Trong đời sống xã hội Việt Nam, việc nhận nuôi con nuôi đã tồn tại từ rất lâu đời. Bởi vì nhiều lý do và mục đích khác nhau mà việc nhận nuôi con nuôi được hình thành, nhưng lý do cơ bản, phổ biến nhất là bởi vì lòng thương người. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu nuôi con nuôi là gì? Mục đích, ý nghĩa và hệ quả của việc nuôi con nuôi như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nuôi con nuôi là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010, nuôi con nuôi được định nghĩa với nội dung cụ thể như sau:
“Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.”
Việc nuôi con nuôi được hình thành và đưa ra quy định cụ thể để nhằm mục đích xác lập mối quan hệ giữa cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của các chủ thể là người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình mới.
Hiện nay, nuôi con nuôi bao gồm: Nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 67 Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định nội dung sau đây:
“Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, đảm bảo cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.”
Cần lưu ý rằng, kể từ thời điểm các bên thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi, khi mà các bên đã trở thành cha mẹ nuôi và con nuôi của nhau thì giữa các bên sẽ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con và ngược lại của con đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện nay, việc nuôi con nuôi rất phổ biến tuy nhiên việc đăng ký nuôi con nuôi thì rất ít được thực hiện. Hầu hết thì vấn đề về nuôi con nuôi đều làm theo cảm tính. Các chủ thể khi nhận con nuôi vẫn chưa thấy hết các quyền, nghĩa vụ của chính bản thân mình cũng như người được nhận làm con nuôi.
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày 01/01/2011, ngày Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực mà các chủ thể chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn năm năm, kể từ ngày Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi; đến thời điểm Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống.
- Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
Đối với những trường hợp các bên có đăng ký việc nuôi con nuôi thì giữa người nhận nuôi và con nuôi phát sinh quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi được nhà nước ta công nhận và bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2. Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi:
Theo Điều 9 Luật nuôi con nuôi 2010, thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi được quy định cụ thể như sau:
- Cơ quan Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
- Cơ quan Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
- Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.
Như vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với việc đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước, đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.
3. Mục đích của việc nuôi con nuôi:
Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về mục đích của việc nuôi con nuôi là:
“ Nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”.
Như vậy, ta nhận thấy, việc nuôi con nuôi nhằm mục đích chính là để xác lập mối quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, từ đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận nuôi và người nhận nuôi dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của các bên.
Cần lưu ý rằng hiện nay việc nuôi con nuôi phải dựa trên việc các chủ thể nhận nuôi con nuôi phải mang đến cho đứa trẻ một gia đình, để cho đưa trẻ được sống trong một môi trường gia đình với bầu không khí yêu thương, tình cảm. Và, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, việc nuôi con nuôi trên thực tế xảy ra khá phức tạp, việc quán triệt mục đích của việc nuôi con nuôi được pháp luật ngày càng quan tâm hơn.
Ta nhận thấy, hiện nay, việc nhận nuôi con nuôi của các chủ thể đã thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương, tinh thần, trách nhiệm và mối quan hệ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Việc các chủ thể nhận nuôi con nuôi đã trở thành một biện pháp tích cực giúp đỡ trẻ em không nơi nương tựa có mái ấm gia đình, được chăm sóc và phát triển trong điều kiện tốt nhất. Không những thế, việc nuôi con nuôi còn giảm được gánh nặng về tài chính, kinh tế cho Nhà nước ta trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
4. Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi:
Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi được quy định tại Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 như sau:
“Điều 24. Hệ quả của việc nuôi con nuôi
1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.”
Việc pháp luật nước ta đưa ra quy định đối với việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con nuôi chưa thành niên là cần thiết. Bởi vì, khi việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi xảy ra sẽ gây nhiều bất lợi cho trẻ, để giảm khả năng chấm dứt nuôi con nuôi thì việc áp dụng hạn chế quyền cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi khi có những lý do xác đáng là cần thiết.
Các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, bảo vệ trẻ em cần có sự tư vấn, giải thích hợp lý các quy định về việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con. Bởi vì trên thực tế, việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con là đúng nhưng bởi vì sự bao che, bảo lãnh từ chính phía gia đình nên việc đó khó thực thi trên thực tế.
Nhằm để việc áp dụng pháp luật được diễn ra đúng quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa các bên trong mối quan hệ ba chiều, giữa cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và con nuôi.
Đồng thời, pháp luật cũng cần quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa con nuôi với những người họ hàng thân thích của cha mẹ nuôi. Từ đó cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ có cơ sở pháp lý đúng đắn để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Trong trường hợp nếu cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi thỏa thuận lựa chọn việc nuôi con nuôi đầy đủ thì người con nuôi đó sẽ chấm dứt hoàn toàn quyền và nghĩa vụ đối với gia đình cha mẹ đẻ kể cả vấn đề thừa kế.
Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng, các biện pháp xử lý trong lĩnh vực nuôi con nuôi còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao. Trong thực tế vẫn xảy ra nhiều trường hợp mua bán trẻ em, xâm hại, bóc lột trẻ dưới hình thức nuôi con nuôi. Chính vì thế, việc nuôi con nuôi cần được quy định rõ ràng, cụ thể, xuất phát từ góc độ bảo vệ quyền lợi trẻ em được nhận làm con nuôi.
Pháp luật hiện hành còn nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn khách quan và chưa tương đồng với pháp luật các nước. Nuôi con nuôi lĩnh vực khá nhạy cảm, quan hệ xã hội này luôn có sự biến động phức tạp. Vì vậy để việc nuôi con nuôi được thực hiện một cách có hiệu quả và đúng mục đích, đảm bảo quyền lợi trẻ em, thì việc hoàn thiện pháp luật nuôi con nuôi là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thực tiễn.
THAM KHẢO THÊM: