Hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bản chất là 02 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ phân biệt hai khái niệm này.
Mục lục bài viết
1. Phân biệt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ:
Hiện tượng nhập hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn thể xã hội. Hệ lụy tiêu cực của các hành vi này mang lại cho xã hội không hề nhỏ, nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng, nó làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và tính minh bạch của thị trường hàng hóa, từ đó làm giảm uy tín của các nhà sản xuất và nhà kinh doanh trên chính. Về bản chất, khái niệm hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, người ta vẫn thường nhầm lẫn giữa hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có thể phân biệt hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua một số tiêu chí như sau:
1.1. Về khái niệm của hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ:
Thứ nhất, về khái niệm hàng nhập lậu. Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ), có quy định cụ thể về khái niệm hàng hóa nhập lậu. Theo đó, hàng hóa nhập lậu sẽ bao gồm các loại hàng hóa như sau:
– Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa bị cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật hoặc danh mục hàng hóa bị tạm ngưng nhập khẩu, ngoại trừ các trường hợp do chủ thể có thẩm quyền đó là thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
– Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, tuy nhiên không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện tuy nhiên không đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó theo quy định của pháp luật;
– Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu theo đúng quy định của pháp luật, không đúng trình tự thủ tục luật định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật, quá trình nhập khẩu có xảy ra hiện tượng gian lận về số lượng/chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
– Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn/chứng từ nhất định, hoặc có hóa đơn/chứng từ tuy nhiên các loại giấy tờ đó không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
– Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật bắt buộc cần phải thực hiện hoạt động dán tem nhập khẩu, tuy nhiên không có dán tem vào hàng hóa theo quy định của pháp luật, hoặc có dán tem vào hàng hóa tuy nhiên đó được xác định là tem giả hoặc đen đã qua sử dụng.
Thứ hai, đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Căn cứ theo quy định tại khoản 13 Điều 3 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ), có đưa ra khái niệm cụ thể về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là loại hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất và nơi xuất xứ của các loại hàng hóa đó. Căn cứ xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, thông tin được thể hiện trên bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan, các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức/cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
1.2. Về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm:
Thứ nhất, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ), mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ được xác định dựa trên giá trị của hàng hóa. Cụ thể như sau:
Số thứ tự | Giá trị hàng hóa nhập lậu | Mức phạt |
1 | Dưới 03 triệu đồng | 500.000 đồng đến 01 triệu đồng |
2 | 03 triệu đồng đến dưới 05 triệu đồng | 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng |
3 | 05 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng | 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng |
4 | 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng | 04 triệu đồng đến 06 triệu đồng |
5 | 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng | 06 triệu đồng đến 10 triệu đồng |
6 | 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng | 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng |
7 | 50 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng | 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng |
8 | 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng | 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng |
9 | Trên 100 triệu đồng | 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng |
Thứ hai, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ), có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
+ Kinh doanh các loại hàng hóa vượt quá thời gian sử dụng được ghi trên nhãn hàng hóa hoặc ghi nhận trên bao bì hàng hóa;
+ Thực hiện các hành vi đánh tráo, thay đổi nhận hàng hóa, bao bì hàng hóa, có hành vi tẩy xóa hoặc sửa chữa thời gian sử dụng ghi nhận trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, thực hiện hành vi gian lận dưới bất kỳ hình thức nào nhầm mục đích kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;
+ Kinh doanh các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
+ Mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ các loại khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
2. Một số giải pháp hạn chế tình trạng hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ:
Trước tình trạng hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang ngày càng gia tăng, cần phải đưa ra những giải pháp để hạn chế tình trạng đó. Trong thời gian tới, để công tác phòng chống hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được trở nên hiệu quả, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đoàn thể, người tiêu dùng, quần chúng nhân dân trong quá trình đấu tranh và lên án mạnh mẽ hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, buôn bán hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại, tích cực thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân, tạo thói quen mua hàng có tem, nhãn đầy đủ, xem hạn sử dụng, xem nguồn gốc xuất xứ, xem tem chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ …
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp sản xuất thì cần phải xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn, để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Thứ tư, cần đầu tư nâng cao năng lực thực thi công vụ của các lực lượng chức năng chống hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho các cán bộ công chức, đầu tư các trang thiết bị nhận biết và phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hỗ trợ phương tiện và kinh phí trong quá trình thực thi công vụ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
– Nghị định 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.