Trả số tiền đã vay cho ngân hàng là một trong các nghĩa vụ của người vay ngân hàng. Vậy nợ ngân hàng quá hạn có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Mục lục bài viết
1. Nợ ngân hàng quá hạn có phải chịu trách nhiệm hình sự?
1.1. Nợ ngân hàng quá hạn:
Nợ quá hạn là khoản nợ tổ chức tín dụng mà người đi vay (cá nhân hoặc tổ chức) khi đến ngày phải trả nợ theo hợp đồng nhưng lại không thể trả gốc và lãi đúng theo trên hợp đồng. Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo đúng thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung của thông báo tối thiểu bao gồm có số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.
Trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay thì tổ chức tín dụng xem xét chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận việc tính tiền lãi phải trả phù hợp với quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi mà khách hàng vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay khi thực hiện việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng sẽ phải thông báo cho khách hàng của mình về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung của thông báo tối thiểu bao gồm có thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc mà bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm thực hiện chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.
Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng hoàn toàn có quyền áp dụng những biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và những quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành những nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng phải có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.
1.2. Nợ ngân hàng quá hạn có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Tổ chức tín dụng (ngân hàng) và khách hàng (người vay) là quan hệ giao dịch dân sự với nhau, thế nên, khi người vay nợ quá hạn thì các cách thức xử lý sẽ do hai bên thỏa thuận với nhau và theo quy định của pháp luật. Ngân hàng có quyền khởi kiện người vay ra tòa án nhân dân có thẩm quyền khi người vay không thực hiện đúng các thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, nếu người vay có một trong các hành vi sau thì ngân hàng có quyền nộp đơn tố cáo/tố giác ra cơ quan chức năng có thẩm quyền:
– Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đã vay của ngân hàng;
– Đến thời hạn trả lại khoản vay cho ngân hàng mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
– Đã sử dụng khoản tiền vay của ngân hàng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại số tiền đã vay,…
Sau khi cơ quan chức năng có thẩm quyền nhận đơn tố cáo/tố giác của ngân hàng và qua quá trình xác minh xác định được người vay tiền của ngân hàng có dấu hiệu tội phạm thì sẽ lập hồ sơ và khởi tố. Người vay sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như qua quá trình điều tra của cơ quan điều tra, xác định người vay đầy đủ các cấu thành tội phạm.
2. Những tội phạm mà người vay ngân hàng có thể bị truy cứu khi nợ quá hạn:
Như đã phân tích ở mục trên, ngân hàng có quyền nộp đơn tố cáo/tố giác ra cơ quan chức năng có thẩm quyền nếu người vay có dấu hiệu, hành vi phạm tội. Người vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội phạm sau:
2.1. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
Nếu người vay tiền ngân hàng có đủ các dấu hiệu tội phạm sau thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
– Thứ nhất, dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm: có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên
– Thứ hai, dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm: khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Ở đây, người vay xâm phạm đến tài sản (tiền) của ngân hàng.
– Thứ ba, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm:
+ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
+ Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
+ Ở đây, người vay có mục đích chiếm đoạt tiền của ngân hàng (có thể nguyên nhân dẫn đến mục đích chiếm đoạt tiền ngân hàng của người vay đó là do người vay không đủ kinh tế để trả hoặc có nhưng không muốn trả).
– Thứ tư, dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm: hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được cấu thành khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Giá trị của tài sản chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên;
+ Giá trị của tài sản chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản;
+ Giá trị của tài sản chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng đã bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Giá trị của tài sản chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Theo đó, dấu hiệu về mặt khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi người vay tiền của ngân hàng đó chính là:
– Người vay tiền của ngân hàng chiếm đoạt số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên;
– Người vay tiền của ngân hàng chiếm đoạt số tiền dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản;
– Người vay tiền của ngân hàng chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng đã bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Người vay tiền của ngân hàng chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ngoài ra, hành vi của người vay tiền ngân hàng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tin nhiệm chiếm đoạt tài sản còn qua những hành vi sau:
– Người vay tiền ngân hàng được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay;
– Sau khi có được tài sản người vay ngân hàng mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đã vay ngân hàng hoặc đến thời hạn trả lại tiền cho ngân hàng mặc dù người vay có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
– Người vay tiền ngân hàng sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tiền cho ngân hàng.
2.2. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Nếu người vay tiền ngân hàng có đủ các dấu hiệu tội phạm sau thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
– Thứ nhất, dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm: Có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.
– Thứ hai, dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm: người vay xâm phạm đến tài sản (tiền) của ngân hàng.
–Thứ ba, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm: là lỗi cố ý trực tiếp có nghĩa là người vay tiền ngân hàng nhận thức rõ hành vi của mình là gian dối, trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng mà vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra.
– Thứ tư, dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm:
+ Về hành vi: Người vay tiền ngân hàng có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ngân hàng như đưa thông tin không đúng sự thật bằng nhiều hình thức khác nhau để ngân hàng thực hiện thủ tục cho người này vay tiền. Mục đích của việc này là nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
+ Dấu hiệu khác:
++ Chiếm đoạt tiền của ngân hàng có giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm về tội chiếm đoạt tài sản hoặc gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
++ Nếu từ 2.000.000 đồng trở lên thì người chiếm đoạt tiền của ngân hàng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
– Bộ luật Hình sự 2015; sửa đổi bổ sung năm 2017