Chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao tại các cơ sở giam giữ nhằm mục đích nâng cao đời sống tri thức, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các phạm nhân. Vậy theo quy định của pháp luật thì phạm nhân học văn hóa trong tù có được cấp bằng hay không?
Mục lục bài viết
1. Phạm nhân học văn hóa trong tù được cấp bằng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định về chế độ học tập và học nghề của phạm nhân tại các cơ sở giam giữ. Theo đó:
-
Phạm nhân sẽ được quyền phổ biến pháp luật, học tập, giáo dục công dân, được học văn hóa, học nghề tại các cơ sở giam giữ. Phạm nhân chưa biết chữ bắt buộc phải học văn hóa để được xóa mù chữ. Đối với phạm nhân là người nước ngoài sẽ được khuyến khích học tiếng Việt tại các cơ sở giam giữ đó. Phạm nhân sẽ được bố trí 01 ngày trong tuần để học nghề, học tập, học văn hóa; ngoại trừ ngày chủ nhật, ngày lễ tết theo quy định của pháp luật Việt Nam;
-
Căn cứ vào yêu cầu quản lý, yêu cầu giáo dục cải tạo phạm nhân, căn cứ vào thời gian chấp hành án của phạm nhân, các cơ sở giam giữ tổ chức dạy học cho phạm nhân sao cho phù hợp; căn cứ vào điều kiện thực tế tại cơ sở giam giữ đó, cơ quan thi hành án hình sự thuộc Công an cấp quận/huyện sẽ tổ chức hoạt động dạy học cho phạm nhân;
-
Chương trình học tập, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 74 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định về chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề và lao động của phạm nhân. Theo đó:
-
Phạm nhân trong trường hợp được xác định là người dưới 18 tuổi sẽ được giam giữ theo chế độ riêng sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe, phù hợp với giới tính và đặc điểm nhân thân;
-
Cơ sở giam giữ cần phải có trách nhiệm, nghĩa vụ giáo dục phạm nhân là người dưới 18 tuổi về pháp luật, văn hóa, đạo đức, dạy nghề sao cho phù hợp với độ tuổi của phạm nhân, phù hợp với trình độ học vấn, giới tính, điều kiện sức khỏe, chuẩn bị nhiều điều kiện thuận lợi để phạm nhân có khả năng hòa nhập với cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện thủ tục phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, giáo dục tiểu học là hình thức phổ cập bắt buộc đối với phạm nhân trong trường hợp phạm nhân đó chưa học xong chương trình tiểu học. Chương trình học tập, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân trong độ tuổi dưới 18 tuổi sẽ được thực hiện theo quy định cụ thể của Chính phủ;
-
Phạm nhân trong độ tuổi dưới 18 tuổi được lao động ở các khu vực riêng biệt, phù hợp với độ tuổi, phù hợp với giới tính (lưu ý: không phải là các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc công việc tiếp xúc trực tiếp với các chất độc hại).
Theo khoản 4 Điều 13 của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, có hướng dẫn thêm: Sở Giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và đào tạo nơi có cơ sở giam giữ phạm nhân cần phải phối hợp tổ chức thực hiện, cử giáo viên đến dạy văn hóa cho phạm nhân tại các cơ sở giam giữ, quản lý và chỉ đạo thực hiện chương trình học văn hóa cho phạm nhân, tổ chức xem xét công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ đối với phạm nhân, phổ cập giáo dục tiểu học, cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho phạm nhân; tổ chức hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sư phạm cho các cán bộ giảng dạy văn hóa cho phạm nhân. Cơ sở giam giữ phạm nhân cần phải bố trí hội trường, bố trí phòng học để đảm bảo cho quá trình giảng dạy và học tập của phạm nhân.
Theo đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định về chế độ học văn hóa đối với phạm nhân, tuy nhiên luật này không có quy định cụ thể về việc phạm nhân khi học văn hóa tại cơ sở thi hành án thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. Theo hướng dẫn của Chính phủ tại Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, thì phạm nhân sẽ được Sở Giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và đào tạo phối hợp xem xét, cấp bằng tốt nghiệp. Vì vậy, việc phạm nhân học văn hóa trong tù vẫn có thể được cấp bằng tốt nghiệp.
2. Đối tượng phạm nhân nào phải được phổ cập văn hóa giáo dục tiểu học?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, có quy định về chế độ dạy văn hóa cho phạm nhân. Theo đó:
Các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức hoạt động dạy văn hóa cho phạm nhân, tổ chức chương trình xóa mù chữ cho phạm nhân đối với những phạm nhân chưa biết chữ và tái mù chữ. Đối với phạm nhân là người trong độ tuổi dưới 18 tuổi chưa biết chữ hoặc chưa hoàn thành xong chương trình tiểu học thì sẽ tổ chức thực hiện hoạt động phổ cập giáo dục tiểu học, đây là hoạt động bắt buộc; trong trường hợp phạm nhân là người dưới 18 tuổi tuy nhiên chưa học xong bậc trung học cơ sở thì sẽ căn cứ vào thành phần hồ sơ của phạm nhân, căn cứ vào học bạ để tổ chức chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở sao cho phù hợp với điều kiện của cơ sở giam giữ. Khuyến khích phạm nhân tự học trong cơ sở giam giữ, phạm nhân là người nước ngoài hoặc phạm nhân là đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt tự nghiên cứu và học tập tiếng Việt. Phạm nhân đang trong thời gian học văn hóa tuy nhiên hết thời hạn chấp hành án phạt tù, thì phạm nhân đó sẽ được bảo lưu kết quả học tập để có thể tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong Hệ thống giáo dục quốc dân trên phạm vi toàn quốc.
Như vậy, việc phổ cập giáo dục tiểu học là một trong những vấn đề bắt buộc được áp dụng đối với phạm nhân khi đó là cá nhân:
+ Cá nhân dưới 18 tuổi chưa biết chữ hoặc;
+ Cá nhân chưa được học xong chương trình tiểu học.
Và đồng thời, trong trường hợp phạm nhân đang học tại cơ sở giam giữ tuy nhiên hết thời hạn chấp hành án phạt tù, thì phạm nhân sẽ được bảo lưu kết quả học tập và có thể sử dụng kết quả đó để tiếp tục học tại cơ sở giáo dục trong Hệ thống giáo dục quốc dân.
3. Người dạy học cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, có quy định về chế độ dạy văn hóa cho phạm nhân. Theo đó:
Giáo viên dạy văn hóa cho phạm nhân đang trong thời gian chấp hành án phạt tù là các cán bộ, chiến sĩ của cơ sở giam giữ phạm nhân; hoặc các cán bộ, chiến sĩ của cơ sở giáo dục địa phương. Sở Giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và đào tạo nơi có cơ sở giam giữ phạm nhân cần phải phối hợp thực hiện đề cử giáo viên đến dạy văn hóa cho phạm nhân. Đối với những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù nhận thấy có nhiều tiến bộ, có trình độ học vấn tốt, có khả năng sư phạm, nhân thân tốt, không phải là đối tượng chỉ huy, chủ mưu, lưu manh chuyên nghiệp, cầm đầu, có tính chất côn đồ, hung hãn trong vụ án hình sự, không mắc các chứng bệnh truyền nhiễm, không nghiện ma túy, không phải là phạm nhân xâm phạm đến các tội an ninh quốc gia thì có thể sẽ được bố trí cán bộ, chiến sĩ dạy văn hóa xóa mù chữ.
Đồng thời, cần phải lưu ý về chế độ đối với cán bộ tham gia giảng dạy cho phạm nhân tại các cơ sở giam giữ. Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, có quy định về chế độ đối với cán bộ tham gia giảng dạy phạm nhân. Theo đó:
-
Giáo viên, cán bộ, chiến sĩ dạy văn hóa cho phạm nhân, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, tuyên truyền pháp luật, phổ biến pháp luật và thành viên Hội đồng xét công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ, phổ cập chương trình tiểu học, thi tốt nghiệp bậc trung học cơ sở cho phạm nhân được bồi dưỡng trong môi trường đặc biệt. Mức chi bồi dưỡng cho một buổi (tương đương với 4 giờ) được xác định bằng 0.25 mức lương cơ sở (hiện nay đang được xác định là 1.800.000 đồng);
-
Các cán bộ quản lý, trực tiếp làm công tác giáo dục văn hóa, giảng dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân của các cơ sở giam giữ phạm nhân có thành tích tốt sẽ được vinh danh, truy tặng danh hiệu danh dự của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
THAM KHẢO THÊM: