Những vấn đề cần biết về quyết định hành chính. Phân loại quyết định hành chính theo quy định của pháp luật.
Những vấn đề cần biết về quyết định hành chính. Phân loại quyết định hành chính theo quy định của pháp luật.
1. Quyết định hành chính.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2010 thì “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về 1 vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lí hành chính được áp dụng 1 lần đối với 1 hoặc 1 số đối tượng cụ thể”.
Theo khoản 8 Điều 2 Luật khiếu nại 2011 thì “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về 1 vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước được áp dụng 1 lần đối với 1 hoặc 1 số đối tượng cụ thể”.
a. Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật.
Về tính quyền lực: việc thực hiện quyền lực nhà nước thường thể hiện duới hình thức là những quyết định bằng văn bản,trong số những quyết định thành văn bản đó thì những quyết định do các chủ thể quản lí hành chính ban hành rất nhiều. Tính quyền lực nhà nước trước hết thể hiện ở ngay hình thức của những quyết định,bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì chỉ cơ quan nhà nước mới được đơn phương ra quyết định pháp luật xuất phát từ những lợi ích chung.
Tính quyền lực, đơn phương của quyết định hành chính còn thể hiện rõ ở nội dung và mục đích của quyết định,quyết định hành chính luôn thể hiện tính mệnh lệnh rất cao,chính vì vậy tính quyền lực nhà nước còn thể hiện ở tính đảm bảo thi hành của quyết định.
Về tính pháp lí của quyết định: quyết định hành chính xuất hiện đã tác động ngay đến cơ chế điều chỉnh pháp luật,quyết định hành chính có thể đưa ra những biện pháp hoặc những chủ trương lớn trong lĩnh vực quản lí hành chính,ngoài ra,tính pháp lí của quyết định hành chính còn được thể hiện ở việc làm xuất hiện quy phạm pháp luật,thay thế hoặc hủy bỏ quy phạm pháp luật hoặc làm phát sinh,thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể.
b.Chủ thể ban hành quyết định hành chính
Chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, ban hành các quyết định hành chính bao gồm: Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.
– Chính phủ:
+ Căn cứ vào Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh; Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Chính phủ ra quyết định hành chính dưới hình thức Nghị định.
+ Căn cứ vào Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh; Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của chính phủ; Thủ tướng chính phủ ra quyết định hành chính dưới hình thức là quyết định.
– Các bộ, cơ quan ngang bộ:
Theo quy định của pháp luật thì Bộ và cơ quan ngang bộ là cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền chuyên môn,được sử dụng quyền hành pháp trong lĩnh vực chuyên môn do mình quản lí, để thực hiện quyền lực đó,người đứng đầu mỗi bộ,cơ quan ngang bộ đều ra quyết định hành chính dưới hình thức là những Thông tư.
– Ủy ban nhân dân các cấp.
Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định được quyền ra văn bản quy phạm pháp luật thi hành những văn bản đó Chủ tịch ủy ban nhân dân cũng có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính dưới hình thức Quyết định,Chỉ thị.
c.Trình tự ban hành quyết định hành chính.
Quyết định hành chính được xây dựng và ban hành theo hình thức, trình tự luật định.
– Soạn thảo, lấy ý kiến về quyết định: đây là giai đoạn tiếp theo của lập chương trình xây dựng quyết định song lại là khâu rất quan trọng, bởi lẽ ở giai đoạn này, mục đích của quyết định được thể hiện trong nội dung của dự thảo mà việc dự thảo từng loại quyết định không giống nhau, đồng thời lấy ý kiến của những người có liên quan để hoàn thiện hơn dự thảo để gần với thực tế.
– Thẩm định dự thảo: đây là khâu đánh giá quyết định hành chính cả về hình thức lẫn nội dung, việc đánh giá này phải thuộc về chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Trình dự thảo và thông qua dự thảo: sau khi thẩm định dự thảo thì quá trình tiếp theo là trình dự thảo và thông qua dự thảo,đại diện cơ quan soạn thảo sẽ trình dự thảo, thông qua dự thảo trên đa số thành viên thông qua bằng việc biểu quyết.
– Truyền đạt quyết định: về thực chất thì đây là việc đăng tải quyết định hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng một số hình thức khác nhằm thông tin đến các đối tượng thi hành.
d. Mục đích của quyết định hành chính
Quyết định hành chính nhằm đưa ra những chủ trương,biện pháp,đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lí hành chính,đây là những mục đích của việc ban hành quyết định hành chính.
2. Phân loại quyết định hành chính
Quyết định hành chính được phân làm nhiều loại,với mỗi tiêu trí khác nhau lại có cách phân chia khác nhau, cụ thể.
a. Căn cứ vào tính chất pháp lí
– Quyết định chủ đạo
Quyết định chủ đạo là loại quyết định mà các chủ thể có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích đưa ra những chủ trương, chính sách, những giải pháp lớn về quản lí hành chính Về hình thức thì những quyết định thuộc loại này thường là những nghị quyết.
– Quyết định quy phạm
Theo quy định của pháp luật thì chính phủ ra các quyết định quy phạm dưới hình thức là những nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra các quyết định quy phạm với hình thức là những quyết định,chỉ thị,bộ trưởng ra quyết định, chỉ thị; Ủy ban nhân dân các cấp ra quyết định,chỉ thị…
– Quyết định hành chính cá biệt
Quyết định hành chính cá biệt do cơ quan hành chính nhà nước ban hành hoặc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền quản lí hành chính ban hành, nhằm giải quyết các công việc cụ thể, đây là loại quyết định rất cần thiết được các chủ thể hành chính ban hành nhiều,quyết định hành chính cá biệt là quyết định áp dụng quy phạm pháp luật trên cơ sở quyết định chung và quyết định quy phạm của cơ quan cấp trên hoặc của chính cơ quan ban hành quyết định cá biệt đó,trong một số trường hợp nó cũng được ban hành trên cơ sở văn bản cá biệt của cấp trên.
>>> Luật sư
b. Căn cứ vào chủ thể ban hành quyết định.
– Quyết định hành chính của chính phủ,thủ tướng chính phủ.
– Quyết định hành chính của các bộ và cơ quan ngang bộ
– Quyết định hành chính của ủy ban nhân dân.
– Quyết định hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân.
– Quyết định hành chính liên tịch.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Quy trình khiếu nại quyết định hành chính
– Có bị xử phạt hành chính khi không chấp hành quyết định thi hành án
– Quy định về thời gian ra quyết định xử phạt hành chính
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật hành chính trực tuyến miễn phí
– Luật sư tư vấn xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
– Luật sư tư vấn về xử phạt hành chính hành vi gây mất trật tự sau 22h