Khái quát về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Điều tra viên, Cán bộ điều tra? Những việc Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm?
Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là giai đoạn độc lập có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Chính vì vậy mà việc thực hiện điều tra vụ án hình sự là một nhiệm vụ hết sức phức tạp và đặc biệt, cần được quy định một cách chặt chẽ. Điều tra viên, Cán bộ điều tra là những chủ thể tiến hành tố tụng, thực hiện việc điều tra vụ án hình sự, khám phá sự thật khách quan của vụ án nên trong quá trình hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Điều tra viên, Cán bộ điều tra bên cạnh việc thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, có trách nhiệm với công việc thì cũng cần chú ý không rơi vào các trường hợp pháp luật quy định những việc mà họ không được làm. Bài viết này sẽ làm rõ về vấn đề những việc Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm.
Luật sư
Cơ sở pháp lý
– Luật Tổ chức cơ quan điều tra năm 2015
– Thông tư 126/2020/TT-BCA quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân
1. Khái quát về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Điều tra viên, Cán bộ điều tra?
Điều tra viên, Cán bộ điều tra đều là những người tiến hành tố tụng quan trọng trong tố tụng hình sự. Điều tra viên là người trực tiếp sử dụng các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện chức năng điều tra, thu thập chứng cứ làm rõ sự thật khách quan của vụ án hình sự, cụ thể tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trường Cơ quan điều tra, đồng thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự. Còn Cán bộ điều tra là người hỗ trợ, giúp đỡ Điều tra viên thực hiện một số thủ tục trong quá trình điều tra như lập hồ sơ, chuyển giao các quyết định,…
Điều tra viên, Cán bộ điều tra đều là những chủ thể quan trọng trong quá trình điều tra hình sự nói riêng và quá trình giải quyết vụ án nói chung. Bất kỳ một sai phạm nào, dù là nhỏ nhất, của Điều tra viên hay Cán bộ điều tra cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, ảnh hưởng quá trình tìm ra sự thật khách quan, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội. Chính vì vậy mà pháp luật đã quy định rất chặt chẽ nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, những trường hợp phải thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra khi xuất hiện những căn cứ ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư của họ khi thực hiện nhiệm vụ, và đặc biệt là những quy định về việc Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm.
2. Những việc Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm?
Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra năm 2015 quy định về những việc Điều tra viên không được làm như sau:
Thứ nhất, những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.
Theo đó, pháp luật quy định một số việc cán bộ, công chức không được làm như trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật;…(Bạn đọc có thể tham khảo thêm tại Luật Cán bộ, công chức 2008).
Bên cạnh đó, trong trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra công tác trong Quân đội nhân dân thì không được làm những việc mà pháp luật quy định cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm như sách nhiễu nhân dân, lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ, bí mật quân đội để vụ lợi;…
Thứ hai, tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra là những người tham gia trực tiếp vào quá trình thu thập chứng cứ, tìm kiếm sự thật khách quan của vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy mà việc tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị cán, bị cáo, đương sự hoặc những người tham gia tố tụng khác mà ảnh hưởng đến sự vô tư khi làm nhiệm vụ, làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật là điều nghiêm cấm Điều tra viên, Cán bộ điều tra thực hiện.
Thứ ba, can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.
Trong nhiều trường hợp trên thực tế, Điều tra viên, Cán bộ điều tra can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc như làm sai lệch hồ sơ thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đối với việc lợi dụng ảnh hưởng của mình để tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc để nhận lại lợi ích vật chất nào đó thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về các tội phạm chức vụ như lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, tội phạm về tham nhũng như nhận hối lộ,…
Thứ tư, đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
Trong quá trình tố tụng, các hồ sơ, tài liệu vụ án cần phải được bảo mật tối đa. Việc đưa các hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan có thể ảnh hưởng đến tính bảo mật đó, gây ảnh hưởng đến quá trình thu thập chứng cứ, làm rõ sự thật khách quan, ảnh hưởng quyền và lợi ích của các bên liên quan. Chính vì vậy, trong trường hợp người có thẩm quyền không cho phép thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được tự ý đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan.
Thứ năm, tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
Pháp luật quy định chặt chẽ về vấn đề này nhằm ngăn chặn tối đa những hành vi có thể ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư của Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Điều tra viên, Cán bộ điều tra chỉ được tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết đúng nơi quy định như tại Nhà tạm giữ, Trại Tạm giam, Cơ quan, đơn vị đang công tác,…
Nhìn vào quy định tại Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra năm 2015 thì điều luật mới chỉ dừng lại ở đối tượng là Điều tra viên. Chính vì vậy mà Thông tư 126/2020/TT-BCA quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân đã ra đời và có hiệu lực từ ngày 15/01/2021, ngoài việc bổ sung thêm đối tượng áp dụng, còn bổ sung thêm một số hành vi nghiêm cấm đối với Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm, cụ thể:
– Tự ý tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và đơn thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công; tự ý tiến hành các hoạt động điều tra không theo kế hoạch điều tra đã được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phê duyệt;
– Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, đồ vật, vật chứng của vụ việc, vụ án hoặc bằng các phương thức khác làm sai lệch nội dung vụ việc vụ án;
– Tiếp người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác ngoài trụ sở
– Ăn uống, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác.
– Lợi dụng danh nghĩa công tác để gặp gỡ, nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự, người tham gia tố tụng khác và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
– Bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào;
– Tiết lộ bí mật, thông tin, tài liệu vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai với người không có trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp cần cung cấp thông tin phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
– Cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ); trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, vụ việc.
– Gây phiền hà để người tham gia tố tụng hoặc công dân phải chờ đợi, đi lại nhiều lần;
Bên cạnh quy định về những việc điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm, thì trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, điều tra viên, cán bộ điều tra còn phải có trách nhiệm:
– Áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan để điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ.
– Tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra.
– Từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.
– Chấp hành quy định của pháp luật về những việc cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.
– Điều tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.
Thông qua những phân tích từ bài viết, bạn đọc đã có cho mình những thông tin hữu ích về những việc điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm. Trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về vấn đề này, Điều tra viên, Cán bộ điều tra ngoài việc bị cơ quan kỷ luật, còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đủ các dấu hiệu hình sự của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải hết sức lưu ý về vấn đề này.