Dù là điện hay sét đều được coi là nguồn nguy hiểm cao đổi và đều có nguy cơ gây tử vong cao đối với con người. Trên thực tế đã có không ít những tường hợp mất mạng về điện giật, vì sét đánh. Vậy nhìn từ góc nhìn y pháp học thì tử thi được xác định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chết do điện:
Điện là một nguồn năng lượng quan trọng được sử dụng rất rộng rãi trong các xí nghiệp, công nông trường và trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của xã hội. Lợi ích của điện vô cùng lớn lao nhưng tai biến của nó cũng vô cùng nguy hiểm: một dòng điện cao thế tiếp xúc với người có thể phát hồ quang nung cháy cơ thể thành than. Dòng điện trong sinh hoạt qua cơ thể gây chớp nhoáng. Chập điện ở trạm biến thế, ở đường dây tải điện lớn tạo ra những vụ nổ và những đám cháy có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy sử dụng điện phải có hiểu biết tối thiểu về chức năng, đặc điểm của nó.
Có hai loại điện, mỗi loại có đặc điểm tác dụng khác nhau:
Điện một chiều: dòng điện một chiều gây hiện tượng phản lực làm di chuyển các ion, các chất điện ly và khi qua người nó làm thay đổi nồng độ dịch thể, gây nên một quá trình rối loạn điện giải rất phức tạp trong cơ thể. Dựa vào các đặc tính của nó, dòng điện một chiều được sử dụng trong chữa bệnh, gọi là “vật lý trị liệu”. Trong kỹ nghệ, thường dùng để sản xuất ắc quy, động cơ tàu điện,v.v… Điện một chiều ít nguy hiểm hơn điện xoay chiều từ 4 – 6 lần.
Điện xoay chiều: dòng điện xoay chiều có tác dụng kích thích (điện giật). Mức độ kích thích nhiều hay ít tùy thuộc vào tần số của dòng điện, tần số cao kích thích mạnh, tần số thấp kích thích yếu. Dòng điện xoay chiều cũng làm di chuyển ion như dòng điện một chiều nhưng theo hướng trái ngược ở mỗi 1/2 chu kỳ, nếu tần số cao thì sự vận chuyển ion lại không đáng kể không kích thích mạnh vì vậy người ta thấy dòng điện xoay chiều có tần số 10.000 hec (Hertz) trở lên có thể dùng chữa bệnh.
1.1. Sự nguy hiểm của dòng điện đối với cơ thể:
Sự nguy hiểm của dòng điện đối với cơ thể tuỳ thuộc vào: cường độ, điện thế, tần số, điện trở của da, điện xoay chiều hay điện một chiều và phương thức tiếp xúc cũng như thời gian tiếp xúc với điện.
Cường độ dòng điện giảm đi khi điện trở tăng đối với cơ thể.
(RM là điện trở cơ thể, RF là điện trở vật cách điện).
Cường độ 100mA có thể gây chết người, trái lại một lượng mA lớn ( ví dụ I = 330mA ) tỏa nhiệt rất cao chỉ làm cháy da tại nơi tiếp xúc với điện, nơi cháy đó trở thành than và than lại cách điện nên dòng điện không qua cơ thể nữa.
Toàn bộ điện trở của người khoảng 1000 – 2000 (ôm), điện trở qua da có ý nghĩa rất lớn vì thông số điện trở các vùng da trên cơ thể không đồng nhất, da bàn tay, bàn chân dày sừng hoá nên có điện trở cao hơn cả, da mềm mỏng ở mặt trong cánh tay, cẳng tay, đùi, bẹn và hố nách có điện trở thấp hơn. Da ướt điện trở giảm đi rất nhiều và khi diện tiếp xúc với da càng rộng điện trở cũng càng giảm, nghĩa là điện qua cơ thể nhanh mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Ngoài ra thời gian tiếp xúc với điện càng lâu thì càng nguy hiểm.
Điện thế: dòng điện cao thế ít khi gây chết người, trừ trường hợp đầu chạm vào dây dẫn. Tai nạn chết người chủ yếu xảy ra với dòng điện 220v hoặc 110v. Người ta nhận thấy sự chịu đựng điện vào cơ thể nam giới tốt hơn ở nữ giới, ở người khỏe mạnh tốt hơn người mắc bệnh mạn tính và nghiện rượu.
Bỏng điện
Mặc dầu sự nguy hiểm của dòng điện đối với cơ thể chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, song yếu tố quan trọng hàng đầu là mạch điện qua tim, ví dụ: điện vào tay trái qua chân phải, từ tay phải qua chân trái hoặc từ tay nọ sang tay kia.
Sự nguy hiểm của điện hầu như ai cũng biết nhưng đây đó người ta vẫn gặp những cái chết tang thương vì điện, như dùng điện bẫy chuột, chống trộm cắp, công nhân xây dựng nhà cao tầng vướng điện cao thế, thậm chí qua giám định Y pháp còn gặp trường hợp thương tâm, một gia đình có cháu trai 8 tuổi hiếu động, bố mẹ đi làm xích chân con vào giường, khung giường bằng sắt, khi cháu quờ quạng, giường di động chạm vào dây quạt điện hở làm cháu tử vong.
1.2. Cơ chế chết do điện:
Cơ chế chết do điện rất phức tạp, cơ chế nọ phối hợp với cơ chế kia đưa đến tử vong. Người ta có thể nêu 3 cơ chế chính:
Rung tâm thất: bình thường nhịp tim trung bình là 80 lần/phút, khi tâm thu đẩy máu vào đại tuần hoàn đi nuôi cơ thể và khi tâm trương hút máu về cũng là lúc động mạch vành được nuôi dưỡng, Khi dòng điện đi qua tim là 70-90A hoặc mạnh hơn, nhưng thời gian tiếp xúc ngắn đều có thể gây rung tâm thất, nghĩa là biên độ đập của tim rất nhanh, không phân biệt được nhịp, máu chưa về buồng thất, tim đã bóp làm cho động mạch vành không có máu nuôi cơ tim nên suy tim cấp, máu ứ ngoại biên không được trao đổi oxy, não thiếu oxy, toàn bộ cơ thể tê liệt nhưng nạn nhân có thể tỉnh táo vài giây rồi chết.
Liệt hô hấp: hậu quả tê liệt hô hấp khi cơ thể nạn nhân tiếp xúc với vật dẫn điện., khiến dòng điện qua cơ thể chưa đạt tới ngưỡng rung tim, gây ra hiện tượng cứng cơ toàn thân, trong đó có cơ hô hấp, làm nạn nhân ngừng thở và chết. Trong lúc ngừng thở tim có thể vẫn còn đập nhưng rất yếu. Cả hai cơ chế này lúc đầu ở trạng thái chết giả (chết lâm sàng) nên kiên trì cứu chữa, có thể cứu sống nạn nhân khoảng 20%. Liệt hô hấp còn gặp trong trường hợp dòng điện vào ở đầu, tác động trực tiếp vào não gây ức chế tức thời trung tâm hô hấp, nạn nhân chết rất nhanh chóng.
Chết do sốc bỏng điện: khi nạn nhân bị dính chặt vào vật dẫn điện ở vùng da, điện trở lớn gây tổn thương bỏng điện. Bỏng điện do bản thân dây dẫn bị nung đỏ, hoặc bỏng nhiệt điện do sức nóng điện trở tỏa ra khi luồng điện qua cơ thể. Sức nóng này ở sâu, làm hệ thống cơ hoại tử lan rộng, giải phóng myogolobin đưa đến choáng nặng và chết.
Ngoài 3 cơ chế gây tử vong do điện kể trên còn phải xét đến nguyên nhân gián tiếp do điện, nguyên nhân này thường gặp nhất nghĩa là dòng điện tiếp xúc với cơ thể không gây chết nhưng vì hốt hoảng, vì bị điện giật ngã va phải đồ vật xung quanh mà chết, để lại những thương tích trên cơ thể. Trong trường hợp này giám định viên Y Pháp phải tìm hiểu thương tích có trước khi bị điện giật hay trong khi bị điện giật?, quan sát kỹ hiện trường, nhất là các đồ vật có ở đó.
Muốn làm sáng tỏ việc này, giám định viên cần phải xem xét kỹ lưỡng các đặc điểm thương tích, đối chiếu với thực tế hiện trường để kết luận được chuẩn xác.
1.3. Giám định y pháp chết do điện:
* Khám ngoài:
Tìm vết điện vào (vết bỏng điện), vết hằn, vết dẫn điện, nếu tổn thương sâu, vết bỏng thường có màu nâu đen, xung quanh là một vòng trắng, nắn vùng này hơi chắc. Nếu nơi có điện vào diện rộng thì vết điện vào thường không rõ, hoặc không thấy quanh vết bỏng điện đôi khi có phồng da hoặc cháy thành than (điện cao thế).
Tìm dấu vết của dây dẫn trên vết bỏng: dùng lúp có thể thấy những mảnh bụi kim loại của dây dẫn điện, bụi màu nâu xám thuộc dây dẫn bằng sắt, xám đen là dây nhôm, xanh là dây đồng. Lấy tổ chức nơi ghi điện vào làm xét nghiệm tổ chức hoá học, điện di hay quang phổ ký, để xác định chất kim loại của dây dẫn điện.
Xét nghiệm vi thể: trên vết bỏng điện, thấy lớp sừng có khoảng trống các tế bào lớp gai kéo dài như hình hàng rào. Các sợi chun, sợi keo, sợi cơ vân, xoắn lại, tạo thành những vòng xoắn hoặc các hốc sáng, gần vết bỏng bắt màu kiềm tính.
* Khám trong: các phủ tạng không có tổn thương đặc hiệu, chủ yếu thấy não phù, các tạng xung huyết, có các chấm tụ máu nhỏ ở giác mạc, ở thành mạch ruột, trên mặt phổi. Cơ tim phù, xung huyết, có hồng cầu thoát quản.
Trong Y Pháp, chết vì điện thường do sơ xuất hoặc thiếu kiến thức trong lúc dùng điện, do tai nạn bất ngờ (mạch điện bị hở, dây điện bị đứt khi mưa bão, ngã vào mạch điện) do không chấp hành chế độ an toàn lao động. Tự tử bằng điện hoặc gây án mạng bằng điện hiếm gặp hơn.
2. Chết do sét đánh:
Chết do sét đánh thực chất là chết do một dòng điện từ không trung đi qua cơ thể. Hình thức chết này cũng thường gặp, nhất là mùa mưa bão. Sét xuất hiện về mùa hè khi có giông bão dưới hình thức một luồng điện có cường độ khoảng 20.000A, điện thế khoảng 20 triệu von toả ra từ đám mây xuống đất qua các vật cao, lúc tiếp xúc với mặt đất phát sinh ra tiếng nổ.Người trú mưa dưới cây cao hay bị sét đánh hơn những người ở ngoài trời. Số nạn nhân bị sét đánh mang trong người vật dẫn điện như dao, chìa khoá, đồng hồ v.v… chiếm khoảng 40%.
2.1. Cơ chế tác động của sét đánh trên người:
– Tác động trực tiếp: dòng điện cao thế của sét truyền thẳng vào cơ thể.
– Tác động của hơi ép, do không khí giãn quá đột ngột, xé rách quần áo hay làm bay mất quần áo.
– Tác động của tia lửa điện cao thế, phát ra chớp nhoáng một vài % giây gây nên bỏng điện ở da và phần mềm dưới da.
– Nếu trong người có đồ vật kim loại tại nơi điện vào và ra, các vật đó bị nóng chảy và nhiễm từ.
Chết do sét đánh thường là tổng hợp của nhiều cơ chế: dòng điện thể cao cùng với tia lửa điện phóng vào cơ thể làm cho cơ tim co thắt đột ngột, đồng thời tác dụng trên trung tâm hô hấp và thần kinh trung ương làm toàn bộ cơ thể tê liệt hoàn toàn.
2.2. Giám định y pháp chết do sét đánh:
* Khám ngoài:
Quần áo có thể bị hơi ép của không khí xé rách hoặc cháy xém bởi tia lửa điện, hay bị bay mất.
Trên mặt da khoảng giữa nơi điện vào và điện ra có những vết đỏ hình cành cây hay hình chân chim, v.v… đó là những dấu hiệu đặc trưng để xác định bị sét đánh. Những vết này có thể thấy trên tử thi hoặc người bị sét đánh còn sống.
Tại nơi sét vào và ra có vết bỏng độ 2 hoặc độ 3.
Nếu trong người nạn nhân mang vật kim loại (đồng hồ, chìa khoá, cặp tóc v.v…) cần tìm nơi nóng chảy và tính nhiễm từ của nó. Nếu luồng sét không tác động trực tiếp thì những kim loại đó chỉ bị cháy xém.
Tìm những tổn thương gián tiếp do sét đánh gây nên như gãy xương, các vết thương phần mềm, mảng tụ máu, bầm máu hoặc chấn thương sọ não. Những tổn thương này do sét dồn ép không khí đột ngột hất ngã hoặc tung nạn nhân lên cao, khi rơi xuống va vào đất đá, cây cối xung quanh.
* Khám nghiệm bên trong: mổ tử thi không thấy tổn thương đặc hiệu chủ yếu thấy các phủ tạng xung huyết. Có thể thấy vỡ sọ, xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng do rạn vỡ các cơ quan nội tạng do tác dụng gián tiếp của sét gây nên.
* Các dấu hiệu khác: muốn khẳng định nạn nhân chết có đúng do sét đánh hay không cần khám nghiệm tử thi toàn diện, tỷ mỉ, xem xét hiện trường chu đáo. Khi khám nghiệm hiện trường lưu ý tìm dấu vết do sét đánh gây ra: như cây cỏ có thể cháy xém, gãy cành, cột điện hoặc các vật cao bị gãy, có vết xém do sét lướt qua, tìm hiện tượng nhiễm từ của kim loại ở hiện trường nếu có. Tại hiện trường có thể ngửi thấy mùi đặc biệt của khí ôzôn do sét đánh toả ra mùi khét.
Chết do sét đánh không mang tính chất Y pháp nhưng có thể có kẻ lợi dụng khi mưa bão gây án rồi đặt tử thi tại nơi có sét đánh (án mạng giả hiện trường). Vì vậy cần nắm vững những đặc điểm của thương tích và của vật bằng kim loại để xác minh đúng nguyên nhân chết.