Nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP? Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP?
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được ban hành đã đưa ra các quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hoạt động quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật PPP được xây dựng đã tạo ra một hành lang pháp lý nhằm mục đích để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP cũng như tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP. Hoạt động quản lý của nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP cũng rất được quan tâm. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về nội dung quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP:
Theo Điều 7 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định về nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP có nội dung như sau:
– Nguyên tắc đầu tiên đó là việc quản lý đầu tư theo phương thức PPP phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được hiểu đầy đủ là một hệ thống các phân tích, đánh giá và lựa chọn thể hiện những quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu của một quá trình phát triển mong muốn và sự nhất quán về con đường và các giải pháp cơ bản để thực hiện. Việc quản lý đầu tư theo phương thức PPP phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước là một nguyên tắc quan trọng góp phần quan trọng để hoạt động đầu tư theo phương thức PPP đi theo đúng hướng và đem đến những ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
– Nguyên tắc thứ hai là việc quản lý đầu tư theo phương thức PPP cần bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP.
Vai trò của các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP là vô cùng lớn. Các chủ thể khi tham gia dự án PPP cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này cũng như đảm bảo quản lý các nguồn lực đó theo đúng quy định của pháp luật.
– Việc thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát dự án PPP phải bảo đảm không làm cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh bình thường của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.
Trong bất cứ một lĩnh vực nào thì việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước đều có vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo hoạt động của lĩnh vực đó. Dự án PPP cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, khi thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát dự án PPP thì các chủ thể có thẩm quyền sẽ phải bảo đảm không làm cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh bình thường của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.
– Bảo đảm đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả.
Việc đầu tư theo phương thức PPP cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả. Nguyên tắc này được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực đầu tư và được ban hành nhằm mục đích để góp phần bảo đảm quyền lợi và sự công bằng trong quá trình đầu tư theo phương thức PPP.
– Nguyên tắc cuối cùng đó là phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
Đầu tư theo phương thức PPP chỉ được thực hiện khi bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng. Bất cứ một chủ thể nào được nêu trên gặp phải hạn chế hay bất lợi thì việc đầu tư theo phương thức PPP cũng đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý đầu tư theo phương thức PPP và căn cứ vào tính chất, mức độ sẽ có các hình thức, biện pháp xử lý cụ thể tuân theo đúng quy định của pháp luật.
2. Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP:
Điều 8 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định về nội dung quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP có nội dung như sau:
“1. Ban hành, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.
2. Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
3. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP; giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư.
5. Tổ chức và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế về đầu tư theo phương thức PPP.
6. Hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc về thủ tục theo đề nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP khi thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.”
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được hiểu là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Căn cứ quy định được nêu trên, ta nhận thấy, nội dung quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP được quy định như sau:
– Thứ nhất: Ban hành, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.
Với vai trò quan trọng của các dự án PPP thì việc nước ta ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP là vô cùng cần thiết để tạo ra một hành lang pháp lý nhằm mục đích để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Sau khi được ban hành thì các văn bản pháp luật này cần được cơ quan Nhà nước thực hiện tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện để các nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt thông tin khi tham gia đầu tư theo phương thức PPP.
– Thứ hai: Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Đối với báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP thì nội dung chủ yếu cần báo cáo bao gồm:
+ Tình hình triển khai thực hiện dự án PPP: thông tin cơ bản về các dự án PPP; tiến độ chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư; tình hình thực hiện hợp đồng dự án PPP.
+ Việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
+ Tình hình bố trí bộ máy nhân sự thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
+ Kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn, thách thức, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp.
Các chủ thể có thẩm quyền cần tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP để các cơ quan Nhà nước nắm bắt được tình hình thực tế của các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư theo phương thức PPP.
– Thứ ba: Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.
Các chủ thể tham gia đầu tư theo phương thức PPP thì sẽ cần phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật do thiếu hiểu biết hay vì lợi ích của cá nhân. Chính vì thế mà việc kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP là vô cùng quan trọng để đảm bảo việc tham gia đầu tư theo phương thức PPP của các chủ thể diễn ra theo đúng quy định.
– Thứ tư: Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP; giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư.
Khiếu nại, tố cáo là những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong quá trình tham gia đầu tư theo phương thức PPP nếu phát hiện có vi phạm các chủ thể có thể thực hiện khiếu nại, tố cáo. Cơ quan Nhà nước sẽ giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP; giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư.
– Thứ năm: Tổ chức và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế về đầu tư theo phương thức PPP.
Việc xúc tiến đầu tư là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các chủ thể cần tham gia hợp tác quốc tế về đầu tư theo phương thức PPP để hoạt động đầu tư ngày càng phát triển và đem đến những lợi ích quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
– Thứ sáu: Hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc về thủ tục theo đề nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP khi thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Khi tham gia thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP nhiều chủ thể vẫn chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này. Chính vì thế mà cơ quan Nhà nước cần hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc về thủ tục theo đề nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP khi thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.