Hóa đơn là một trong những loại giấy tờ có vai trò chứng minh hoạt động mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp, đây là loại chứng từ có giá trị pháp lý làm căn cứ để bảo vệ quyền lợi của các bên trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Vậy có thể phân biệt giữa hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Phân biệt giữa sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
- 2 2. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn bị xử phạt thế nào?
- 3 3. Sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn có phải là một trong những hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ không?
1. Phân biệt giữa sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có đưa ra khái niệm cụ thể về hóa đơn/chứng từ hợp pháp. Theo đó, hóa đơn/chứng từ hợp pháp là các loại hóa đơn/chứng từ đảm bảo đầy đủ theo quy định của pháp luật về hình thức và nội dung. Hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là hai hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Về bản chất, hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là hai dạng hành vi hoàn toàn khác nhau và được quy định cụ thể ở hai điều khoản khác nhau. Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Theo đó, có thể phân biệt 02 hành vi này như sau:
Tiêu chí | Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp | Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn |
Cơ sở pháp lý | Khoản 1 Điều 4 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. | Khoản 2 Điều 4 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. |
Biểu hiện | Sử dụng hóa đơn/chứng từ thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ được xác định là hành vi sử dụng hóa đơn/chứng từ bất hợp pháp. Bao gồm: – Sử dụng hóa đơn/chứng từ giả; – Sử dụng hóa đơn/chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn/chứng từ hết giá trị sử dụng; – Hóa đơn đã bị ngưng sử dụng trong khoảng thời gian bị cưỡng chế bằng các biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, ngoại trừ trường hợp được phép sử dụng hóa đơn đỏ theo thông báo bằng văn bản của Cơ quan thuế; – Hóa đơn điện tử không thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng với các cơ quan thuế; – Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng các loại hóa đơn điện tử bắt buộc phải có mã của cơ quan thuế; – Hóa đơn mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ có ngay lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký trước đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; – Hóa đơn/chứng từ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có ngày lập ghi nhận trên hóa đơn/chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa điểm/chi nhánh đã đăng ký trước đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc chưa có thông báo với cơ quan thuế về việc lập hóa đơn/chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuy nhiên cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác đã đưa ra kết luận đó là loại hóa đơn/chứng từ không hợp pháp. | Sử dụng hóa đơn/chứng từ thuộc một trong những trường hợp sau đây thì sẽ bị coi là hành vi sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn/chứng từ. Bao gồm: – Hóa đơn và chứng từ không thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật, hóa đơn có hành vi bị tại xóa hoặc sửa chữa không đúng quy định của pháp luật; – Hóa đơn/chứng từ khống (tức là các loại hóa đơn/chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ trong lĩnh vực kinh tế tuy nhiên việc mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ không có thật một phần hoặc không có thật toàn bộ), hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh trong quá trình lập hóa đơn, hoặc có hành vi lập hóa đơn khủng, lập hóa đơn giả; – Hóa đơn có sự chênh lệch nhất định về giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ mà doanh nghiệp đã cung cấp, hoặc hóa đơn có sự sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn; – Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển các loại hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc sử dụng hóa đơn của các loại hàng hóa dịch vụ này để chứng minh cho các loại hàng hóa và dịch vụ khác; – Sử dụng hóa đơn/chứng từ của các tổ chức và cá nhân khác nhằm mục đích hợp thức hóa hàng hóa và dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa và dịch vụ bán ra (ngoại trừ trường hợp hóa đơn của các cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn hợp pháp); – Hóa đơn/chứng từ được cơ quan thuế hoặc được cơ quan công an hoặc được các cơ quan có thẩm quyền khác đưa ra kết luận về việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn/chứng từ đó. |
2. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vấn đề sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Như sau:
Hành vi vi phạm | Mức xử phạt |
Sử dụng cá loại hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn (trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn) |
Hành vi này sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là bắt buộc phải tiêu hủy hóa đơn đã sử dụng.
|
Sử dụng các loại hóa đơn và chứng từ không hợp pháp nhằm mục đích hạch toán giá trị hàng hóa và dịch vụ mua vào: – Để giảm số tiền thuế phải nộp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; – Hoặc để tăng số tiền thuế được hoàn, tiền thuế được miễn hoặc được giảm.
|
Trong trường hợp này, phạt 20% số tiền thuế kê khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, được giảm phải được hoàn cao hơn so với quy định của pháp luật. Ngoài ra, bắt buộc phải nộp lại đầy đủ số tiền thuế còn thiếu, số tiền thuế được hoàn, tiền thuế được miễn phải được giảm cao hơn so với quy định của pháp luật và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
|
Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn với mục đích kê khai làm giảm số thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được miễn, được giảm hoặc được hoàn. | – Phạt tiền 01 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có hành vi vi phạm tuy nhiên có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên; – Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm tuy nhiên không có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ; – Phạt tiền 02 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm, và đồng thời có một tình tiết tăng nặng; – Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi, và đồng thời có hai tình tiết tăng nặng; – Phạt tiền 03 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm, và đồng thời có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên; – Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước; – Buộc điều chỉnh lại số lỗ, điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có). |
3. Sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn có phải là một trong những hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn và chứng từ. Bao gồm:
– Thực hiện hành vi gian dối, sử dụng các loại hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn;
– Có hành vi cản trở công chức thuế trong quá trình thi hành công vụ, cản trở gây tổn hại tới sức khỏe và nhân phẩm của công chức thuế trong quá trình thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực về hóa đơn và chứng từ;
– Truy cập trái phép, làm sai lệch thông tin, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn và chứng từ;
– Có hành vi đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan tới lĩnh vực hóa đơn và chứng từ nhằm mục đích tư lợi bất chính.
Theo đó, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp/sử dụng không hợp pháp hóa đơn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
– Công văn 928/TCT-PC của Tổng cục Thuế về việc báo cáo rà soát, đánh giá 03 năm thi hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
– Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ;
– Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ và Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định miễn, giảm thuế.
THAM KHẢO THÊM: