Hiện hay, việc sử dụng mạng internet không còn xa lạ với chúng ta. Lợi dụng những kẻ hở những tên lưu manh đã có hành vi phá hoại đến cơ sở thông tin mạng. Vậy phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin thì sẽ bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin thì sẽ bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 75 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như sau:
Đối với hành vi phạm các quy định về cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được quy định như sau
– Đối với hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu cơ sở dữ liệu hoặc cản trở việc sử dụng cơ sở dữ liệu của chủ sở hữu khi thực hiện tái sản xuất, phân phối, quảng bá, truyền đưa, cung cấp nội dung hợp thành cơ sở dữ liệu thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng.
– Đối với hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin hoặc phá hoại thông tin trên môi trường mạng thì sẽ bị phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng.
Ngoài bị phạt tiền thì người có hành vi vi phạm sẽ phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này;
+ Buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
– Mức phạt tiền được quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Đối với trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người thực hiện hành vi phá hoại thông tin trên môi trường mạng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền có giá trị từ 70.000.000 đồng đến 85.000.000 đồng. Ngoài ram người vi phạm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do thực hiện hành vi vi phạm.
2. Có bị truy cứu hình sự về phá hoại thông tin trên môi trường mạng hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi năm 2017 thì cá nhân có thể bị truy tố về hành vi của mình nếu xét thấy có đầy đủ yếu tố cấu thành tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử. Cá nhân sẽ phải đối diện với khung hình phạt như sau:
– Nếu trường hợp phát hiện hành vi của cá nhân tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật này, thì sẽ bị phạt tiền có giá trị từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong những trường hợp dưới đây cụ thể:
+ Người có hành động thu lợi bất chính có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Người có hành vi làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử với khoảng thời gian được quy định là từ 30 phút đến dưới 24 giờ hoặc từ 03 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ;
+ Người nào cố tình có hành vi làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức được xác định từ 24 giờ đến dưới 72 giờ;
+ Người nào đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Nếu như quá trình điều tra mà cơ quan điều tra nhận thấy hành vi vi phạm có tổ chức thì sẽ áp dụng khung hình phạt này;
+ Người có hành vi lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông được cá nhân, tổ chức giao phó để thực hiện hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của cá nhân tổ chức khác;
+ Người có hành vi vi phạm được đánh giá là tái phạm nguy hiểm;
+ Khi thực hiện các hành vi vi phạm đã thu lợi bất chính có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Số tiền gây thiệt hại có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
+ Hậu quả của hành vi đã làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử được xác định từ 24 giờ đến dưới 168 giờ hoặc từ 10 lần đến dưới 50 lần trong thời gian 24 giờ;
+ Đối với khoảng thời gian bị đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức được xác định từ 72 giờ đến dưới 168 giờ;
–Cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng khung phạt tù được xác định từ 07 năm đến 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người nào có hành vi xâm phạm trực tiếp đến hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
+ Người có hành vi xâm phạm mà thậm chí tác động đến cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; sự hoạt động của hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; Liên quan đến hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
+ Hành vi vi phạm đã đem lại nguồn thu bất chính với số tiền có giá trị là 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Xét đến số tiền gây thiệt hại đối với hành vi vi phạm của mình được xác định là 1.500.000.000 đồng trở lên;
+ Hành vi vi phạm đã làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử được xác định là 168 giờ trở lên hoặc 50 lần trở lên trong thời gian 24 giờ;
+ Đã làm ảnh hưởng, đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức được xác định là 168 giờ trở lên;
– Bên cạnh khung hình phạt nêu trên thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền có giá trị từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được xác định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người thực hiện hành vi phá hoại thông tin trên môi trường mạng là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được bổ sung bởi điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này được xác định là 01 năm. Việc xác định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người thực hiện hành vi phá hoại thông tin trên môi trường mạng được xác định là 01 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.