Trong môi trường kinh doanh khốc liệt, có những doanh nghiệp khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp ở trong giai đoạn suy thoái dẫn đến phải chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Vậy phá sản là gì? Khi nào một doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản?
Mục lục bài viết
1. Phá sản là gì?
Doanh nghiệp theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp thì nó là một tổ chức kinh tế, có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận. Theo các nhà kinh tế, thì doanh nghiệp có chu kỳ vòng đời bao gồm các giai đoạn như sau: Khởi nghiệp, xây dựng, tăng trưởng, trưởng thành và sau trưởng thành. Giai đoạn cuối cùng của chu kỳ vòng đời doanh nghiệp bao gồm 03 khả năng có thể xảy ra: Làm mới lại: Những lĩnh vực tăng trưởng mới làm tăng doanh thu và lợi nhuận; Trạng thái ổn định: Duy trì trì trạng thái trưởng thành liên tục; Suy thoái: Lợi nhuận bắt đầu giảm do quản lý kém; thường báo hiệu bằng dấu hiệu của doanh thu giảm chi phí tăng.
Một nhà quản trị doanh nghiệp thành công là phải có bước chuẩn bị để đối phó với giai đoạn sau trưởng thành. Nếu nhà quản trị không đảm đương được thì tất yếu doanh nghiệp phải đi đến hồi suy thoái. Với chu kỳ vòng đời này thì có thể việc suy thoái dẫn đến phá sản có thể xảy ra với bất kỳ doanh nghiệpnào không có bước chuẩn bị đầy đủ để vượt qua giai đoạn sau trưởng thành.
Với đích đến là suy thoái thì phá sản luôn là một hiện tượng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, nó hiện hữu như là một sản phẩm của quá trình cạnh tranh, chọn lọc và đào thải tự nhiên của nền kinh tế thị trường, bất kể đó là nền kinh tế thị trường phát triển ở các nước trên thế giới hay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Phá sản là một hiện tượng phát sinh từ rất sớm thực tiễn hoạt động thương mại. Về mặt học thuật, phá sản là một thuật ngữ gây khá nhiều tranh luận về xuất xứ của nó.
Nhiều học giả cho rằng, thuật ngữ phá sản bắt nguồn từ chữ “Ruin” trong tiếng Latin có nghĩa là sự “khánh tận”.
Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, Thuật ngữ phá sản được diễn đạt bằng từ “bankruptcy” hoặc “banqueroute” mà nhiều người cho rằng từ này bắt nguồn từ chữ “Banca Rotta” trong tiếng La Mã cổ, trong đó banca có nghĩa là chiếc ghế dài, còn rotta có nghĩa là bị gãy. Banca rotta có nghĩa là “băng ghế bị gãy“.
Điều này có cơ sở là một tập quán thương mại, từ xa xưa, các thương nhân La Mã thường hợp với nhau để xem xét các khía cạnh kinh doanh của từng cá nhân, trong một diễn đàn gọi là “đại hội thương gia”; người nào không trả được nợ thường bị bắt làm nô lệ, đồng thời mất luôn quyền tham gia đại hội. Chiếc ghế của người “vỡ nợ”, theo đó, sẽ bị đem ra khỏi hội trường. Vì vậy, người La Mã khi xưa mới dùng thuật ngữ bóng bẩy “chiếc ghế bị gãy” để ám chỉ người “phá sản” và không còn quyền lợi gì, hay người mất vị thế trong các đại hội thương gia.
Theo Từ điển tiếng Việt định nghĩa từ “phá sản” là lâm vào tình trạng tài sản không còn gì và thường là vỡ nợ do kinh doanh bị thua lỗ, thất bại; “vỡ nợ” là lâm vào tình trạng bị thua lỗ, thất bại liên tiếp trong kinh doanh, phải bán hết tài sản mà vẫn không đủ để trả nợ. Do đó, có thể hiểu, khái niệm phá sản là để chỉ cho một sự việc đã xảy ra rồi, sự việc bị thua lỗ phải bán hết tài sản mà vẫn không đủ trả nợ.
Theo Từ điển Luật học định nghĩa phá sản là tình trạng một chủ thể (cá nhân, pháp nhân) mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Theo cách hiểu này, khái niệm phá sản là xác định một chủ thể bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Nói cách khác, “phá sản” được hiểu tương đương với “mất khả năng thanh toán”.
Theo Điều 864 của Bộ luật Thương mại năm 1972 của Việt Nam Cộng hòa “Thương gia ngưng trả nợ có thể, đương nhiên hoặc theo đơn xin của trái chủ, bị toà tuyên án khánh tận”. Điều 1008 Bộ luật Thương mại năm 1972 quy định “Những thương gia ở trong tình trạng khánh tận hay thanh toán tư pháp sẽ bị truy tố về tội phá sản đơn thường hay phá sản gian trá tùy theo các trường hợp được dự liệu tại các điều kế tiếp”. Theo quy định này có thể hiểu “khánh tận là tình trạng một thương gia đã ngưng trả nợ” và được hiểu tượng đương như khái niệm “mất khả năng thanh toán”. Trong khi đó, khái niệm “phá sản” được hiểu rằng đây là một loại tội phạm.
Trong tiếng Anh, khái niệm phá sản và mất khả năng thanh toán được diễn đạt dưới những thuật ngữ bankruptcy, insolvency. Hai thuật ngữ này có khi được sử dụng như là những từ đồng nghĩa. Có tác giả cho rằng, insolvency là khái niệm liên quan đến tình trạng tài chính, trong khi đó bankruptcy lại là khái niệm thuần tuý pháp lý.
Ở Hoa Kỳ, thuật ngữ bankruptcy được sử dụng cho cả thủ tục phá sản áp dụng cho cá nhân hoặc doanh nghiệp. Ttrong pháp luật của Anh, bankruptcy là để chỉ cho thủ tục phá sản cá nhân còn đối với phá sản các Công ty thì thuật ngữ được sử dụng là insolvency.
Trong pháp luật Việt Nam, cả Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 và Luật Phá sản năm 2004 đều không đưa ra định nghĩa về phá sản mà sử dụng khái niệm “lâm vào tình trạng phá sản”, “doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn”.
Luật Phá sản năm 2014 đã đưa ra một định nghĩa pháp lý về phá sản, theo đó, “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán và bị TAND ra quyết định tuyên bố phá sản”. Khái niệm này đã tiếp cận phá sản dưới góc độ là một quyết định của tòa án chứ không phải là quá trình (thủ tục) ban hành ra quyết định đó.
Như vậy, từ các phân tích trên đây có thể thấy về mặt pháp lý, khái niệm “phá sản” có thể được hiểu theo hai khía cạnh sau đây:
Một là, phá sản là tình trạng một tổ chức kinh doanh bị mất khả năng thanh toán và bị cơ quan nhà nước (thông thường là tòa án) ra quyết định tuyên bố phá sản. Hậu quả của quyết định này là sự chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, phá sản là thủ tục pháp lý liên quan đến một tổ chức kinh doanh để giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của tổ chức đó. Thủ tục pháp lý này được quy định bởi pháp luật, được tiến hành từ khi có dấu hiệu tổ chức kinh doanh đó lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và quá trình giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán mà có thể đưa đến những hệ quả khác nhau là phục hồi tổ chức kinh doanh hoặc thanh lý tài sản và chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh doanh.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 4
Thứ nhất: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (khoản 1, Điều 4 Luật phá sản 2014)
Thứ hai: Phải có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án. Doanh nghiệp không thể tự tuyên bố phá sản mà phải thực hiện các thủ tục phá sản để Tòa án có thẩm quyền ra quyết định.
Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mà Tòa án nhân dân chưa ra quyết định tuyên bố phá sản thì không được xem là đã phá sản.
2. Khái niệm thủ tục phá sản:
Theo từ điển tiếng Việt, thủ tục là những việc cụ thể phải làm theo một trật tự quy định, để tiến hành một công việc có tính chất chính thức. Theo Nguyễn Văn Thâm và Võ Kim Sơn, thủ tục có nghĩa là phương thức hay cách thức giải quyết công việc theo một trình tự nhất định. Do đó có thể hiểu, thủ tục phá sản là trình tự, cách thức để tiến hành giải quyết việc phá sản theo quy định pháp luật.
Phá sản là một hiện tượng có tính khách quan, mang tính quy luật trong nền kinh tế thị trường. Khi xảy ra tình trạng phá sản, Nhà nước phải tham gia giải quyết việc phá sản, cơ quan nào đứng ra giải quyết việc phá sản này thì do Nhà nước quy định.
Hầu hết các nước có LPS, thủ tục phá sản đối với các DN mất khả năng thanh toán được tiến hành bởi tòa án, Việt Nam cũng quy định do Tòa án tiến hành. Trong các tài liệu khoa học pháp lý hiện nay của Việt Nam đều cho rằng, thủ tục phá sản là thủ tục tư pháp bởi vì nó được tiến hành bởi tòa án.
Theo giáo trình Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội xuất bản năm 2000 thì thủ tục phá sản là “một thủ tục thuần túy tư pháp, do tòa án có thẩm quyền tiến hành theo những quy định chặt chẽ của pháp luật phá sản”. Quan niệm thủ tục phá sản là thủ tục thuần túy tư pháp là không hoàn toàn chính xác, bởi lẽ thủ tục tư pháp chính là thủ tục thực hiện quyền tư pháp, một trong ba nhánh quyền lực. Quyền tư pháp là quyền xét xử và vì vậy, thủ tục tư pháp thuần túy là thủ tục xét xử các vụ án hình sự, dân sự và hành chính. Có lẽ vì lý do này mà trong giáo trình Luật Thương mại cũng của chính Trường Đại học Luật Hà Nội xuất bản sáu năm sau chỉ giữ lại quan điểm là thủ tục phá sản là thủ tục tư pháp mà không còn cụm từ thuần túy nữa và hướng lý giải cho quan điểm thủ tục phá sản là thủ tục tư pháp của các tác giả giáo trình này là hoạt động do cơ quan nhà nước duy nhất là tòa án có thẩm quyền tiến hành theo những quy định chặt chẽ của pháp luật phá sản”. Cũng theo cách lý giải tương tự, sách Luật Kinh tế Việt Nam do Lê Minh Toàn chủ biên cũng cho rằng “thủ tục phá sản do cơ quan có thẩm quyền duy nhất là tòa án và vì vậy về cơ bản thủ tục phá sản là một thủ tục được diễn ra theo một trình tự tư pháp”. Tác giả này nhấn mạnh rằng “đáng lưu ý là thủ tục phá sản là thủ tục tư pháp đặc biệt vì phá sản DN về bản chất không phải là một vụ án và do đó nó không được thụ lý để xét xử như một vụ án thông thường”.
Trong trường hợp phá sản một số tổ chức đặc biệt, trong đó có tổ chức tín dụng, thì tại một số nước, Tòa án không được giao để giải quyết vụ việc phá sản. Vậy liệu rằng thủ tục phá sản có còn là thủ tục tư pháp hay không? Chúng tôi cho rằng, không thể xem thủ tục phá sản là thủ tục tư pháp nếu cơ quan tiến hành thủ tục này không phải là tòa án. Điển hình cho quốc gia không thực hiện việc phá sản
ngân hàng thương mại theo thủ tục tư pháp là Hoa Kỳ và Canada. Tại các quốc gia này, thủ tục phá sản ngân hàng thương mại được tiến hành bởi cơ quan bảo hiểm tiền gửi và là thủ tục hành chính.
Một quốc gia điển hình cho việc hành chính hóa thủ tục phá sản ngân hàng thương mại là Anh. Cho đến trước năm 2009, việc giải quyết phá sản các ngân hàng ở Anh đều chỉ tuân thủ theo Luật Phá sản năm 1986 vì người Anh quan niệm rằng phá sản là thủ tục tư pháp nhằm xét xử hành vi của người bị phá sản. Tuy vậy, sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ và châu Âu năm 2008, nước Anh đã bổ sung chế độ giải quyết đặc biệt đối với các ngân hàng mất khả năng thanh toán. Chế độ này được thực hiện với vai trò quan trọng của cơ quan quản lý ngành ngân hàng và thực hiện theo thủ tục hành chính. Chỉ khi thủ tục áp dụng chế độ đặc biệt (SRR) không thành công thì mới chuyển sang thủ tục thanh lý tại tòa án.
Theo phân tích trên, thì thủ tục phá sản, theo pháp luật một số quốc gia bắt đầu từ thủ tục hành chính (xem xét tình trạng mất khả năng thanh toán) trước rồi sau đó mới đến Tòa án thụ lý giải quyết, có quốc gia thì do Tòa án thụ lý giải quyết từ khi mất khả năng thanh toán. Do đó, theo tác giả thì đây chính là một thủ tục tư pháp đặc biệt.
Tóm lại, thủ tục phá sản có thể được định nghĩa khái quát là thủ tục tư pháp đặc biệt quy định trình tự, cách thức, phương thức để giải quyết việc phá sản theo quy định pháp luật.
3. Các trường hợp tuyên bố phá sản doanh nghiệp:
Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại Điều 105 Luật phá sản 2014 thì doanh nghiệp bị tòa án tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn. Khi người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật này mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.
Thứ hai, Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản là khi không thể tiến hành hội nghị chủ nợ. Căn cứ theo quy định tại Điều 106. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 80, khoản 4 Điều 83 và khoản 7 Điều 91 của Luật Phá sản.
Tức là khi Hội nghị chủ nợ bị hoãn mà Tòa án đã triệu tập lại theo thời gian của luật định mà vẫn không thể tổ chức laị Hội nghị chủ nợ thì lúc đó Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Hoặc khi Hội nghị chủ nợ không thông qua được Nghị quyết, khi không đảm bảo có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm có mặt biểu quyết tán thành. Hoặc khi Hội nghị chủ nợ không thông qua được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh khi không đảm bảo được có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm biểu quyết tán thành.
Thứ ba, trường hợp tuyên bố doanh nghiệp phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ:
Căn cứ theo Điều 107 Luật phá sản 2014 quy định về quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ:
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết của Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 83 của Luật phá sản thì Tòa án nhân dân xem xét quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
– Sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản:
– Khi Hội nghị chủ nợ đề nghị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản mà không cần thông qua thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
– Khi doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.
– Khi hội nghị chủ nợ không đồng tình, không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Tức là doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện để tiến hành thực hiện các phương án phục hồi hoạt động doanh nghiệp mà họ đã xây dựng.
Vậy doanh nghiệp sẽ bị Tòa án tuyên bố phá sản khi thuộc một trong các trường hợp được nêu như trên.
4. Trình tự, thủ tục tuyên bố doanh nghiệp phá sản:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Để tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cùng các tài liệu và chứng cứ kèm theo. Theo đó, những chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm các chủ nợ, người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở,… khi họ không nhận được thanh toán và có đủ các điều kiện theo luật định. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc gửi đến Tòa án nhân dân qua đường bưu điện.
Bước 2: Tòa án nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Sau khi Tòa án nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu đơn hợp lệ thì Tòa án thông báo để nộp lệ phí, tiền tạm ứng phí phá sản.
Nếu đơn chưa hợp lệ thì Tòa án yêu cầu nộp sửa đổi, bổ sung.
Nếu xét thấy người nộp đơn không có quyền nộp đơn hoặc người nộp đơn từ chối sửa đổi đơn thì Tòa án tiến hành trả lại đơn yêu cầu.
Bước 3: Tòa án thụ lý đơn và ra quyết định mở thủ tục phá sản
Khi đủ các điều kiện thụ lý thì Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Thẩm phán sẽ tiến hành chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh toán tài sản.
Các chủ thể có thẩm quyền sẽ tiến hành xác định các giá trị nghĩa vụ về tài sản, xác định tiền lãi đối với khoản nợ, xử lý khoản nợ có bảo đảm, trả lại tài sản thuê mượn.
Bước 4: Triệu tập Hội nghị chủ nợ
Thẩm phán sẽ tiến hành triệu tập và gửi thông báo triệu tập hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ nợ thảo luận về các nội dung do Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã thông báo và ý kiến của những người tham gia Hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra nghị quyết về việc đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp hoặc đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
Dựa trên nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân có thể đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản. Trong trường hợp Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh thì doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho thẩm quán, chủ nợ,… Hội nghị chủ nợ sẽ tiến hành thông qua phương án phục hồi kinh doanh và được Tòa án ra quyết định công nhận nghị quyết thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện theo phương án phục hồi kinh doanh, dưới sự giám sát của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chủ nợ.
Bước 5: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán thì Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
5. Thẩm quyền giải quyết phá sản:
Phạm vi giải quyết phá sản của
– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở thuộc nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
+ Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
– Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định trên.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật phá sản năm 2014