Phạm vi xét xử phúc thẩm vụ án dân sự? Trình tự xét xử tại phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự?
Phúc thẩm vụ án dân sự là một cấp xét xử quan trọng trong hoạt động giải quyết các vụ án dân sự. Thủ tục phúc thẩm chỉ xuất hiện khi có hoạt động kháng cáo, kháng nghị của những chủ thể theo luật định. Thủ tục phúc thẩm là nhằm giải quyết những kháng cáo, kháng nghị đó. Pháp luật tố tụng quy định về phạm vi xét xử của Hội đồng xét xử phúc thẩm. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về phạm vi xét xử và trình tự xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.
Luật sư
1. Phạm vi xét xử phúc thẩm vụ án dân sự
Phạm vi xét xử phúc thẩm là giới hạn những vấn đề của vụ án dân sự mà Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Việc xác định phạm vi xét xử phúc thẩm có ý nghĩa rất quan trọng bởi xác định đúng phạm vi xét xử phúc thẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi chi Tòa án thực hiện quyền quyết định đối với các vấn đề của vụ án. Hay thẩm quyền quyết định của Tòa án chỉ được thực hiện trong phạm vi giới hạn pháp luật cho phép.
Phạm vi xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 293, Mục 1, Chương XVII của
Điều này có nghĩa là người có quyền kháng cáo chỉ có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát chỉ có quyền kháng nghị về những nội dung đã được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết trong phạm vi những nội dung đã được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm và trong nội dung của kháng cáo, kháng nghị hoặc những phần có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Quy định này nhằm đảm bảo tính ổn định của phần bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị cũng như tôn trọng quyền kháng cáo, kháng nghị của các chủ thể. Bên cạnh đó, để đảm bảo bản án, quyết định sơ thẩm trước khi được đưa ra thi hành là các bản án, quyết định đúng đắn, chính xác và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể xem xét phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng có liên đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị là trường hợp việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với phần này của bản án, quyết định sơ thẩm đòi hỏi phải xem xét, giải quyết đồng thời phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm đó mặc dù phần này không bị kháng cáo, kháng nghị.
Cần lưu ý về phạm vi xét xử phúc thẩm đó là Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét đối với kháng cáo, kháng nghị liên quan đến bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Nếu kháng cáo, kháng nghị về những nội dung chưa được xét xử tại cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng không có thẩm quyền giải quyết. Việc quy định phạm vi xét xử phúc thẩm có ý nghĩa cả về lý luận cũng như thực tiễn để giải quyết vụ án đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
2. Trình tự xét xử tại phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự
Phiên tòa phúc thẩm được tiến hành theo quy định tại Chương VII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, từ Điều 293 đến Điều 315 Bộ luật Tố tụng dân sự, theo đó thủ tục phiên tòa phúc thẩm được tiến hành theo các bước: Thủ tục bắt đầu phiên tòa; thủ tục tranh tụng tại phiên tòa; thủ tục nghị án và tuyên án.
* Chuẩn bị khai mạc phiên tòa và thủ tục bắt đầu phiên tòa
Trước khi khai mạc phiên tòa, thư ký tòa án tiến hành các công việc để chuẩn bị khai mạc phiên tòa. Sau đó chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa; giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, xem xét, quyết định, hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt; bảo đảm tính khách quan của người làm chứng. Các quy định này được kế thừa từ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011. Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 cũng bổ sung thêm quy định về:
– Yêu cầu người làm chứng cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng sự thật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng chưa thành niên.
– Yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần dịch
– Kiểm tra căn cước của đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.
Trong thủ tục bắt đầu phiên tòa, Chủ tọa sẽ tiến hành thủ tục hỏi về việc rút đơn khởi khởi kiện của nguyên đơn, hỏi về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị và hỏi về việc các đương sự thỏa thuận với nhau.
* Tranh tụng tại phiên tòa
Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như đối với phiên tòa sơ thẩm. Cụ thể thì tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự.
Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày ý kiến nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự.
Các quy định về việc trình bày của đương sự, kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm trong BLTTDS năm 2011 được giữ nguyên trong điều 302 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 có sắp xếp lại trình tự trình bày của đương sự, Viện kiểm sát cho hợp lý và logic. Theo đó, trình tự trình bày kháng cáo, kháng nghị như sau:
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày nội dung kháng cáo, căn cứ của việc kháng cáo. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến.
Trường hợp tất cả đương sự đều kháng cáo thì việc trình bày được thực hiện theo thứ tự người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn kháng cáo và nguyên đơn; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn kháng cáo và bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền, nghĩa vụ liên quan kháng cáo và người có quyền, nghĩa vụ liên quan;
– Trường hợp chỉ có Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị, căn cứ của việc kháng nghị. Trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị thì các đương sự trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo trước, sau đó Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị;
– Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ tự trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo và đề nghị của mình.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, Kiểm sát viên có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ. Đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp:
+ Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp mà không có lý do chính đáng. Đây là trường hợp đương sự không hề có được tài liệu, chứng cứ để xuất trình cho Tòa án cấp sơ thẩm.
+ Tài liệu, chứng của mà Tòa án sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Trong trường hợp này, đương sự không biết về sự tồn tại chứng cứ, tài liệu nên không cung cấp chứng cứ cho Tòa án cấp sơ thẩm, sau này khi vụ án được xét xử lại ở Tòa án cấp phúc thẩm thì đương sự mới biết được sự tồn tại của chứng cứ, tài liệu này và cung cấp cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Việc hỏi và công bố tài liệu, chứng cứ, xem xét vật chứng tại phiên tòa sơ thẩm. Quy định về hoạt động này có sự thay đổi so với luật cũ, cụ thể thì tại Luật cũ thì Hội đồng xét xử tiến hành hỏi trước, còn trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thì đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự được hỏi trước tiên, Hội đồng xét xử hỏi sau đương sự và người tham gia tố tụng khác. Chủ tọa phiên tòa có vai trò quan trọng trong việc điều khiển quá trình tranh tụng, bảo đảm quá trình tranh tụng diễn ra một cách rõ ràng, trung thực và được thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự đồng thời đảm bảo sự bình đẳng của các chủ thể tranh tụng và giải quyết đúng đắn vụ án trên cơ sở kết quả của tranh tụng. Sau khi tiến hành phần hỏi thì tiếp đến là phần tranh luận tại phiên tòa. Trình tự tranh luận được quy định tại Điều 305 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
* Nghị án và tuyên án
Việc nghị án và tuyên án được quy định tại Điều 307 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nghị án và việc hội đồng xét xử, quyết định giải quyết vụ án. Trên cơ sở kết quả của việc tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để thảo luận quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án. Và sau khi bản án đã được thông qua, Hội đồng xét xử trở lại phòng xét xử để tuyên án. Hoạt động tuyên án được quy định tại Điều 267 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.