Nhờ sự thể chế hóa pháp luật ngày càng cụ thể, hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam ngày càng được tăng cường và đạt những kết quả nhất định. Vậy pháp luật quy định như thế nào về nội dung hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam hiện nay?
Mục lục bài viết
1. Quy định về nội dung hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
1.1. Tính chất của hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Có thể nói, ngày 18 tháng 11 năm 1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh – hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất để tập hợp lực lượng nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đó đến nay, trong lịch sử cách mạng Việt Nam suốt chặng đường gần 80 năm không bao giờ vắng bóng tổ chức Mặt trận. Trải qua các thời kỳ cách mạng, với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mặt trận tổ quốc Việt Nam là một hình thức tổ chức của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong giai đoạn hiện nay.
Tính chất của hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 25 của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015, theo đó thì có thể thấy: Giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội và mang tính nhân dân sâu sắc, nhìn chung thì quá trình giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam thể hiện góc nhìn đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, của cộng đồng dân tộc nói chung, quá trình giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ kịp thời phát hiện ra những sai phạm và thiếu sót, kiến nghị xử lý sai phạm một cách nghiêm minh, phát hiện ra các khuyết điểm, từ đó tiến hành sửa đổi và bổ sung chính sách pháp luật, nhằm mục đích đưa pháp luật gần gũi hơn với quần chúng và khả thi hơn trên thực tế, quá trình giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ phát hiện và phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những Mặt tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, qua đó góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước Việt Nam trong sạch và vững mạnh.
1.2. Nội dung hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Nội dung giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 26 của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015, cụ thể như sau:
– Đối tượng giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam hiện nay chính là các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, giám sát các đại biểu dân cử, trong đó bao gồm cả các cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật;
– Nội dung giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam được pháp luật ghi nhận hiện nay đó là việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, chính sách của Đảng và chính quyền, thực hiện pháp luật trên thực tế, giám sát quá trình bảo vệ quyền lợi hợp pháp và lợi ích chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam;
– Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam hoặc theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức chính trị xã hội chủ trì hoạt động giám sát đối với các đối tượng và các nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình;
– Các tổ chức thành viên khác của Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ tiến hành hoạt động phối hợp với ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cung cấp nhằm mục đích thực hiện quá trình giám sát đối với các đối tượng và nội dung như đã phân tích ở trên, khi xét thấy các đối tượng và nội dung này có liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.
Như vậy theo như phân tích ở trên thì có thể thấy, nội dung giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam bao gồm những vấn đề cơ bản như:
– Việc thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước;
– Việc thực hiện pháp luật;
– Quá trình bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
2. Quy định về mục đích giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Mục đích giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 25 của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015, cụ thể như sau:
– Giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc các tổ chức thành viên khác của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tiến hành hoạt động đánh giá, theo dõi, xem xét, và kiến nghị đối với quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, quá trình hoạt động của các đại biểu dân cử, thậm chí là hoạt động của các cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước, thực thi pháp luật trên thực tế;
– Giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam mang tính chính trị xã hội, quá trình giám sát đại diện cho lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân, nhằm mục đích phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm và kiến nghị xử lý sai phạm, kiến nghị khắc phục các khuyết điểm còn tồn tại, kiến nghị sửa đổi và bổ sung các chính sách pháp luật, phát hiện và phổ biến những nhân tố mới, phát hiện các mặt tích cực, nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của người dân, qua đó góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch và vững mạnh;
– Hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, bảo đảm sự tham gia của người dân, bảo đảm tính công khai và minh bạch, sự có mặt đầy đủ của các thành viên trong Mặt trận tổ quốc Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng, đưa pháp luật đi sâu vào thực tế, thực hiện chế độ công khai và minh bạch, không chồng chéo và đúng quy định của pháp luật, không làm cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân được giám sát.
3. Một số giải pháp nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Để nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, thì có thể đưa ra một số giải pháp căn bản sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và thể chế hóa đối với các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Xây dựng kế hoạch và chương trình cụ thể, xác định rõ các hình thức giám sát và phản biện xã hội, xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận tổ quốc các cấp, thường xuyên tổng kết thực tiễn đối với hoạt động giám sát xã hội của Mặt trận tổ quốc các cấp.
Thứ hai, đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tổ quốc. Mặt trận tổ quốc được xem là bộ phận của hệ thống chính trị, vì thế việc đổi mới tổ chức và hoạt động của mặt trận không thể tách rời khỏi sự đổi mới của hệ thống chính trị, quá trình đổi mới của Mặt trận tổ quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cần phải tiến hành hoạt động đào tạo các cán bộ trở thành những người có tâm và có đức, yên tâm phục vụ công tác mặt trận, nâng cao đời sống của các cán bộ trong công tác mặt trận, đặc biệt là có chính sách thu hút các đội ngũ cán bộ trẻ, và có năng lực, có trình độ chuyên môn về công tác mặt trận.
Thứ ba, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng giám sát. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam cần phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp và nhiều ngành. Nâng cao toàn diện về chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam theo hướng hiệu quả và thiết thực, khắc phục tình trạng phô trương và hành chính hóa. Cần chú ý nhiều hơn về chiều sâu và tính bền vững của các chương trình hoạt động Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp và thu hút quần chúng nhân dân tham gia vào việc giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Mặt trận tổ quốc Việt Nam phải không ngừng nâng cao tính chủ động và sáng tạo trong quá trình đổi mới nội dung và phương thức giám sát, theo phương châm: Bám cơ sở – giải quyết nhanh chóng những vấn đề đặt ra từ cơ sở.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015.