Phân biệt Tội giết người tại Điều 123 với Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng tại Điều 126 BLHS, với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác tại khoản 3 Điều, 134 BLHS.
Mục lục bài viết
1. Phân biệt Tội giết người quy định tại Điều 123 với Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 126 BLHS:
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và Tội giết người có những đặc điểm giống nhau cơ bản đó là:
Thứ nhất: Về bố cục cả hai tội này đều được quy định tại chương XIV của BLHS năm 2015, thuộc nhóm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người.
Thứ hai: Về khách thể, cả hai tội xâm phạm đến khách thể là quyền bất khả xâm phạm đến tính mạng của người khác.
Thứ ba: Về mặt chủ quan: Lỗi ở đây đều là lỗi cố ý.
Thứ tư: Về chủ thể: Cả hai tội đều là chủ thể thường, tức là người có NLTNHS và đạt độ tuổi luật định.
Hai tội này đều có những đặc điểm khác biệt sau đây:
Thứ nhất: Về nạn nhân, tức là đối tượng về xâm hại. Có thể nói đây là dấu hiệu cơ bản, rõ ràng nhất để phân biệt tội giết người với Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; nạn nhân của Tội giết người có thể là bất kỳ người nào, hành vi trái pháp luật của nạn nhân chỉ ở mức độ nhỏ, không thể gây thiệt hại ở mức độ lớn cho các lợi ích xã hội và công dân. Do vậy đối với Tội giết người thì hành vi trái pháp luật của nạn nhân chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 51 BLHS. Trong khi đó đối với Tội giết người do
vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì nạn nhân là người có hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức quyền và lợi ích chính đáng của người phạm tội và người khác. Hành vi của nạn nhân là hành vi trái pháp luật và có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội và hành vi nguy hiểm này đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho lợi ích cần bảo vệ.
Thứ hai: Người phạm tội chỉ được coi là tội phạm giết người khi do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi hành vi xâm phạm của nạn nhân đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc. Hành vi chống trả lại của người phạm tội là cần thiết để bảo vệ lợi ích nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của người phạm tội hoặc của người khác. Còn những trường hợp giết người khi hành vi nguy hiểm của nạn nhân chưa xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng có sự kéo dài về thời gian so với Tội giết người của người phạm tội thì không được xem là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Thứ ba: Xét về hậu quả hành vi phạm tội: Đối với Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là chết người. Tức là người phạm tội chỉ phải chịu TNHS về tội danh này khi đã có hậu quả chết người xảy ra trên thực tế. Còn đối với Tội giết người hậu quả chết người có thể xảy ra hoặc chưa xảy ra mà chỉ cần người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội với ý thức chủ quan là tước đoạt tính mạng của người khác thì phải chịu TNHS về Tội giết người không phụ thuộc vào hậu quả người đó chết hay không.
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật việc các cơ quan tiến hành tố tụng xác định trường hợp nào phòng vệ chính đáng, trường hợp nào vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là một vấn đề khó khăn, phức tạp, có thể dẫn đến sai lầm trong ADPL. Khi xác định một người phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cần phải xem xét hành vi tước đoạt mạng sống của người phạm tội có cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân hay không, cần xem xét một cách toàn diện nội dung vụ án; khách thể cần bảo vệ, mức độ thiệt hại do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra ngay tức khắc, hành vi phòng vệ và tâm lý của người phạm tội, hoàn cảnh phạm tội cụ thể … để có quyết định đúng đắn trong ADPL.
2. Phân biệt Tội giết người quy định tại Điều 123 với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác quy định tại khoản 3 Điều 134 BLHS:
Tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại khoản 3 Điều, 134 BLHS là hai tội danh có ranh giới để phân biệt rất mong manh. Vì vậy, trong thực tiễn ADPL đã có nhiều cách hiểu khác nhau và áp dụng điều luật khác nhau trong những trường hợp cụ thể. Để có cơ sở phân biệt hai tội danh này
Tội giết người và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến hậu quả chết người đều có những quan điểm giống nhau như sau:
Khoản 3 Điều, 134 BLHS quy định: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.
Trong các tình tiết định tội ở khung cơ bản của Điều 134 BLHS có những tình tiết giống nhau như tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 123 BLHS như: điểm d “đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai…”; điểm đ “đối với ông bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo mình”; điểm e “có tổ chức”; điểm h, “thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê”; điểm i “có tính chất côn đồ hoặc tái phạm hiểm”; điểm k “để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”. Tuy nhiên các tình tiết của khoản 1 Điều 134 BLHS là tình tiết định tội cho những trường hợp tỷ lệ thương tích dưới 11%, còn các tình tiết tại khoản 1 Điều 123 BLHS là các tình tiết định khung tăng nặng.
Khách thể của tội phạm: Đều xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm đến tính mạng của người khác.
Mặt khách quan của tội phạm: Đều là hành vi tước đoạt tính mạng con người một cách trái pháp luật.
Chủ thể của tội phạm: Bất kỳ người nào có năng lực TNHS và độ tuổi từ 14 tuổi trở lên khi thực hiện hành vi phạm tội.
Mặt chủ quan của tội phạm: Cả hai tội đều thực hiện với lỗi cố ý.
Ngoài những điểm giống nhau ở trên để phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người chủ yếu dựa vào các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, về mặt khách quan của tội phạm: Mặc dù hậu quả của cả hai tội danh trên đều dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, nhưng hành vi khách quan của hai tội này có điểm khác nhau, đó là: Hậu quả của hành vi phạm tội cố ý gây thương tích là gây thương tích cho người khác. Tức là hậu quả chết người không phải là kết quả trực tiếp, tất yếu của hành vi phạm tội. Người phạm tội chỉ có một mục đích là gây thương tích cho bị hại chứ không hề mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Việc người bị hại chết là ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Còn ở Tội giết người là phạm tội có ý thức tước đoạt tính mạng của người khác và mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn của người phạm tội.
Thứ hai, về mặt chủ quan: Ở Tội giết người lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý (trực tiếp hay gián tiếp) gây ra cái chết cho nạn nhân, còn ở tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người, mặt chủ quan của can phạm chỉ là muốn gây thương tích chú không muốn làm chết người, mà cũng không phải thờ ơ mặc kệ trước việc người khác sống hay chết do hành vi của mình. Như vậy, muốn phân biệt được các loại tội phạm này phải nắm cho được về mặt chủ quan của can phạm đo là mặt tâm lý và ý chí là cái bên trong khó thấy, khó nhận định. Trên thực tế việc xác định lỗi này cũng không hề đơn giản, đặc biệt là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Do đó ta còn phải dựa vào khả năng nhận thức của người phạm tội về hành vi của chính mình có khả năng làm chết người hay không và mục đích của người phạm tội có phải là tước đoạt tính mạng người khác hay không.
Thực tiễn xét xử cho thấy, để định đúng tội danh cần phân biệt hai tội danh này trong hai trường hợp thông qua các tiêu chí sau:
+ Phân biệt tội giết người (hoàn thành) với tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người.
Tội giết người (hoàn thành) Điều 123 | Tội cố ý gây thương tích (trong trường hợp dẫn đến hậu quả chết người) khoản 3 Điều 134 |
Đều gây ra hậu quả chết người | |
Cố ý đối với hậu quả chết người: + mong muốn hậu quả chết người xảy ra (cố ý trực tiếp); hoặc + Không mong muốn nhưng chấp nhận hoặc hậu quả chết người xảy ra (cố ý gián tiếp). | Vô ý đối với hậu quả chết người: + Không mong muốn và tin hậu quả chết người không xảy ra (vô ý vì quá tự tin); hoặc + Không thấy trước hậu chết người nhưng có điều kiện thấy trước (vô ý vì cẩu thả). |
+ Phân biệt tội giết người (chưa đạt) với tội cố ý gây thương tích (Điều 134)
Tội giết người (chưa đạt) Điều 123 trong trường hợp đã gây thương tích | Tội cố ý gây thương tích (Điều 134) |
Đều không gây ra hậu quả chết người (chỉ gây thương tích) | |
Người phạm tội mong muốn hậu quả quả chết người xảy ra nhưng chết người xảy ra. Hậu quả chết người chưa xảy ra là do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. | Người phạm tội không mong muốn hậu quả quả chết người xảy ra nhưng: + Tin hậu quả chết người không xảy ra hoặc + Chấp nhận hậu quả chết người xảy ra. Hoặc không thấy trước hậu quả chết người. |