Phân biệt thẻ căn cước công dân và chứng minh thư nhân dân. Thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Phân biệt thẻ căn cước công dân và chứng minh thư nhân dân. Thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật căn cước công dân 2014;
2. Luật sư tư vấn:
Về bản chất thì chứng minh nhân dân và căn cước công dân giống nhau, cùng là loại giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân. Thẻ căn cước công dân là thông tin cơ bản về nhận dạng, lai lịch của công dân (Khoản 1 Điều 3 Luật căn cước công dân 2014). Chứng minh nhân dân căn cứ Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định nhằm đảm bảo thuận tiện thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Luật căn cước công dân 2014, từ ngày 1/1/2016 người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Về kích cỡ, hình dạng và nội dung in trên thẻ căn cước công dân cơ bản giống với chứng minh nhân dân loại 12 số. Cụ thể đối với chứng minh nhân dân được quy định rõ trong Khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư 57/2013/TT-BCA còn đối với căn cước công dân được ghi nhận tại Khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư 61/2015/TT-BCA. Dấu in trên chứng minh nhân dân là con dấu của Bộ Công an còn trên thẻ căn cước công dân là hình Quốc huy.
Vật liệu làm thẻ: Cả CMTND và căn cước công dân đều là Chất liệu nhựa, ngoài cùng của 02 mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Một điểm khác nhau nữa là về thời hạn sử dụng, hạn sử dụng của chứng minh nhân dân là 15 năm kể từ ngày cấp, đổi, cấp lại (Khoản 2 Điều 4 Thông tư 57/2013/TT-BCA). Với thẻ căn cước công dân sau lần cấp mới, mọi người phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi thì công dân không cần đổi (Điều 5 Thông tư 61/2015/TT-BCA).
Thời gian thực hiện thủ tục làm thẻ đối với chứng minh nhân dân được quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 106/2013/NĐ-CP:
Tại thành phố, thị xã:
– Cấp mới, cấp đổi: không quá 07 ngày làm việc.
– Cấp lại: không quá 15 ngày làm việc.
Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo:
Không quá 20 ngày làm việc.
Các khu vực còn lại:
Không quá 15 ngày làm việc.
Và đối với căn cước công dân được quy định tại Điều 25 Luật căn cước công dân 2014: Cũng tương tự.
Theo quy định khi đăng ký làm thẻ, công dân sẽ không phải xuất trình sổ hộ khẩu và xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên hiện nay hệ thống dữ liệu quản lý dân cư quốc gia chưa được hoàn thành nên từ nay đến 2019 các địa điểm cấp thẻ căn cước công dân vẫn áp dụng việc cấp giống như với chứng minh thư nhân dân.
Theo Thông tư 170/2015/TT-BTC quy định mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân do Bộ Tài chính ban hành, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ không phải nộp phí. Nhà nước không thu phí đổi thẻ với người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Người dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ sẽ phải trả phí. Cụ thể, phí đổi thẻ là 50.000 đồng, cấp lại là 70.000 đồng. Còn mức phí cấp mới, đổi, cấp lại của chứng minh nhân dân được ghi nhận tại Điều 2 Thông tư 155/2012/TT-BTC.