Quy định về đèn xi nhan, cách sử dụng đèn xi-nhan (đèn báo chuyển hướng)? Mức xử phạt khi bật xi nhan sai quy định? Bật xi nhan như thế nào để không bị phạt? Phải bật xi nhan trước bao lâu? Bật xi nhan chậm bị phạt bao nhiêu tiền?
Chắc hẳn nhiều người khi tham gia giao thông luôn cho rằng việc bật xi nhan là một vấn đề hết sức đơn giản. Tuy nhiên đây là một hành vi vi phạm pháp luật nếu thực hiện không đúng theo quy định. Nhiều người tham gia giao thông bị thổi phạt nhưng không hề biết mình bị xử phạt vì lỗi gì. Và nghiêm trọng hơn nữa là gây ra hậu quả đáng tiếc với chủ thể tham gia giao thông khác. Vậy, phải bật xi nhanh trước bao lâu và bật xi nhan chậm thì bị phạt bao nhiêu tiền. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề nêu trên.
Luật sư tư vấn các quy định về xi-nhan, đèn tín hiệu báo rẽ: 19006568
Căn cứ pháp lý:
Luật giao thông đường bộ 2008 ;- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Mục lục bài viết
1. Quy định về đèn xi nhan
Đèn xi-nhan là một thành phần rất quan trọng trên xe máy cũng như xe ô tô. Công dụng chính của đèn xi-nhan hay còn gọi là đèn báo rẽ là để báo hiệu cho các phương tiện cùng tham gia lưu thông biết được chúng ta chuẩn bị rẽ hướng. Ngoài ra thì đèn xi-nhan còn được sử dụng trong trường hợp xin vượt, chuyển làn, cảnh báo nguy hiểm… Việc sử dụng đèn xi-nhan đúng cách không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho bản thân người lái xe, mà còn hạn chế va chạm với những người lưu thông cùng.
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các trường hợp sử dụng đèn xi nhan như sau:
“Điều 13. Sử dụng làn đường
Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
Điều 14. Vượt xe
Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Điều 15. Chuyển hướng xe
Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Điều 16. Lùi xe
Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.
Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc
Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;”
Như vậy, khi tham gia giao thông người lái xe bắt buộc phải sử dụng đèn xi nhan khi chuyển hướng, chuyển làn đường, vượt xe. Trường hợp dừng xe, đỗ xe, lùi xe tài xế điều khiển xe ô tô phải hết sức lưu ý nếu không muốn bị phạt.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn thì khuyến nghị người tham gia giao thông nên xi nhan trong một số trường hợp khác như:
- Khi đi qua vòng xuyến: Bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái, ra phải” – khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi vòng xuyến thì xi nhan phải.
- Khi đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) nên bật đèn tín hiệu báo rẽ.
- Khi lùi vào ngõ: Nên bật tín hiệu vì tầm quan sát của người lái xe hạn chế, khó điều chỉnh hướng xe và để tạo thuận lợi cho những phương tiện khác di chuyển.
- Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường. Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi nhan
2. Mức xử phạt khi bật xi nhan sai quy định
Thứ nhất xử lý hành chính
Trường hợp bật xi nhan chậm, tức đang chuyển hướng xe hoặc chuyển làn đường được một đoạn rồi mới nhớ bật xi nhan, người điều khiển phương tiện vẫn có thể bị phạt như trường hợp không bật.
Khi đó, người điều khiển phương tiện bị xử phạt theo quy định tại
* Đối với xe ô tô
- Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng;
- Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức): Phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng;
- Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc: Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng, tước Bằng lái xe từ 01 – 03 tháng.
* Đối với xe máy
– Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng
– Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức): Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng.
* Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng
Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Thứ hai xử lý hình sự
Khi vi phạm quy định về sử dụng đèn báo rẽ, người tham gia giao thông ngoài bị xử lý hành chính thì còn bị xử lý về hình sự. Căn cứ tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 cũng quy định rất rõ về hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng xi nhan như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3. Bật xi nhan như thế nào để không bị phạt?
Hiện nay trong các quy định khác của luật không có ghi rõ ràng khoảng cách cần bật trước đèn xi nhan cụ thể là bao nhiêu. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện có thể căn cứ theo giáo trình đào tạo lái xe ô tô thì tín hiệu báo trước hướng rẽ nên bật trước với khoảng cách 30 mét sẽ đảm bảo an toàn nhất. Với xe máy, khoảng cách nên giao động từ 10-15 mét.
Nếu người tham gia giao thông bật đèn xi nhan với khoảng cách lớn hơn, mặc dù không phạm luật nhưng sẽ gây cản trở cho những người khác trên đường. Nếu bật xi nhan ở khoảng cách ngắn hơn, đột ngột thì những người điều khiển phương tiện xung quanh sẽ không kịp nhường đường cho xe của bạn.
Vì vậy, đặc biệt khi tham gia điều khiển xe máy, ô tô trong thành phố, những nơi có mật độ dân cư đông đúc, người lái xe nên đảm bảo bật đèn xi nhan khi có ý định chuyển hướng trước khoảng 30 mét là hợp lý.
Đồng thời, để đảm bảo không bị phạt oan, bạn cần bật đèn xi nhan khi qua hết đường rẽ mới được tắt. Nếu tắt đèn quá sớm, người điều khiển xe cũng vi phạm Luật giao thông đường bộ và bị tính luôn vào lỗi không có tín hiệu báo trước. Lưu ý là phải bật đúng đèn theo hướng rẽ, đừng bật bên trái mà rẽ bên phải hoặc ngược lại.
Như vậy vấn đề có hay không bật xi nhan và bật xi nhan như thế nào ít nhiều đều ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Thực tế người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về vấn đề bật xi nhan trước trong bao lâu và bật xi nhan chậm bị phạt bao nhiêu. Trường hợp quý khách hàng cần hỗ trợ về vấn đề liên quan xin vui lòng liên hệ để được giải đáp cụ thể hơn.