Xác định sự thật của vụ án Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Điều 10 Bộ luật TTHS quy định: “Xác định sự thật của vụ án Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Như vây, Bộ luật TTHS xác định nguyên tắc này có những nội dung như sau:
Thứ nhất, trong quá trình tiến hành tố tụng, các Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án. Các biện pháp hợp pháp đó là các biện pháp do Bộ luật TTHS quy định, bao gồm các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ và các biện pháp khác do pháp luật quy định. Việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn này sẽ làm ảnh hưởng tới các quyền cơ bản của công dân do vậy, khi sử dụng các biện pháp đó, các Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật về việc áp dụng các biện pháp đó, không được sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để tiến hành làm rõ vụ án.
Thứ hai, để xác định sự thật của vụ án, Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án phải chứng minh một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ các vấn đề. Khách quan chính là việc xem xét vấn đề đúng với sự tồn tại của nó mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Do vậy, việc người tiến hành tố tụng suy diễn duy ý chí trong quá trình xác định sự thật là vi phạm nghiêm trọng tính chất khách quan của nguyên tắc này. Ngoài ra, việc xác định sự thật của vụ án nhất thiết phải coi trọng yếu tố toàn diện, không thể đánh giá vấn đề theo một phương diện nào đó. Muốn vậy, cần phải thu thập các nguồn thông tin, chứng cứ hay tiến hành các hoạt động khác một cách đầy đủ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, nội dung của việc xác định sự thật chính là trả lời các câu hỏi như: có hành vi phạm tội xảy ra hay không; thời gian, địa điểm và các tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay do vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích hoặc động cơ phạm tội; những tình tiết tăng nặng, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo….
Thứ tư, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, xác định sự thật vụ án. Bởi vì các cơ quan tiến hành tố tụng được Nhà nước thành lập và giao quyền áp dụng các biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định mới có điều kiện để xác định sự thật khách quan của vụ án.