Hiện nay có tình trạng một số công dân phản ánh về việc đơn tố cáo của mình không được giải quyết. Vậy đối với những trường hợp đó thì cần phải làm gì khi công an không giải quyết đơn tố cáo lừa đảo?
Mục lục bài viết
1. Phải làm gì khi công an không giải quyết đơn tố cáo lừa đảo?
Căn cứ Điều 24 Luật tố cáo 2018 quy định vệ việc xử lý ban đầu thông tin tố cáo hiện nay như sau:
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm vào sổ, phân loại và xử lý ban đầu về thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh về thông tin về người thực hiện tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; đối với trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm phức tạm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
– Trong trường hợp nếu đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 của Luật Tố cáo 2018; Nếu trường hợp không đủ điều kiện để thụ lý thì cơ quan có thẩm quyền không thụ lý tố cáo và phải thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
– Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, căn cứ vào Khoản 2 Điều 9 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định như sau:
– Kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết. Thông báo việc thụ lý tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 05, thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo thực hiện theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 31/2019/NĐ-CP này.
– Từ những quy định trên, như vậy, khi thụ lý đơn tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền phải có nhiệm vụ thông báo bằng văn bản cho bạn về vấn đề thụ lý đơn của bạn. Như vậy, việc cơ quan công an không có thông báo gì cho bạn về đơn tố cáo của bạn là không phù hợp với những quy định nêu trên. Do đó, nếu công an không giải quyết đơn tố cáo của bạn, thì bạn có thể khiếu nại hành vi của công an tại cơ quan có thẩm quyền.
Dựa vào căn cứ Điều 30 Luật Tố cáo 2018 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
– Thời hạn để giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
– Đối với những vụ việc phức tạp thì cơ quan có thẩm quyền có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
– Đối với những vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
– Trường hợp người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và phải thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, thời hạn giải quyết tố cáo nếu không có gia hạn thì được quy định là 30 ngày.
Cũng theo căn cứ Khoản 9 Điều 2
– Hành vi hành chính được quy định là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó tại Điều 7
– Khi có căn cứ để cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái với pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại thực hiện khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
=> Như vậy, khi cơ quan có thẩm quyền không giải quyết đơn tố cáo cho bạn thì bạn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính đối với người có thẩm quyền giải quyền tố cáo nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình.
2. Khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trình báo tại cơ quan nào?
2.1. Quy định về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
Căn cứ theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
– Tố giác về tội phạm đó là việc mà cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
– Tin báo về tội phạm là việc cá nhân thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
– Kiến nghị khởi tố là việc mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
+ Tố giác, tin báo về tội phạm có thể thực hiện bằng lời hoặc bằng văn bản.
+ Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm mà sai sự thật thì tuỳ tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
2.2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
+ Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phải tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
+ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
+ Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
+ Cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
+ Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
Đồng thời cũng dựa theo căn cứ tại Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT có quy định về trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như sau:
+ Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
+ Thứ nhất: Cơ quan điều tra;
+ Thứ hai: Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Thứ ba: Viện kiểm sát các cấp;
+ Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Ngoài ra, căn cứ vào quy định tại Khaorn 4 Điều 163 Bộ luật tó tụng hình sự quy định về thẩm quyền điều tra như sau:
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra đối với những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Như vậy, khi nhận thấy mình đang bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng ta có thể làm đơn tố giác đến các cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) cấp quận, huyện, thị xã, viện kiểm sát các cấp; Tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện tội phạm, xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;
– Luật Khiếu nại 2011;
– Luật tố cáo 2018;
– Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành luật tố cáo;
– Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.