nên nhà làm luật không yêu cầu thủ đoạn phạm tội trên là tình tiết định tội.
Về mục đích phạm tội: Cả hai tội đều có nhiều điểm chung về mục đích phạm tội, tuy nhiên, đối với tội mua bán người, chỉ cần chứng minh mục đích “để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” là tội phạm hoàn thành; tuy nhiên với tội mua bán người dưới 16 tuổi có ngoại lệ, cụ thể loại trừ trường hợp “vì mục đích nhân đạo”, Việc quy định như vậy xuất phát từ thực tiễn nhu cầu cho, nhận con nuôi giữa những gia đình không có điều kiện nuôi con và những gia đình có điều kiện hơn muốn nhận con nuôi.
2. Phân biệt tội mua bán người với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người:
Trong bối cảnh các hành vi mua bán người và mua bán mô bộ phận cơ thể người đang cùng nhau diễn ra tràn lan và gây tác động tiêu cực đến con người thì việc, so sánh, phân biệt về hai loại tội phạm này là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xử lý giữa 02 loại tội phạm này tránh gây nhầm lẫn, chồng chéo, cũng như góp phần phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm đạt hiệu quả. CTTP của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người như sau:
Khách thể của tội phạm: Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của con người.
Mặt khách quan của tội phạm: Tội phạm được thể hiện ở các hành vi sau: Mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể là mua, trao đổi để có được mô hoặc bộ phận cơ thể để bán, tặng cho người khác; Chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là lấy mô hoặc bộ phận cơ thể người bằng bất cứ thủ đoạn nào: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, lén lút, công nhiên chiếm đoạt mô.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện đối với lỗi cố ý.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực TNHS,
Sự khác nhau cơ bản giữa tội mua bán người với mục đích lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là hành vi khách quan và đối tượng tác động của tội phạm, cụ thể: Hành vi mua bán người với mục đích lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân theo quy định tại Điều 150 yêu cầu phải có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác nhằm chuyển giao hoặc tiếp nhận người. Việc lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là mục đích phạm tội của những hành vi trên, người phạm tội có thể đạt được mục đích hoặc chưa đạt được mục đích trên thực tế.
Quy định tại Điều 154 BLHS 2015 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người không bao gồm các hành vi khách quan như tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người mà chỉ bao gồm các hành vi mua bán và chiếm đoạt. Hành vi khách quan của tội phạm này là hành mua bán hoặc chiếm đoạt và đối tượng tác động là mô hoặc bộ phận cơ thể con người. Như vậy, người bán và người mua bộ phận cơ thể người trái phép sẽ phải chịu TNHS theo Điều 154 BLHS.
3. Phân biệt tội mua bán người với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép:
CTTP của tội mua bán người với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép như sau:
Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm chế độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, định cư.
Mặt khách quan của tội phạm: Điều luật này bao gồm hai tội phạm tương ứng với hai dạng hành vi: hành vi tổ chức được biểu hiện dưới dạng chủ mưu, cầm đầu hoặc chỉ huy người khác xuất, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; hoặc hành vi môi giới được biểu hiện dưới dạng kích động, dụ dỗ, thúc đẩy hoặc giúp sức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện lỗi cố ý và mục đích của người phạm tội là vụ lợi.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể thực hiện phạm tội là người đủ từ 16 tuổi trở lên và có năng lực TNHS.
Đối với tội mua bán người, thủ đoạn phạm tội và mục đích phạm tội là những dấu hiệu bắt buộc phải có trong CTTP cơ bản. Còn đối với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép lại không yêu cầu những dấu hiệu này. Người được đưa đi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể được tự do đi lại sau khi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Còn đối với nạn nhân của tội mua bán người, họ thường bị hạn chế tự do đi lại. Bên cạnh đó, nạn nhân của tội mua bán người thường là bị các đối tượng dụ dỗ, đe dọa, lừa gạt, dùng vũ lực hoặc nhiều thủ đoạn khác để khống chế nạn nhân khi thực hiện hành vi mua bán người, tuy nhiên đối với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép thì người được xuất cảnh, nhập cảnh hoặc được ở lại Việt Nam (người di cư) trong trạng thái hoàn toàn tự nguyện, họ đã đồng ý để được đưa đi kết quả là họ không được coi là “nạn nhân của đưa người di cư trái phép”, tuy nhiên một người di cư trái phép có thể trở thành nạn nhân của các tội phạm khác trong quá trình đưa người trái phép, ví dụ bạo lực chống lại người dịch cư có thể được sử dụng hoặc cuộc sống của người di cư có thể gặp nguy hiểm trong quá trình di cư.
Ngoài ra, một dấu hiệu bắt buộc phải có của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là hành vi đưa người vượt qua biên giới quốc gia. Trong khi đó, tội mua bán người có thể xảy ra trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam, từ địa phương này sang địa phương khác chứ không nhất thiết phải có hành vi đưa người qua biên giới.