Trong pháp luật hình sự cùng là hậu quả làm chết người nhưng giữa tội giết người và tội vô ý làm chết người có nhiều điểm khác biệt về việc thực hiện tội phạm chẳng hạn như về mục đích phạm tội, hay mức độ của hành vi phạm tội... Vậy điểm khác biệt này được thể hiện cụ thể như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phân biệt giữa tội giết người và tội vô ý làm chết người:
Cả hai tội giết người và tội vô ý làm chết người đều xâm phạm trực tiếp đến mạng sống, quyền sống của con người, tuy nhiên giữa hai tội này cũng có những điểm khác biệt như:
Căn cứ pháp lý:
– Tội giết người được quy định tại Điều 123 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017
– Tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017
Khái niệm
– Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.
– Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Chủ thể tội phạm:
– Tội giết người được thực hiện bởi bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
– Tội vô ý làm chết người được thực hiện bởi bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt khách quan:
– Tội giết người có hành vi thuộc mặt khách quan đó là hành vi tước bỏ mạng sống, quyền sống của người khác một cách trái pháp luật bằng những thủ đoạn, phương thức (như đâm, chém, bóp cổ, đầu độc, đánh đập v.v…) và phương tiện khác nhau (như dao, súng, tay chân, thuốc độc…) Hành vi này gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hành vi phạm tội có thể hành động hoặc không hành động, trường hợp không hành động thường ít gặp.
Hậu quả trực tiếp của tội này thông thường là làm chết người trong trường hợp tội phạm hoàn thành. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Nhưng cũng có trường hợp nạn nhân chỉ bị thương, bị cố tật hoặc nạn nhân không ảnh hưởng gì trong trường hợp giết người chưa đạt như nạn nhân bị bắn nhưng không trúng, đầu độc nạn nhân nhưng được cấp cứu kịp thời nên không chết,… Đó là trường hợp giết người chưa đạt đã hoàn thành. Ví dụ: Một y tá có mâu thuẫn với người bệnh đã cố tình không cho người bệnh uống thuốc, để mặc cho người bệnh chết.
Mặt khách quan của tội giết người còn đòi hỏi mối quan hệ nhân quả giữa hành vi giết người và hậu quả xảy ra. Nghĩa là hành vi phạm tội là nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu gây ra cái chết cho nạn nhân.
Hậu quả của tội phạm giết người không cần có người chết. Nạn nhân chưa chết thì vẫn cấu thành tội Giết người nhưng là Tội giết người chưa đạt.
– Tội vô ý làm chết người có hành vi phạm tội thuộc mặt khách quan tương tự hành vi thực hiện tội phạm giết người nhưng hành vi này thực hiện là do cẩu thả hoặc quá tự tin mà gây ra cái chết cho nạn nhân. Nguyên nhân của hành vi là do hành vi vô ý của người phạm tội, giữ hành vi này và hậu quả có mối quan hệ nhân quả. Và phải có hậu quả chết người thì mới bị truy cứu TNHS về tội này. Ví dụ, người đi săn tưởng người là thú nên đã bắn nhầm làm chết người. Đối với tội này, hậu quả chết người là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Mục đích phạm tội
– Tội giết người thì người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
– Tội vô ý làm chết người thì người phạm tội thực hiện hành vị chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể của nạn nhân (không mong muốn nạn nhân chết). Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.
Mức độ và cường độ tấn công
– Tội giết người có mức độ tấn công nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người.
– Tội vô ý làm chết người có mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục, cường độ tấn công nhẹ hơn
Vị trí tác động trên cơ thể nạn nhân
– Tội phạm giết người thì thường tấn công vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể dễ dẫn đến chết người như là vùng đầu, ngực, bụng….
– Tội vô ý làm chết người thường tấn công vào những vị trí không gây nguy hiểm chết người như là vùng vai, tay, chân…
Yếu tố lỗi:
– Đối với người phạm tội giết người luôn thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Người phạm tội biết rõ mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình gây ra, nhận thức rõ hành vi đó có thể gây tổn hại đến thân thể người khác và nhìn thấy trước hậu quả chết người, nhưng người phạm tội vẫn mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
– Đối với người phạm tội vô ý giết người thì người thực hiện hành vi phạm tội của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin. Vô ý do cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Vô ý làm chết người do quá tự tin là trường hợp người phạm tội hoàn toàn thấy trước được hậu quả chết người nhưng do chủ quan, quá tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện hành vi đó, kết quả hậu quả chết người vẫn xảy ra.
2. Hình phạt của tội giết người và vô ý làm chết người:
Đối với tội giết người, khung hình phạt tại khoản 1 Điều 123 quy định phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với trường hợp người phạm tội giết người thể hiện mức độ và tính nguy hiểm cao của tội phạm. Khoản 2 Điều này quy định khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội giết người nhưng không thuộc các tình tiết tăng nặng ở Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Đối với tội vô ý giết người thì khung hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng trong trường hợp chuẩn bị phạm tội. Khoản 1 Điều 128 quy định khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, áp dụng đối với trường hợp hành vi của người phạm tội vô ý làm chết 01 người. Khoản 2 Điều 128 quy định khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 10 năm áp dụng đối với trường hợp vô ý làm chết từ 02 người trở lên.
3. Ví dụ phân tích tội giết người:
Do mâu thuẫn vợ chồng Anh A và chị B đã ly hôn, Anh A cho rằng chị B đã nhờ anh trai là L đến đánh anh A. Do đó, chiều ngày 11/02/2024 anh A mang theo 03 dao và 01 kéo đến cửa hàng của chị B và chém chị. Đến nơi A dùng tay phải cầm 01 (một) dao (dài 30,8 cm, cán gỗ dài 12 cm lưỡi dao bằng kim loại dài 18,8cm có một lưỡi sắc) chạy vào bên trong cửa hàng vừa chạy vừa chửi chị B đồng thời dùng dao xông vào chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu, lưng và tay của chị B. Chị B đưa tay đỡ và có chị N can ngăn nên A liền ném dao dùng để chém chị B xuống nền gạch của cửa hàng rồi đến mở cửa xe lấy 01 (một) dao (dài 28,5cm, cán dao bằng gỗ dài 12 cm lưỡi dao bằng kim loại dài 16,5cm có một lưỡi sắc, mũi dao nhọn, loại dao bản rộng, phần rộng nhất của bản sao là 4,8cm) cầm trên tay phải tiếp tục đi vào bên trong cửa hàng vung dao lên đâm chị B do vết máu dưới nền nhà nên A bị trượt ngã về phía bên trái người của bà B. A đứng dậy và tiếp tục vung dao lên cao đâm theo hướng từ trên xuống vào người chị B thì chị N vào can ngăn dùng tay đẩy A ra nên A đâm không trúng. Chị N dùng tay đẩy A ra khỏi cửa hàng để chị B lên xe ô tô đi về nhưng A tiếp tục cầm dao xông vào cửa hàng để đâm chị B, do có N can ngăn nên chị B lên xe ô tô đến bệnh viện. Sau đó, anh A đến cơ quan Công an tự thú về hành vi của mình.
Trong tình huống này có thể thấy hành vi của anh A đã đủ các dấu hiệu để cấu thành tội giết người (chưa đạt). Bà B không chết là do được người khác can ngăn bị cáo A nên A mới không thực hiện được tội phạm đến cùng. Hành vi trên củ bị cáo A đã phạm vào tội “Giết người” chưa thành với tình tiết định khung là “có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 và Điều 15 của Bộ luật Hình sự . Hành vi củ bị cáo đã thể hiện thái độ xem thường pháp luật, hậu quả là đã trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của bị hại. Bị cáo hoàn toàn nhận thức được mức độ nguy hiểm do hành vi của mình gây ra và mong muốn nạn nhân phải chết.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017
THAM KHẢO THÊM: