Khái quát về giảm thiểu và quản lý chất thải? Quy định của pháp luật về giảm thiểu và quản lý chất thải?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và sự sự gia tăng dân số không ngừng tại Việt Nam đã khiến cho lượng chất thải ngày càng lớn, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực trạng đó đã đặt ra nhiều thách thức cho nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp tích cực, huy động sức lực toàn dân trong việc giảm thiểu và quản lý chất thải hiệu quả, trong đó việc đặt ra các quy phạm pháp luật có sức răn đe và ràng buộc là biện pháp quan trọng và tối ưu nhất. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về giảm thiểu và quản lý chất thải? Câu trả lời sẽ được Luật Dương Gia phân rõ trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.
1. Khái quát về giảm thiểu và quản lý chất thải?
Theo Khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, chất thải được hiểu là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Theo cách định nghĩa này, chất thải có thể dễ dàng nhận diện với 3 điều kiện: (1) chất thải tồn tại dưới các dạng vật chất cụ thể rắn lỏng, khí mà không bao gồm các yếu tố phi vật chất; (2) các dạng vật chất đó phải được chủ sở hữu loại bỏ khỏi các mục đích sử dụng một cách tự nguyện hoặc bắt buộc; (3) chất thải có nguồn gốc phát sinh từ mọi hoạt động vật chất của con người.
Giảm thiểu chất thải là một nôi dung nằm trong quản lý chất thải. Các văn bản hiện hành cũng không đưa ra bất kỳ giải thích nào về giảm thiểu chất thải, do đó, hiểu dưới góc độ ngôn ngữ, giảm thiểu chất thải là làm ít đi lượng chất thải phát sinh từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
Đối với khái niệm quản lý chất thải, theo nghĩa rộng, quản lý chất thải là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình con người sản sinh ra chất thải, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải, cũng như xác định quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể trong hoạt động các hoạt động nói trên. Theo nghĩa này, quản lý chất thải là một chế định trọng tâm của pháp luật môi trường. Vì xét cho cùng thì mục đích của việc quản lý chất thải cũng là nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống thông qua việc tận dụng khả năng có ích của chất thải và hạn chế mức thấp nhất tác hại đối với môi trường do chất thải gây ra.
Khái niệm quản lý chất thải hiểu theo nghĩa hẹp được quy định tại Khoản 15 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể: “Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.” Quản lý chất thải vừa là quá trình vừa là các hoạt động cũng thể. Chính vì đặc điểm này mà quản lý chất thải có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể.
2. Quy định của pháp luật về giảm thiểu và quản lý chất thải?
Quy định của pháp luật về giảm thiểu chất thải nằm trong nội dung về quản lý chất thải, bởi giảm thiểu chất thải là nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý chất thải, do đó trong phần này, tác giả sẽ tập trung chủ yếu vào các quy định về quản lý chất thải được quy định tại Chương IX Luật Bảo vệ môi trường. Nội dung thể hiện qua các quy định của pháp luật ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, nguyên tắc quản lý chất thải.
Nội dung này được pháp luật ghi nhận tại Điều 85, Luật bảo vệ môi trường; Điều 4 Nghị định 38/2015/NĐ-CP; trong đó, có một số yêu cầu, nguyên tắc điển hình sau:
– Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy.
Đây là yêu cầu quan trọng và được xác định là yêu cầu đầu tiên đói với hoạt động quản lý chất thải, việc quản lý chất thải tại nguồn cho đến khi được mang đi tiêu hủy nhằm đảm bảo sự kết nối chặt chẽ trong các khâu quản lý, thực hiện quản lý triệt để từng giai đoạn, tránh gây khó khăn, ảnh hưởng cho tới các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là ở khâu xử lý chất thải, nếu các giai đoạn phân loại, thu gom, vận chuyển không hiệu quả thì giai đoạn xử lý sẽ không đảm bảo được tính nhanh chóng, an toàn.
– Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.
Chất thải nguy hại có ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với môi trường và sức khỏe con người nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt, việc đặt ra nguyên tắc về việc phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại như trên là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo sự chắc chắn, an toàn và đặc biệt, hoạt động quản lý chất thải nguy hại cần nhiều yếu tố về nhận lực và tài lực hơn.
– Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn; kiểm toán môi trường đối với chất thải và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải.
Đây là nguyên tắc chi phối tới hành vi của tổ chức, cá nhân trong xã hội khi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Việc đặt ra nguyên tắc trên là tác động và khuyến khích tổ chức ,cá nhân giảm thiểu lượng chất thải ngay tại nguồn, là nguyên tắc hữu hiệu và giảm tải gánh nặng cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
– Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.
Thực tế thì phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các địa phương là không cao, việc đóng góp một khoản phí, dịch vụ nhằm thể hiện trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cũng là sự đóng góp tài chính để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải được diễn ra thông suốt, thường xuyên và tích cực.
Thứ hai, quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Nội dung quy định được ghi nhận tại Điều 96 Luật bảo vệ môi trường, theo đó:
“1. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng phải được phân loại.
2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.“
Quy định trên phản ánh hai vấn đề cơ bản:
(1) Việc phân loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.
– Tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm thay đổi tính chất của chất thải. (Khoản 12, Điều 3, Nghị định 38/2015/NĐ-CP).
– Tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải. (Khoản 14, Điều 3, Nghị định 38/2015/NĐ-CP).
– Thu hồi năng lượng từ chất thải là quá trình thu lại năng lượng từ việc chuyển hóa chất thải.(Khoản 15, Điều 3, Nghị định 38/2015/NĐ-CP).
Đây là các biện pháp tích cực, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu gánh nặng cho quá trình xử lý chất thải và cũng là biện pháp giảm thiểu chất thải.
Việc phân loại các loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng là điều cần thiết để xác định được các loại chất thải cần được xử lý và quản lý hiệu quả hơn.
(2) Trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.
Chủ thể có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải, điều này cũng hoàn toàn hợp lý nhằm gắn trách nhiệm của người phát sinh chất thải với chất thải, hơn nữa, họ cũng là người nắm rõ các loại chất thải mà mình thải ra, vì vậy, việc biết cái nào có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng là điều có thể làm được, hơn nữa, với việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, việc giảm thiếu chất thải có thể tự điều chỉnh được nếu chủ cơ sở muốn và tìm cách thức hiện.
Hoạt động quản lý chất thải thực sự rất đa dạng, đó là hoạt động phức tạp và cần sự phối hợp thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cá nhân, tổ chức được nhà nước trao quyền. Tuy nhiên, hoạt động quản lý chỉ thực sự hiệu quả khi ý thức của người dân được nâng cao, sự huy động lực lượng toàn dân trong công cuộc bảo vệ môi trường là điều bắt buộc phải thực hiện, mà không thể tách rời được. Trên đây chỉ là những quy định chung về quản lý chất thải, thực tiễn quy định của pháp luật còn phân thành quản lý chất thải nguy hại, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải y tế, ….tức là mỗi loại chất thải cụ thể sẽ có các quy định về cách thức quản lý sao cho hiệu quả và phù hợp nhất, các quy định chung chỉ nhằm giải quyết và tạo nền tảng cho hoạt động quản lý chất thải cụ thể.