Thực tế hiện nay, rất nhiều đối tượng chưa được xóa án tích mà vẫn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Vậy phạm tội mới khi chưa được xoá án tích bị xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phạm tội mới khi chưa được xoá án tích bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định nếu đối tượng đã bị kết án, chưa được xóa án tích nhưng thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý thì sẽ được coi là tái phạm.
Bên cạnh đó, trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý mà trước đó đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cố ý nhưng chưa được xóa án tích thì được coi là tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, trường hợp đối tượng phạm tội mới khi chưa được xóa án tích sẽ được coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là việc tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Chưa được xóa án tích mà phạm tội mới có thể hiểu là việc một người chưa chấp hành xong hình phạt nhưng đã thực hiện hành vi phạm tội khác. Đây là một căn cứ quan trọng để Tòa án sẽ quyết định mức hình phạt cho người có hành vi phạm tội.
2. Quy định về việc xóa án tích:
Xóa án tích được hiểu là việc đối tượng bị kết án về một hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự, sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù, đồng thời trải qua khoảng thời gian thử thách luật quy định thì sau đó sẽ được xóa án tích. Và người được xóa án tích sẽ được coi là chưa bị kết án.
Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện nay có 03 trường hợp được xóa án tích, bao gồm:
– Đương nhiên được xóa án tích.
– Xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
– Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.
Thứ nhất, đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Áp dụng đối với những người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
+ Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội phải chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo.
+ Hết thời hiệu thi hành bản án.
+ Đối tượng đã chấp hành xong hình phạt chính hoặc đã hết thời gian thử thách án treo.
+ Đối tượng đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án.
+ Không thực hiện hành vi phạm tội trong khoảng thời gian sau:
Trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo: thời gian là 01 năm.
Trường hợp bị phạt tù đến 05 năm: thời gian là 02 năm.
Trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm: thời gian là 03 năm.
Trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án: thời gian là 05 năm.
+ Từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, đối tượng không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn như nêu trên.
Thứ hai, đối với trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án:
+ Áp dụng đối với các đối tượng bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI Bộ luật hình sự.
+ Đối tượng bị kết án phải chấp hành xong hình phạt chính; hoặc đã hết thời gian thử thách án treo; chấp hành xong hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án.
+ Đối tượng không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau:
trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo: 01 năm.
Trường hợp bị phạt từ đến 05 năm: 03 năm.
Trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm: 05 năm.
Trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.: 07 năm.
Thứ ba, đối với trường hợp xóa án tích trong trường hợp đặc biệt:
Điều kiện để được xóa án tích trong trường hợp này là:
+ Đối tượng bị kết án có biểu hiện tiến bộ rõ rệt.
+ Đã lập công.
+ Được cơ quan, tổ chức nơi đối tượng bị kết án công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị được xóa án tích.
+ Đối tượng bị kết án đảm bảo được ít nhất một phần ba thời hạn đối tượng bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới theo quy định của trường hợp đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
3. Việc phạm tội khi chưa được xóa án tích có được coi là yếu tố định tội, định khung hình phạt không?
Tình tiết định tội được hiểu là tình tiết nêu lên những dấu hiệu cơ bản để xác định một tội phạm cụ thể, đồng thời phân biệt tội phạm đó với tội phạm khác. Để xác định được tình tiết định tội thì sẽ căn cứ trên cơ sở là dấu hiệu định tội – là những dấu hiệu được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản của một tội.
Còn tình tiết định khung được hiểu là những tình tiết phản án mức độ nguy hiểm cho xã hội, sẽ xác định trường hợp phạm tội đó sẽ thuộc khung hình phạt tăng nặng hoặc khung hình phạt giảm nhẹ.
Theo đó, lấy một số ví dụ cụ thể trong Bộ luật hình sự Việt Nam, cụ thể như tội đánh bạc quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Đối tượng nào có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc trị giá dưới 5 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc mà chưa được xóa án tích: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
Đối tượng có hành vi chiếm đoạt tài sản với giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc trước đó đã bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc các tội cướp tài sản (Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); tội cướp giật tài sản (Điều 171); tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mà chưa được xóa án tích; hoặc tài sản chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hành vi chiếm đoạt được thể hiện như sau:
+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác, nhận được tài sản thông qua hợp đồng, sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp và kéo theo là không có khả năng trả lại tài sản đó.
+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác, nhận được tài sản thông qua hợp đồng và sau đó chiếm đoạt tài sản đó bằng thủ đoạn gian dối; hoặc trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản nhưng cố tính không trả mặc dù vẫn có điều kiện để trả.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015.