Nhãn hiệu là gì? Đặc điểm của nhãn hiệu? Phân loại các loại nhãn hiệu? Phân biệt giữa nhãn hiệu và tên thương mại?
Cá nhân, tổ chức sử dụng tài sản trí tuệ của mình là nhãn hiệu với mục đích truyền tải đến người tiêu dùng về chất lượng, độ uy tín của sản phẩm, dịch vụ. Việc sử dụng nhãn hiệu như một công cụ marketing hiệu quả và tác động đến người tiêu dùng nhận biết, nhớ đến hàng hóa, dịch vụ của mình. Hiện nay, ngoài nhãn hiệu là dấu hiệu phân biệt thì còn có tên thương mại.
Mục lục bài viết
1. Nhãn hiệu là gì?
Theo Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu là dấu hiệu mà cá nhân, tổ chức sử dụng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của mình so với các cá nhân, tổ chức là khác nhau.
Nhìn chung, tất cả các nội dung và hình thức của nhãn hiệu đều được tính là dấu hiệu để phân biệt. Ví dụ như: chữ, số, kích thước, hình vẽ, màu sắc, hiệu ứng, … hoặc là sự kết hợp của tất cả các nội dung này đều được xem là những yếu tố của dấu hiệu sử dụng có tác dụng phân biệt hàng hóa, dịch vụ.
Thực tế, tại một số nước còn công nhận các khẩu hiệu quảng cáo là nhãn hiệu, kể cả Việt Nam như “Khơi nguồn sáng tạo” của Cà phê Trung Nguyên hay “Viết nên cuộc sống” của bút bi Thiên Long. Hay như một số nước còn công nhận cả nhãn hiệu với hình dáng, kiểu dáng ba chiều (ví dụ như kiểu dáng chai coca-cola,…) hay nhãn hiệu về yếu tố âm thanh (tiếng gầm của sư tử mở đầu hãng phim được sản xuất bởi tập đoàn Metro-Goldwyn-Mayer),….
2. Đặc điểm của nhãn hiệu:
Đặc điểm về nhãn hiệu này dựa trên khái niệm của Luật Sở hữu trí tuệ mà pháp luật Việt Nam đưa ra.
+ Là dấu hiệu nhìn thấy được: tức nhãn hiệu phải được người tiêu dùng bằng thị giác của mình nhìn nhận được để phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân khác. Do đặc điểm này nên các dấu hiệu được sử dụng các dấu hiệu mà người tiêu dùng chỉ cảm nhận được bằng khứu giác hay thính giác thì không được công nhận là nhãn hiệu.
+ Là dấu hiệu có khả năng phân biệt: nhãn hiệu phải có tác dụng và thể hiện chức năng của mình là phân biệt, nếu nhãn hiệu gây hiểu nhầm, nhầm lẫn cho hàng hóa, dịch vụ thì không thể được chấp nhận đăng ký bảo hộ.
3. Phân loại nhãn hiệu:
+ Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu là các thành viên của tổ chức sử dụng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ không phải của tổ chức đó.
+ Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu được sử dụng với mục đích chứng nhận các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ, như là nguyên vật liệu làm ra hàng hóa, nguồn gốc của hàng hóa, cách thức sản xuất, chất lượng của sản phẩm,….
+ Nhãn hiệu liên kết: là nhãn hiệu dùng cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tính chất tương tự nhau, cùng loại hoặc có liên quan với nhau, có thể có các yếu tố trùng hoặc tương tự nhau và do một chủ thể đăng ký.
+ Nhãn hiệu nổi tiếng: là nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi, công khai và được tất cả người tiêu dùng Việt Nam, thậm chí người tiêu dùng nước ngoài biết đến.
4. Phân biệt giữa nhãn hiệu và tên thương mại:
Nhãn hiệu hay tên thương mại thì đều là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa. Hai dấu hiệu này đều là dấu hiện hiện hữu, nhìn thấy được, giúp người tiêu dùng biết được các loại hàng hóa khác nhau. Tuy nhiên thì nhãn hiệu với tên thương mại có những điểm khác biệt rõ nét để phân biệt sau:
Thứ nhất, về khái niệm
Ngay từ trong khái niệm theo quy định pháp luật giải thích thì khái niệm của nhãn hiệu và tên thương mại đã khác nhau hoàn toàn.
Nhãn hiệu là dấu hiệu mà cá nhân, tổ chức sử dụng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của mình so với các cá nhân, tổ chức là khác nhau.
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Thứ hai, về căn cứ xác lập
+ Đối với nhãn hiệu thì cần thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo hộ. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ phải trải qua một quá trình thẩm định nội dung thì mới được cấp văn bằng bảo hộ.
+ Đối với tên thương mại thì không cần thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm vẫn được bảo hộ. Tức là việc sử dụng hợp pháp tên thương mại qua việc đăng ký kinh doanh là tên thương mại này đương nhiên được bảo hộ. Theo quy định thì tên thương mại đương nhiên được bảo hộ dựa trên việc “sử dụng hợp pháp tên thương mại” nhưng theo các văn bản hướng dẫn chưa hề đưa ra việc giải thích như thế nào là sử dụng hợp pháp. Thêm nữa là phạm vi sử dụng tên thương mại cũng chưa được quy định cụ thể.
Việc sử dụng điểm khác biệt này để phân biệt nhãn hiệu và tên thương mại trên thực tế vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Hiện nay thì việc đăng ký nhãn hiệu còn nhiều bất cập do quy trình thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ cần trải qua khoảng thời gian khá dài với nhiều nội dung nhưng khả năng đánh giá lại chưa đạt được kết quả tốt nhất. Việc đánh giá, kiểm tra dấu hiệu này có tương tự hay gây nhầm lẫn hay không vẫn chưa được chặt chẽ.
Cụ thể như việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu thì việc tra cứu yếu tố trùng lẫn của nhãn hiệu không bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về tên doanh nghiệp được đăng ký thành lập hợp pháp ở Việt Nam. Không chỉ nhãn hiệu mà tên thương mại hiện nay cũng chưa được bảo hộ về tính tương tự, trùng lập. Trong việc tạo dựng quyền của tên thương mại cần được xem xét và nhận nhận từ cả cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của
Tuy nhiên, việc kiểm tra một tên doanh nghiệp có trùng với nhãn hiệu đang được bảo hộ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đăng ký kinh doanh chứ cơ quan đăng ký kinh doanh chưa thực hiện việc kiểm tra này. Để hạn chế việc sử dụng nhãn hiệu đang được đăng ký làm tên doanh nghiệp thì pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích người thực hiện đăng ký kinh doanh nên tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về nhãn hiệu chứ chưa hề quy định bắt buộc trách nhiệm cũng như các chế tài xử phạt khi có sai phạm.
Thứ ba, về chức năng:
Đối với nhãn hiệu: để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Đối với tên thương mại: để phân biệt chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ này với chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khác.
Thứ tư, về thời hạn
Đối với nhãn hiệu thì thời hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày nộp đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu và thời hạn 10 năm này bắt đầu có hiệu lực bắt đầu từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Khi hết thời hạn này có thể gia hạn thêm nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn được thêm 10 năm.
Còn đối với tên thương mại thì thời hạn là đến khi tên thương mại này không còn được sử dụng hợp pháp nữa.
Thứ năm, về phạm vi bảo hộ
Đối với nhãn hiệu thì phạm vi bảo hộ là trên lãnh thổ Việt Nam.
Còn đối với tên thương mại thì phạm vi bảo hộ chỉ trong khu vực kinh doanh và trong cùng lĩnh vực kinh doanh.
Thứ sáu, về điều kiện hạn chế chuyển nhượng
Đối với nhãn hiệu thì việc chuyển nhượng chỉ bị một điều kiện hạn chế đó là không được gây nhầm lẫn về hai đặc điểm là nguồn gốc và đặc tính của hàng hóa, dịch vụ.
Còn đối với tên thương mại thì điều kiện hạn chế chuyển nhượng đó là việc chuyển nhượng tên thương mại sẽ bắt buộc đi kèm theo việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở hoạt động kinh doanh và hoạt động kinh doanh sử dụng tên thương mại này.