Nhằm bảo vệ tài nguyên rừng, việc quản lý và sử dụng đất rừng hiện nay phải được thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật. Vậy những chủ thể nào được phép quản lý và sử dụng đất rừng?
Mục lục bài viết
1. Những chủ thể nào được phép quản lý và sử dụng đất rừng?
Căn cứ Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định đất rừng là một trong những loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau:
– Rừng đặc dụng;
– Rừng phòng hộ;
– Rừng sản xuất.
Trong đó:
– Đất rừng sản xuất: Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp về lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
– Đất rừng phòng hộ: Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ về nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế về thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu.
– Đất rừng đặc dụng: rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo tồn nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn về di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp với du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Những chủ thể được phép quản lý và sử dụng đất rừng được quy định tại Luật Đất đai, cụ thể như sau:
1.1. Những chủ thể được phép quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên:
– Chủ thể được phép quản lý đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên: khoản 1 Điều 135 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho các tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Như vậy, chủ thể được phép quản lý đất rừng sản xuất là tổ chức quản lý rừng.
– Chủ thể được phép sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng: khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định sau đây:
+ Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức pháp luật quy định để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp;
+ Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam mà định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;
+ Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam mà định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
Như vậy, chủ thể được phép sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm:
– Hộ gia đình, cá nhân:
+ Sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp (là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp);
+ Thực hiện dự án đầu tư trồng rừng.
– Tổ chức kinh tế: Thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: thực hiện dự án đầu tư trồng rừng.
1.2. Những chủ thể được phép quản lý và sử dụng đất rừng phòng hộ:
Điều 136 Luật Đất đai 2013 quy định:
– Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để thực hiện quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
– Tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân mà đang sinh sống tại đó để bảo vệ, phát triển rừng; Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng.
– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và hiện đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và chưa có khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để tiến hành bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào các mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ mà thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
– Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng.
Qua các quy định trên, những chủ thể được phép quản lý và sử dụng đất rừng phòng hộ bao gồm:
– Những chủ thể được phép quản lý:
+ Tổ chức quản lý rừng phòng hộ;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Cộng đồng dân cư;
– Những chủ thể được phép sử dụng:
+ Hộ cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại rừng phòng hộ;
+ Tổ chức kinh tế;
+ Cộng đồng dân cư.
1.3. Những chủ thể được phép quản lý và sử dụng đất rừng đặc dụng:
Điều 137 Luật Đất đai 2013 quy định:
– Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, để bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
– Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn đất rừng đặc dụng ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cho hộ gia đình, cá nhân chưa có điều kiện chuyển ra khỏi khu vực đó để bảo vệ rừng.
– Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán đất rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái cho các hộ gia đình, cá nhân sinh sống ổn định tại khu vực đó để bảo vệ và phát triển rừng.
– Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất vùng đệm của rừng đặc dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về lâm nghiệp hoặc là kết hợp quốc phòng, an ninh theo đúng quy hoạch phát triển rừng của vùng đệm và được kết hợp sử dụng đất vào các mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc trong khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
Như vậy, những chủ thể được phép quản lý và sử dụng đất rừng đặc dụng bao gồm:
– Những chủ thể được phép quản lý:
+Tổ chức quản lý rừng;
+ Ủy ban nhân dân cấp;
+ Hộ gia đình, cá nhân chưa có điều kiện chuyển ra khỏi khu vực trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng (nếu được Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn).
– Những chủ thể được phép sử dụng:
+ Hộ gia đình, cá nhân sinh sống ổn định tại khu vực thuộc phân khu phục hồi sinh thái nếu được Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán;
+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nếu được Ủy ban nhân dân cấp quyết định giao đất, cho thuê đất vùng đệm của rừng đặc dụng để sử dụng vào các mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về lâm nghiệp hoặc là kết hợp quốc phòng, an ninh theo quy hoạch phát triển rừng của vùng đệm;
+ Tổ chức kinh tế nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thuê đất rừng đặc dụng mà thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
2. Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, sử dụng:
Căn cứ Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, Điều này quy định các nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng bao gồm:
– Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất; diện tích rừng hiện có tại địa phương.
– Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ cho quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.
– Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.
– Chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.
– Thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.
– Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất.
– Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không được phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.
– Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên việc giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư mà có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với các quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013
– Luật Lâm nghiệp 2017.