Khái quát về những đối tượng, ngành học được hỗ trợ miễn học phí? Quy định về những đối tượng, ngành học được hỗ trợ miễn học phí?
Ngày nay, khi mà trí tuệ đã trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện quyền lực và sức mạnh của một quốc gia, thì các nước trên thế giới đều ý thức được rằng giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội, mà thực sự là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Các nước chậm tiến muốn phát triển nhanh phải hết sức quan tâm đến giáo dục và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển. Chỉ có một chiến lược phát triển con người đúng đắn mới giúp các nước thuộc thế giới thứ ba thoát khỏi sự nô lệ mới về kinh tế và công nghệ. Chính vì nhận thức điều đó, trong chính sách giáo dục của nước ta, đã có nhiều tích cực tác động tới học sinh, sinh viên, trong đó là quan trọng nhất là chính sách miễn học phí, nhằm giúp đỡ một số đối tượng nhất định được đến trường. Vậy những đối tượng đó là gì? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
1. Khái quát về những đối tượng, ngành học được hỗ trợ miễn học phí?
Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 99, Luật Giáo dục: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo.” Học phí có tác động rất lớn đến tỷ lệ người học có được đến trường hay không, bởi học phí càng cao thì số người được đến trường lại càng thấp, do không đủ khả năng để chi trả. Điều này, phải dẫn đến chính sách “miễn học phí” đối với một số đối tượng nhất định.
Miễn học phí là chính sách áp dụng đối với một số đối tượng đặc biệt, là số tiền mà nhà nước hỗ trợ chi trả cho người học chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Việc xác định chính sách miễn học phí đã được ghi nhận trong Khoản 2, Điều 85 Luật Giáo dục về chính sách đối với người học, trong đó nêu rõ: “2. Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.“. Từ quy định này, Nghị định 81/2021/NĐ-CP ra đời và cụ thể hóa các đối tượng sẽ được tác giả phân tích ở mục 2 dưới đây.
2. Quy định về những đối tượng, ngành học được hỗ trợ miễn học phí?
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, có 19 đối tượng được miễn học phí. Cụ thể:
(1) Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Các đối tượng này được ghi nhận tại Điều 3, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 do Ủy ban Thường vụ quốc hội ban hành, ví dụ: người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945. Đồng thời, các cá nhân này phải đang theo học tại các một trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (trong đó chủ yếu là giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ). Việc áp dụng miễn học phí với đối tượng này thể hiện sự quan tâm, tri ân và giúp đỡ những cá nhân đã có sự đóng góp trong sự nghiệp giữ nước.
(2) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật.
Đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh, sinh viên khuyết tật, đây là những trẻ em, học sinh, sinh viên có khiếm khuyết về cơ thể khiến cho hoạt động sinh hoạt, lao động và học tập khó khăn. Việc miễn học phí cho đối tượng này nhằm giúp đỡ học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn để đến trường, thực hiện chính sách hòa nhập công đồng, tránh những mặc cảm, tự ti đối với học sinh, sinh viên, cũng như thế hiện sự nhân văn trong chính sách giáo dục.
(3) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Việc xác định các đối tượng này thể hiện sự thống nhất trong chính sách áp dụng đối với cùng một chủ thể trên nhiều lĩnh vực và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật khác nhau. Các đối tượng được xác định trên đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, sự thiếu thốn không chỉ về tình cảm và còn những khó khăn khi không có sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ bố mẹ, trong khi đó, khả năng tìm kiếm thu nhập là gần như không có.
(4) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc xác định hộ nghèo dựa vào mức thu nhập bình quân đầu người và mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản theo Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH. Thông thường, việc xác định hộ nghèo phải được chứng minh thông qua các giấy tờ cụ thể.
(5) Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Việc miễn học phí đối với đối tượng này nhằm khuyến khích các em được đến trường, được tiếp xúc ban đầu với giáo dục quốc dân, được biết mặt chữ, nhận thức xung quanh, do điều kiện khách quan thực tế các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi học thực sự rất khó. Đây chủ yếu là chính sách thúc đẩy.
(6) Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 Điều này được miễn học phí từ năm học 2024 – 2025 (được hưởng từ ngày 01 tháng 9 năm 2024). Trẻ em mầm non 05 tuổi thuộc đối tượng này chỉ được miễn học phí trong một khoảng thời gian cố định, việc miễn học phí gắn với giai đoạn cụ thể có rất nhiều lí do, trong đó gắn với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong mục tiêu giáo dục tương lai.
(7) Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên) theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Học sinh, sinh viên cử tuyển là học sinh, sinh viên được tuyển sinh qua phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp, mà họ là người dân tộc thiểu số rất ít người hoặc người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. (Theo Nghị định 141/2020/NĐ-CP). Đối tượng này cũng khá đặc biệt, việc miễn học phí cũng mang tính chất đồng bộ trong quy định về chính sách đối với người học cử tuyển.
(8) Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học. Đây là học sinh các trường chuyên biệt được ghi nhận trong Luật Giáo dục, sự ra đời của các trường này có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục phổ thông đối với các đối tượng đặc biệt, chủ yếu là người dân tộc. Việc miễn giảm học phí xuất phát từ chủ thể là người học trong các trường này người dân tộc có những khó khăn nhất định.
(9) Sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các chuyên ngành này phải được học tập trong các trường đại học, cao đẳng. Nền tảng của ngành học này có vai trò cực kỳ quan trọng, việc miễn học phí giúp cho sinh viên chủ động học tập cũng như khuyến khích các học sinh tích cực tham gia đăng ký tuyển sinh vào các chuyên ngành này, để có một đội ngũ lao động trong tương lai nắm vững được các tư tưởng chi phối mọi hoạt động khác.
(10) Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước. Đây là các chuyên ngành cực kỳ khó và có tính ứng dụng cao, việc miễn học phí nhằm khuyến khích, thu hút các học sinh, sinh viên tích cực đăng ký tham gia học tập, nghiên cứu để mang lại nguồn nhân lực y tế quan trọng cho đất nước.
(11) Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.
Trình độ trung cấp thường tiến hành đào tạo nghề, đây là cấp học sau cao đẳng và đại học. Việc cho phép người tốt nghiệp trung học cơ sở, sau đó học tiếp lên trình độ trung cấp đồng thời miễn học phí cho họ là một chính sách khá đặc biệt, để thực hiện hoạt động nghề nghiệp đối với số cá nhân có mong muốn, đồng thời cũng giảm áp lực cho giáo dục đại học, cao đẳng.
(12) Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Danh mục này được ban hành kèm theo Thông tư 37/2017/TT-BLĐTBXH về Danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, ví dụ: Mỹ thuật: kỹ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc; Nghệ thuật biểu diễn: ca kịch Huế, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, …; Mỹ thuật ứng dụng: kỹ thuật sơn mài và khảm trai; Công nghệ kỹ thuật cơ khí: đóng mới thân tàu biển;
Bên cạnh các đối tượng này, còn có 7 nhóm đối tượng khác cũng có những nét tương đồng và ý nghĩa tương tự. Vì vậy, người đọc chỉ cần nắm bắt được các quy định trên là có thể hiểu trọn vẹn tinh thần được phản ánh tại Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP.