Nhập cảnh trái phép là gì? Vượt biên trái phép là gì? Quy định về việc xử lý nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép?Quy định về việc xử lý việc tổ chức nhập cảnh trái phép, tổ chức vượt biên trái phép?
Nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phái để xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam là những vấn đề nhức nhối được nhắc tới rất nhiều trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 trong suốt hơn một năm qua. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề mới xuất hiện mà nó đã tồn tại và diễn biến phức tạp trong rất nhiều năm qua. Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định xử lý cụ thể về vấn đề này, song việc kiểm soát và xử lý vẫn gặp rất nhiều những khó khăn.
Căn cứ pháp lý:
–
–
Mục lục bài viết
- 1 1. Nhập cảnh trái phép là gì?
- 2 2. Vượt biên trái phép là gì?
- 3 3. Đối với hành vi nhập cảnh trái phép:
- 4 4. Đối với hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép:
- 5 5. Đối với hành vi vượt biên trái phép:
- 6 6. Đối với hành vi tổ chức vượt biên trái phép:
- 7 7. Những vấn đề khó khăn trong việc xử lý nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép vào Việt Nam:
- 8 8. Kiến nghị thay đổi mức xử lý đối với các hành vi nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép vào Việt Nam:
1. Nhập cảnh trái phép là gì?
Nhập cảnh trái phép là hành vi từ ngoài biên giới Việt Nam vào Việt Nam trái với những quy định về nhập cảnh của Nhạ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Vượt biên trái phép là gì?
Vượt biên trái phép là hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật.
3. Đối với hành vi nhập cảnh trái phép:
Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính:
Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
– Người có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
– Người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Theo đó, những người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là những người nhập cảnh vào Việt Nam mặc dù không đủ điều kiện để nhập cảnh, chưa được cấp phép để vào Việt Nam, ví dụ như không có thị thực, hoặc có nhưng đó là các giấy giờ giả mạo.
Ngoài ra, nếu người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Xử lý hình sự:
Căn cứ tại Điều 347 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
“Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ xảy ra khi một người nhập cảnh trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Như vậy, nếu một người nhập cảnh trái phép bị xử lý lần đầu thì dù có dẫn đến hệ quả gây nguy hiểm cho xã hội cũng chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội này mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
4. Đối với hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép:
Việc nhập cảnh trái phép không thể diễn ra trót lọt nếu không có sự tiếp tay của những người tổ chức, môi giới vốn hiểu rõ tình hình trong nước với những tính toán cẩn thận trong từng đường đi, nước bước. Hành vi này gây nguy hiểm tiềm ẩn đối với tình hình an ninh, trật tự xã hội nếu lặp đi lặp lại nhiều lần với số lượng lớn người nhập cảnh trái phép mà không bị phát hiện kịp thời.
Trách nhiệm pháp lý mà pháp luật Việt Nam quy định đối với hành vi tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép nghiêm khắc và nặng hơn so với hành vi nhập cảnh trái phép. Người có hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính:
Căn cứ tại Điểm đ Khoản 6 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định người có hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép bị phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng.
Xử lý hình sự:
Căn cứ Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 quy định:
” 1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo đó, tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép được hiểu là hành vi dụ dỗ, lôi kéo, tạo điều kiện, sắp xếp để người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Còn môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép được hiểu là hành vi làm trung gian giữa các bên để thu xếp cho người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Yếu tố bắt buộc trong mặt chủ quan cần phải chứng minh là người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý và mục đích vụ lợi.
5. Đối với hành vi vượt biên trái phép:
Căn cứ tại Điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định thì bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
6. Đối với hành vi tổ chức vượt biên trái phép:
Đối với người tổ chức cho người khác vượt biên trái phép ra khỏi Việt Nam, ở lại nước ngoài trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 349 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể như sau:
” 1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
7. Những vấn đề khó khăn trong việc xử lý nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép vào Việt Nam:
Chế tài đối với các hành vi nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép theo pháp luật Việt Nam dường như chưa đủ sức răn đe. Tại Việt Nam, số lượng vụ án nhập cảnh trái phép được đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự là vô cùng hiếm, chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với quy định về xử phạt vi phạm hành chính tương đối nhẹ khi số tiền phạt chỉ dao động từ 3 triệu đến 25 triệu đồng, đã khiến hành vi nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép diễn ra thường xuyên. Đặc biệt khi đường biên giới của Việt Nam rất dài, tiếp giáp với ba quốc gia khác nhau nên những người nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép có thể tìm được nhiều đường mòn, lối mở để đi vào Việt Nam mà không bị phát hiện.
Qua đó, có thể thấy, từ quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý người nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép đến thực tiễn thi hành còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng quy định pháp luật, bởi lẽ việc xác định một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hay chưa không hề dễ dàng khi những đối tượng này sẽ đi những đường mòn, lỗi mở khác nhau, qua những tỉnh khác nhau mỗi lần nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự rất khó thực hiện nếu không có một hệ thống dữ liệu mang tính liên thông giữa các tỉnh thành để thống kê, theo dõi những người đã bị xử lý vi phạm hành chính.
8. Kiến nghị thay đổi mức xử lý đối với các hành vi nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép vào Việt Nam:
– Cần tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép. Bởi lẽ với mức xử phạt hành chính thấp như hiện nay là chưa đủ sự răn đe.
Thực tế đã chứng minh điều này khi những hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép diễn ra rất thường xuyên và phổ biến dù đã có những trường hợp bị phạt trước đó. Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình kiểm soát dịch Covid-19 thì vẫn có rất nhiều người bất chấp pháp luật, tiếp tục vi phạm những quy định về xuất nhập cảnh.
– Sửa đổi quy định về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 347 Bộ luật hình sự 2015 và quy định về tội vượt biên trái phép tại Điều 249 Bộ luật hình sự theo hướng dựa trên mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi đối với xã hội chứ không dựa vào số lần xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ luật hình sự cần con số dự liệu và bổ sung những tình huống có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội phát sinh từ những hành vi nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép như là một yếu tố cần thiết về mặt khách quan của tội phạm. Đồng thời, chúng tôi cho rằng cần phải quy định hình phạt bổ sung tịch thu các khoản lợi bất chính từ hành vi tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép, vượt biên trái phép.