Kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm? Kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm? Kiểm sát kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm?
Trình tự, thủ tục trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tiếp nhận và kiểm sát nguồn tin về tội phạm.
Mục lục bài viết
1. Kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm:
Trình tự thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm là cách thức tổ chức, thực hiện việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan, tổ chức. Trình tự, thủ tục tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật khác nhau như Thông tư liên tịch số 06/2013, Thông tư liên tịch số 01/2018, Điều 145 BLTTHS năm 2015, quy định: “Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.
Điều 8 thông tư Liên tịch số 06/2013 của liên ngành Trung ương quy định: Tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố “1. Cơ quan điều tra trong công an nhân dân và Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực ban hình sự để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, phân loại và chuyển ngay cho các đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Đối với tố giác, tin báo về tội phạm khi nhận được qua đơn thư công văn kiến nghị hoặc các phương tiện thông tin đại chúng thì các cơ quan như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Bộ đội biên phòng, Cơ quan hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được tiến hành một số hoạt động điều tra phải tiếp nhận vào sổ tiếp nhận tin báo tố giác, tội phạm và kiến nghị khởi tố. Nếu các cá nhân trực tiếp đến để tố giác tội phạm tại cơ quan thì phải lập biên bản tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và có chữ ký của người tố giác. Trường hợp cá nhân tố giác tin báo về tội phạm qua điện thoại các phương tiện thông tin đại chúng thì phải tiếp nhận, ghi vào sổ tiếp nhận tin báo, tố giác, trường hợp đặc biệt có thể ghi âm, ghi hình. Đối với trường hợp người phạm tội tự thú thì phải lập biên bản tiếp nhận người phạm tội ra tự thú.
Các quy định về thủ tục tiếp nhận tố giác tin báo về tội phạm trong
Trường hợp phát hiện tin báo tố giác tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển tin báo, tố giác tội phạm kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu có liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát giải quyết. Công an xã, phường thị trấn, Đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận và tiến hành xác minh sơ bộ, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tin báo, tố giác tội phạm cùng tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Trường hợp Viện kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục thì trong thời hạn 05 ngày Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan đang thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết. BLTTHS năm 2015 đã khắc phục được nhược điểm của BLTTHS 2003 khi quy định rõ trường hợp Viện kiểm sát được trực tiếp thực hiện việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra có ý nghĩa quan trọng. Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát cần phải xác định được trình tự, thủ tục tiếp nhận, tin báo tố giác của các cơ quan có nhiệm vụ theo quy định. Trong quá trình kiểm sát việc tiếp nhận nếu phát hiện những vi phạm như: Không tiếp nhận mặc dù nguồn tố giác, tin báo về tội phạm là đúng quy định, đúng thủ tục thì Viện kiểm sát kiến nghị, yêu cầu khắc phục ngay. Ngoài ra Viện kiểm sát còn cần phải kiểm sát chặt chẽ việc lập sổ tiếp nhận, thụ lý, phân loại của Cơ quan có thẩm quyền điều tra cùng cấp đối với các tin báo, tố giác về tội phạm nhằm theo dõi kịp thời tình hình việc tiếp nhận đối với tin báo, tố giác về tội phạm. Việc kiểm sát tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm được cụ thể hóa bằng các công việc như sau:
Thứ nhất, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố do các cơ quan, tổ chức cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin. Sau khi vào sổ tiếp nhận, Viện kiểm sát phải chuyển tin báo, tố giác tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đây là nhiệm vụ được quy định cụ thể trong bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp các cá nhân, tổ chức đã đến Viện kiểm sát để tố giác, báo tin về tội phạm. Sau khi Viện kiểm sát chuyển tin báo, tố giác tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết viện kiểm sát phải trực tiếp kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm đó.
Thứ hai, Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. Trong giai đoạn này kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại tin báo, tố giác tội phạm của Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đầy đủ, kịp thời đến Viện kiểm sát. Sau khi nhận được thông báo kiểm sát viên sẽ cập nhật vào sổ theo dõi tin báo, tố giác tội phạm.
Khi phát hiện việc phân loại của cơ quan có thẩm quyền điều tra chưa chính xác, kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo viện để trao đổi với cơ quan điều tra khắc phục. Trong một số trường hợp cơ quan điều tra không ghi vào sổ thụ lý đầy đủ đối với tin báo, tố giác với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, việc kiểm sát của Viện kiểm sát trong giai đoạn này sẽ đảm bảo được việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm được tiến hành đầy đủ đúng theo quy định của pháp luật.
Hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của Viện kiểm sát là hoạt động có tính chất phức tạp. Ngoài việc nắm rõ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự còn phải nắm được các quy định liên quan đến việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cùng với đó Viện kiểm sát phải nắm được và hiểu được nghiệp vụ điều tra án hình sự của Cơ quan điều tra thì mới phát hiện được vi phạm của Cơ quan điều tra. Ngoài ra, Viện kiểm sát còn có nhiệm vụ kiểm sát việc chuyển tin báo, tố giác tội phạm để giải quyết theo thẩm quyền. Qua xác minh sơ bộ nếu thấy tin báo, tố giác tội phạm không thuộc thẩm quyền kiểm sát thì kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo để có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra chuyển tin báo đến cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết, đồng thời ra văn bản thông báo đến Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát để Viện kiểm sát nơi tiếp nhận tiến hành kiểm sát.
2. Kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm:
Theo quy định bộ luật tố tụng hình sự năm 2003,
Sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm Cơ quan điều tra phải tiến hành phân loại tin báo, tố giác thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay không. Nếu tin báo, tố giác thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm Thủ trưởng cơ quan điều tra phải ra Quyết định phân công điều tra viên, cán bộ điều tra tiến hành giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.
Đối với Cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra (Bộ đội biên phòng, Cơ quan hải quan, Cơ quan kiểm lâm, kiểm ngư, cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân) khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực mình quản lý mà tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm thì cấp trưởng trực tiếp chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, phân công Cán bộ điều tra thuộc quyền hoặc ra quyết định phân công cấp phó trong việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đồng thời thông báo bằng văn bản đến Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
Hoạt động kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là hoạt động quan trọng. Với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân và các văn bản có liên quan, Viện kiểm sát sẽ theo dõi liên tục, xuyên suốt trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm từ giai đoạn tiếp nhận, phân công người giải quyết, tiến hành ra yêu cầu xác minh, lập hồ sơ cho đến khi có kết quả giải quyết cuối cùng.
Trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm Cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động nghiệp vụ như: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Thông qua hoạt động kiểm tra, xác minh các tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan điều tra để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để từ đó ra Quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Trong giai đoạn này Kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm phải đề ra kế hoạch theo dõi, kiểm tra, kiểm sát chặt chẽ hoạt động của Điều tra viên. Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu xác minh ngay từ ban đầu và trong suốt quá trình kiểm sát việc giải quyết, đảm bảo cho kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm được chính xác, khách quan.
Trong yêu cầu kiểm tra xác minh, Kiểm sát viên phải nêu rõ vấn đề cần xác minh, đảm bảo tính xác thực, yêu cầu xác minh phải được lưu trong hồ sơ kiểm sát, trong quá trình kiểm sát nếu phát hiện những vấn đề cần xác minh thêm thì kiểm sát viên bổ sung những yêu cầu đó. Trong trường hợp điều tra viên không đồng ý với yêu cầu xác minh thì yêu cầu điều tra viên nêu rõ lý do và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để xem xét, kiến nghị với thủ trưởng cơ quan điều tra. Trường hợp thủ trưởng cơ quan điều tra không thực hiện đầy đủ yêu cầu thì phải nêu rõ trong kết luận.
Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN-PTNT-VKSNDTC thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định: Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thủ trưởng, phó thủ trưởng, cấp trưởng, cấp phó cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, chậm nhất năm ngày trước khi hết thời hạn quy định, thủ trưởng, phó thủ trưởng, cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nêu trên, viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền phải xem xét, quyết định.
Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 02 tháng. Trường hợp xét thấy đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng Viện kiểm sát ra văn bản thông báo nêu rõ lý do cho cơ quan đang thụ lý, giải quyết và cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải dừng việc kiểm tra, xác minh, ra một trong các quyết định quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Đây cũng là điểm mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nếu như trước kia theo quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định thời hạn giải quyết tin báo là 20 ngày và được gia hạn không quá 02 tháng đối với các tin báo, tố giác có tình tiết phức tạp thì nay ở Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã kéo dài thời gian giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm sau khi hết thời hạn 20 ngày kiểm tra xác minh và gia hạn không quá 02 tháng thì có thể gia hạn thêm 01 lần nhưng không quá 02 tháng, do đó thời gian giải quyết tố giác tin báo về tội phạm có thể kéo dài không quá 04 tháng. BLTTHS năm 2015 tăng thêm thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm là phù hợp với thực tiễn giải quyết, vì thực tế có những tin báo, tố giác tội phạm có nhiều đối tượng, tình tiết phức tạp… việc kiểm tra, xác minh sẽ gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo việc thực hiện theo đúng thời gian quy định (theo BLTTHS năm 2003). Do đó, việc quy định thời gian giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có thể kéo dài không quá 04 tháng giúp cho cơ quan điều tra, các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra có thể giải quyết được triệt để những vấn đề trong giai đoạn này.
Trong quá trình kiểm sát, Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ nội dụng, nếu nội dung rõ ràng, xác thực thì Viện kiểm sát có thể yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định giải quyết ngay mà không cần thiết phải chờ hết thời hạn giải quyết. Nếu trong trường hợp nói trên mà CQĐT vẫn để kéo dài thời gian thì Viện kiểm sát cần có biện pháp nghiệp vụ cụ thể như kiến nghị, yêu cầu để đảm bảo việc giải quyết được nhanh chóng, kịp thời.
3. Kiểm sát kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm:
BLTTHS năm 2015 quy định sau khi hết thời hạn xác minh, giải quyết thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải ra một trong các quyết định sau: quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo. Quy định về tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về | tội phạm là những quy định mới trong BLTTHS năm 2015, theo đó Cơ quan điều tra được tạm đình chỉ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm khi thuộc một trong các trường hợp sau: thứ nhất, đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; thứ hai, đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
Nhiệm vụ của Viện kiểm sát là kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của các lý do tạm đình chỉ có đúng hay không. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra, Cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát và gửi quyết định tạm đình chỉ đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm. Nếu quyết định tạm đình chỉ là không có căn cứ Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm. Khi lý do tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền, cơ quan tổ chức cá nhân đã tố giác, tin báo về tội phạm. Sau khi có quyết định phục hồi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm thời hạn giải quyết 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 149 BLTTHS năm 2015 thì khi lý do tạm đình chỉ không còn thì ra quyết định phục hồi giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, nhưng điều luật lại không quy định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền ra quyết định phục hồi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.