Kết quả nhận dạng đánh giá mức độ chính xác và giá trị chứng minh của nó đối với vụ án. Việc nhận dạng có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả điều tra vụ án cho nên khi tổ chức nhận dạng phải đáp ứng những tiêu chí nhất định, việc đánh giá phải có thái độ hết sức thận trọng và khách quan.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm nhận dạng:
Nhận dạng trong điều tra hình sự là việc điều tra viên tổ chức cho một người tri giác, so sánh nhận lại một đối tượng hiện tại với một đối tượng mà họ đã biết trước đây trong mối quan hệ với sự kiện đang điều tra nhằm xác định xem có phải là đồng nhất hay còn nghi ngờ hoặc khác biệt.
Nhận dạng trong điều tra hình sự vừa là hoạt động tố tụng vừa là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan điều tra.
Thực chất của hoạt động điều tra này là điều tra viên tổ chức cho người nhận dạng tiến hành nhân dạng.
Người nhận dạng trước đó đã tri giác và ghi nhớ được đặc điểm của đối tượng có liên quan đến vụ án đang điều tra. Khi điều tra viên tổ chức cho họ nhận dạng thì họ sẽ tiến hành tri giác các đối tượng trong cuộc nhận dạng rồi phân tích, so sánh đối chiếu với đặc điểm của đối tượng họ đã biết trước đây để rút ra kết luận.
Người nhận dạng bao gồm bị can, người làm chứng, người bị hại.
Đối tượng nhận dạng bao gồm : người sống ( đặc điểm bên ngoài, tiếng nói ); tử thi; vật.
2. Tác dụng của nhận dạng:
Nhận dạng giúp phần phát hiện ra thủ phạm, vật chứng, người bị hại của vụ án.
– Góp phần thẩm tra xác minh những tài liệu đã thu thập được trong vụ án như tài liệu thu thập được qua công tác điều tra, tài liệu của quần chúng cung cấp, góp phần phát hiện và làm rõ thêm những tài liệu khác có liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
– Góp phần vào việc nhận định tính chất của vụ án, đề ra phương pháp, biện pháp điều tra và làm rõ hành vi phạm tội của từng bị can trong vụ án.
– Ngoài ra còn góp phần xác định tung tích, lai lịch nạn nhân, tài sản XHCN hoặc của nhân dân bị thất lạc.
Đánh giá đúng ý nghĩa của nhận dạng có tác dụng quan trọng trong công việc sử dụng kết quả của công tác nhận dạng. Đánh giá quá cao hay quá thấp đều có thể dẫn đến sai lầm trong công tác đấu tranh chống tội phạm.
3. Những trường hợp cần và những trường hợp không được tổ chức nhận dạng:
3.1. Điều kiện chọn trường hợp đưa ra nhận dạng:
Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “khi cần thiết, điều tra viên có thể mời người hoặc đưa vật, ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can nhận dạng”. Tuy vậy để việc nhận dạng đảm bảo thu được kết quả tốt, tránh được những sai Đầm lệch lạc, khi đưa người, vật, ảnh ra nhận dạng phải tuân thủ các điều kiện sau:
Chỉ tổ chức nhận dạng khi có yêu cầu điều tra đặt ra cần phải tổ chức nhận dạng mới giải quyết được hoặc tổ chức nhận dạng để hỗ trợ với các biện pháp khác giải quyết được trọn vẹn yêu cầu điều tra hay tổ chức nhận dạng là biện pháp tối ưu nhất để giải quyết yêu cầu điều tra đó.
Chỉ tổ chức nhận dạng khi người nhận dạng và đối tượng nhận dạng ở trạng thái bình thường, có thể đảm bảo cho cuộc nhận dạng diễn ra khách quan.
Người nhận dạng ở trạng thái bình thường nghĩa là người đó phải không có những thay đổi lớn về thể chất và tinh thần ảnh hưởng tới việc nhận dạng so với khi trị giác đối tượng trước đây; người đó phải thực sự tự nguyện tham gia vào cuộc nhận dạng.
Đối tượng nhận dạng phải ở trạng thái bình thường nghĩa là nó vẫn còn giữ được các đặc điểm như lời khai của người nhận dạng hoặc tương tự như vậy.
Hai điều kiện trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, khi xét quyết định tổ chức nhận dạng phải đảm bảo cả hai điều kiện này.
3.2. Những trường hợp cần tổ chức nhận dạng:
a/ Nhân dạng người sống.
– Trường hợp kẻ phạm tội gây án mà người bị hại hoặc một số người nào đấy trông thấy còn nhận biết được một số đặc điểm của kẻ phạm tội thì có thể tổ chức nhận dạng để xác định kẻ phạm tội.
– Trường hợp có đồng phạm mà yếu tố chúng không biết tên và địa chỉ của nhau. Nếu thuyết phục được một tên trong bọn chúng có thể cho nhận dạng những tên khác.
– Bị can trong vụ án đang điều tra mà còn phạm tội khác có người biết cũng có thể tổ chức nhận dạng.
– Để xác định vai trò, vị trí của từng bị can trong vụ án có thể cho người bị hại, người làm chứng nhận dạng.
– Có thể cho bị can nhận dạng để xác định người bị hại trong vụ án.
b/ Nhân dạng tử thi :
Khi có các vụ án mạng xảy ra mà ta chưa xác định tung tích, lai lịch nạn nhân thì ta phải tổ chức nhận dạng tử thi.
– Khi có xác chết chưa rõ nguyên nhân và chưa biết tung tích, lai lịch của họ thì cũng cần nhận dạng tử thi để qua đó xác định có phải là có vụ án mạng hay không. Đôi khi đây là yêu cầu cấp bách hàng đầu để mở ra một cuộc điều tra hình sự.
c/ Nhân dạng đồ vật, súc vật.
– Nhận dạng đồ vật, súc vật nhằm xác định chủ nhân của nó, qua đó mà giải quyết các yêu cầu điều tra vụ án.
Có thể tổ chức nhận dạng đồ vật, súc vật trong những trường hợp sau:
+ Đồ vật, súc vật đã bị kẻ phạm tội chiếm đoạt, khi thu thập được ta tổ chức nhận dạng để xác định chủ nhân của nó.
+ Đồ vật, súc vật phát hiện được qua công tác điều tra nhưng chưa khẳng định được có phải là vật chứng của tội phạm đã xảy ra hay không.
d/ Nhân dạng ảnh.
Nhận dạng ảnh được tổ chức trong những trường hợp sau:
– Đối tượng đang lẩn trốn.
– Đối tượng ở xa.
– Đối tượng đã chết, đã trốn, đã bị phá hủy.
Ảnh nhặt ở hiện trường nghi có liên quan đến vụ án đang điều tra; ảnh chụp khi đối tượng đang gây án. Ảnh phải rõ các đặc điểm cần thiết cho nhận dạng.
3.3. Những trường hợp không được tổ chức nhận dạng:
– Đối tượng nhận dạng đã bị phá hủy hoặc có sự biến đổi lớn không còn giữ được những đặc điểm cần thiết cho việc nhận dạng mà không thể khác phục được nữa.
– Người định chọn là người nhận dạng không đủ năng lực trách nhiệm hình sự hoặc có những nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần không đảm bảo sự chính xác, khách quan khi nhận dạng.
4. Phương pháp nhận dạng:
a/ Chuẩn bị nhận dạng:
Chuẩn bị nhận dạng là một khâu có ý nghĩa quan trọng, nó quyết định sự thành công hay thất bại của cuộc nhận dạng. Chuẩn bị nhận dạng phải làm một số việc sau:
– Xây dựng kế hoạch: Trong kế hoạch phải nêu mục đích, yêu cầu của cuộc nhận dạng, đối tượng nhận dạng, người nhận dạng, địa điểm, thời gian nhận dạng, các phương tiện cần thiết, người chứng kiến và đối tượng tương tự đưa ra nhận dạng; dự kiến cách tiến hành.
– Lấy lời khai của người nhận dạng: Việc lấy lời khai của người nhận dạng trước khi tiến hành nhận dạng là vấn đề bắt buộc và có ý nghĩa quyết định đối với kết quả cuộc nhận dạng (trừ trường hợp nhận dạng tử thi). Lấy lời khai người nhận dạng trước khi tiến hành nhận dạng nhằm tìm hiểu về những dấu hiệu và đặc điểm của đối tượng mà họ đã biết trước đó. Nó là cơ sở để đánh giá kết quả của cuộc nhận dạng. Nếu không lấy lời khai trước khi tiến hành nhận dạng thì khó đánh giá được kết quả của cuộc nhận dạng.
Nội dung lấy lời khai gồm hai vấn đề cơ bản:
+ Những vết tích và đặc điểm của đối tượng mà họ đã tri giác được trước đó.
+ Hoàn cảnh và điều kiện nào mà họ đã trì giác được những vết tích và đặc điểm đó.
+ Ta phải hỏi những vấn đề trên càng tỉ mỉ càng tốt, vì nó không những là cơ sở vững chắc để đánh giá kết quả cuộc nhận dạng mà còn có tác dụng kiểm tra lời khai của người nhận dạng, hiểu được động cơ và năng lực người nhận dạng.
+ Cần đặc biệt chú ý tới những đặc tính riêng biệt và tương đối ổn định. Những đặc điểm này là căn cứ có giá trị chứng minh rất cao khi định giá kết quả cuộc nhận dạng.
Khi lấy lời khai người nhận dạng phải để họ tự chọn phương pháp, ngôn ngữ trình bày, trù khi thấy họ không mô tả nổi thì mới giúp đỡ họ khôi phục trí nhớ, đưa ra những hình ảnh để họ xác định kiểu mắt, mũi, miệng, tai… Không được bức, mớm, dụ dỗ trong khi lấy lời khai người nhận dạng.
– Chọn đối tượng tương tự để cùng đưa ra nhận dạng với đối tượng chính:
Để đảm bảo tính khách quan của việc nhận dạng, ngoài đối tượng nhận dạng chính, ta còn phải lựa chọn thêm đối tượng tương tự ít nhất là hai người, 2 vật, 2 ảnh (nhưng không quá nhiều) để đưa ra trong cuộc nhận dạng (trừ trường hợp nhận dạng tử thi). Nếu không có đối tượng tương tự thì dễ gây chủ quan cho người nhận dạng. Vì do có định kiến sẵn, do quá tin vào sự lựa chọn của cơ quan điều tra mà họ dễ dàng kết luận đối tượng đó có hoặc không liên quan đến vấn đề đang điều tra, thiếu việc quan sát, so sánh, phân tích, nhận xét thận trọng dẫn đến công tác điều tra dễ mắc sai lầm.
Đối tượng tương tự phải tương đối giống đối tượng đưa ra nhận dạng. Chẳng hạn đối tượng tương tự là người phải giống đối tượng nhận dạng ở giới tính, tuổi, tầm vóc, khổ người, thể chất… Về vật, phải giống về hình dáng, kích thước, màu sắc công dụng, phẩm chất. Đối tượng tương tự phải không được có những đặc điểm quá khác biệt đối với đối tượng nhận dạng.
Đối tượng tương tự phải được xác định là hoàn toàn không có liên quan đến vụ án đó. Có như thế ta mới dễ dàng kiểm tra được việc nhận dạng của người nhận dạng mà không gây thêm tình hình phức tạp khác.
Nếu đối tượng tương tự là người thì phải có sự tự nguyện, đồng ý của họ và ta phải giải thích cho họ hiểu việc là của mình và giữ được thái độ bình thường, tự nhiên đảm bảo khách quan trong khi tiến hành nhận dạng.
Những đối tượng tương tự và đối tượng nhận dạng phải được giữ bí mật với người nhận dạng trước, trong khi nhận dạng. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan.
– Mời người chứng kiến:
Nói chung mọi cuộc nhận dạng đều phải có người chứng kiến. Họ phải là người không liên quan đến vụ án và phải yêu cầu họ giữ bí mật. Người chứng kiến có trách nhiệm theo dõi, chứng thực cuộc nhận dạng, họ không được có lời nói, việc làm gì ảnh hưởng đến cuộc nhận dạng. Có thể mời đại diện viện kiểm sát tham dự cuộc nhận dạng.
b/ Tiến hành nhận dạng:
* Nhận dạng người sống:
– Nhân dạng người sống qua đặc điểm bề ngoài.
Trước khi nhận dạng ta nhắc lại trách nhiệm cho người nhận dạng để họ có thái độ khách quan, thận trọng khi đưa ra nhận xét của mình. Tất cả các thành viên tham gia phải theo sự điều khiển của người chủ trì cuộc nhận dạng. Không ai được CÓ lời nói, hành động, cử chỉ làm mất tính khách quan cuộc nhận dang.
Đưa các đối tượng nhận dạng đến địa điểm mà ta đã bố trí và họ được tự chọn chỗ ngồi. Tiếp đó ta mời người nhận dạng và người chứng kiến đến địa điểm cùng một lúc với điều tra viên. Người chủ trì tuyên bố lý do, ra lệnh tiến hành nhận dạng và có thể yêu cầu các đối tượng nhận dạng làm các động tác cần thiết theo yêu cầu của người nhận dạng để người nhận dạng có điều kiện quan sát kỹ đối tượng và rút ra kết luận. Người nhận dạng có thể phát biểu nhận xét ở một trong các dạng sau :
– Biết một trong số những người đưa ra nhận dạng.
– Không biết người nào trong đó.
– Nghi biết một người trong số đó.
Người chủ trì yêu cầu người nhận dạng giải thích về các căn cứ mà họ dựa vào để đưa ra nhận xét.
Chụp ảnh chung toàn cảnh cuộc nhận dạng, và chụp ảnh riêng đối tượng được người nhận dạng nhận ra là người mà họ đã biết hoặc nghi vấn.
Phải lập biên bản, ghi rõ quá trình nhận dạng, lời khai của người nhận dạng, tên tuổi, địa chỉ của người nhận dạng, các đối tượng nhận dạng và đối tượng bị người nhận dạng xác định là người họ đã biết hoặc nghi vấn.
Trong trường hợp có nhiều người nhận dạng biết về một đối tượng thì phải bố trí cho từng người nhận dạng riêng biệt, không được để nhiều người cùng nhận dạng một lần.
* Nhân dạng người qua tiếng nói:
Nhận dạng người qua tiếng nói có ý nghĩa không lớn lắm vì đặc điểm tiếng nói không rõ ràng, dễ quên, khó mô tả. Vì thế chỉ trong trường hợp đặc biệt mới cho nhận dạng người qua tiếng nói.
Nhận dạng qua tiếng nói có thể tiến hành độc lập nhưng thường là để bổ sung cho nhận dạng qua đặc điểm bề ngoài.
Khi nhận dạng qua đặc điểm tiếng nói ta phải bố trí sao cho người nhận dạng nghe rõ tiếng nói của đờn tượng nhận dạng nhưng không thể trông thấy đối tượng nhận da nhận dạng không biết mình đang bị nhận dại tình thay đổi tiếng nói.
Ở địa điểm của các đối tượng nhận dạng ta bố trí một cán bộ điều tra ngồi nói chuyện với họ bằng cách nêu từng câu hỏi để từng đối tượng nhận dạng trả lời, nhưng nội dung câu hỏi không đụng chạm tới các tình tiết của vụ án đang điều tra. Khi nói chuyện ta phải tạo điều kiện để các đối tượng trả lời được tự nhiên, bằng tiếng nói có đặc điểm riêng mà người nhận dạng qua đó có thể nhận ra được như nói lắp, nói ngọng… ở địa điểm này phải có người chứng kiến.
Trong khi đó ở địa điểm của người nhận dạng, ta bố trí cho người nhận dạng ngồi nghe cuộc đàm thoại nói trên cùng với một cán bộ điều tra và một người chứng kiến khác.
Sau khi nghe các đối tượng nhận dạng lần lượt trả lời từng câu hỏi, người nhận dạng phải nói rõ người trả lời thứ mấy là người có liên quan đến vụ án đang điều tra và nêu rõ căn cứ về kết luận của mình, rồi làm thủ tục kết thúc cuộc nhận dạng này.
Đến đây nếu còn phải nhận dạng qua dấu hiệu, đặc điểm bề ngoài thì tập trung mọi người lại để tiến hành cuộc nhận dạng đó rồi làm thủ tục kết thúc chung hai cuộc nhận dạng.
Nhận dạng qua đặc điểm tiếng nói là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải chuẩn bị và tiến hành chu đáo. Phải thẩm tra xác minh kỹ mới được sử dụng kết quả nhận dạng.
* Nhận dạng tử thi:
Nhận dạng tử thi có thể tiến hành tại hiện trường hoặc nhà xác. Xác chết phải được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ để khỏi ảnh hưởng đến tình cảm của bà con, bạn bè người chết. Nếu mặt mũi, thân thể có vết máu. vết bẩn, bị xây sát thì phải lau chùi sạch sẽ và khâu lại (sau khi đã khám nghiệm hiện trường). Phải tổ chức giữ trật tự, bảo vệ nơi nhận dạng chu đáo.
Nếu có người nhận biết tử thi thì phải nhanh chóng lập biên bản lấy lời khai, yêu cầu họ trình bày rõ mối quan hệ giữa họ với nạn nhân, lý do nhận biết được nạn nhân, tên tuổi, địa chỉ và thân nhân của nạn nhân, họ đã gặp nạn nhân lần cuối vào lúc nào…
Trường hợp người nhận dạng nhận là thân nhân của nạn nhân yêu cầu, sau khi thẩm tra xác minh là đúng và làm đầy đủ thủ tục cần thiết, ta giao tử thi cho họ mai táng. Trong trường hợp người nhận dạng không phải là thân nhân thì sau khi biết rõ địa chỉ và thân nhân của nạn nhân, ta phải mau chóng mời thân nhân của nạn nhân đến để xác nhận và giải quyết việc chôn cất.
Sau 24 giờ kể từ lúc phát hiện được tử thi mà vẫn chưa tìm ra tung tích và thân nhân của nạn nhân thì phải chôn cất để đảm bảo vệ sinh. Trước khi chôn cất phải làm những việc sau đây :
– Lấy điểm chỉ, chụp ảnh mặt, ảnh toàn thân nạn nhân cũng như đồ vật, tư trang còn lại.
– Lập biên bản ghi lại đặc điểm, dấu vết riêng trên mặt, mũi, thân thể nạn nhân cùng toàn bộ đồ vật, tư trang của nạn nhân mang theo hoặc thu được ở hiện trường.
– Tạm giữ toàn bộ đồ vật, tư trang của nạn nhân, kể áo quần nạn nhân đang mặc.
* Nhận dạng vật (Bao gồm đồ vật. súc vật).
Sắp xếp các đồ vật, súc vật cùng các đối tượng tương tụ rồi cho người nhận dạng quan sát. Người nhận dạng đưa ra kết luận cùng với căn cứ của kết luận đó.
Chụp ảnh các đồ vật, súc vật được người nhận dạng kết luận là vật hay súc vật trước đây họ đã biết.
Lập biên bản toàn bộ cuộc nhận dạng.
* Nhận dạng ảnh:
Ảnh đưa ra nhận dạng cùng ảnh tương tự được dán trên một tấm bìa các tông và có đánh số thứ tự.
Cho người nhận dạng quan sát kỹ các ảnh (Với sự chứng kiến của người chứng kiến). Họ nhận ra ảnh nào hoặc nghị ảnh nào thì yêu cầu họ đưa ra căn cứ. Yêu cầu người nhận dạng ký vào tấm ảnh mà họ xác nhận là ảnh có liên quan đến vụ án hoặc nghi có liên quan đến vụ án.
c/ Lập biên bản nhận dạng:
Lập biên bản cuộc nhận dạng: Biên bản nhận dạng là một văn bản pháp lý phản ánh tình hình diễn biến và kết quả của cuộc nhận dạng. Vì vậy nó phải đảm bảo khách quan, đúng yêu cầu, thủ tục pháp luật.
Biên bản nhận dạng gồm ba phần.
I/ Phần mở đầu:
Ghi rõ thời gian, địa điểm nhận dạng, họ tên, chức vụ của cán bộ tiến hành nhận dạng; Họ tên, địa chỉ của người chứng kiến, người nhận dạng, các đối tượng nhận dạng; Điều kiện của cuộc nhận dạng; Và những thủ tục bắt buộc mà người tổ chức nhận dạng đã tiến hành
II/ Phần nội dung.
Phần này miêu tả tiến trình cuộc nhận dạng đã diễn ra và kết quả của nó.
III/ Phần kết thúc cuộc nhận dạng.
Ghi rõ thời gian kết thúc, ghi rõ vào biên bản “Biên bản đã được đọc lại cho mọi người tham gia cuộc nhân dạng nghe, công nhận là đúng và ký tên vào dưới đây “.
Sau đó tất cả những người tổ chức và tham gia cuộc nhận dạng cùng ký và ghi rõ họ, tên.
5. Kiểm tra, đánh giá và sử dụng kết quả cuộc nhận dạng:
1/ Kiểm tra :
Kiểm tra công tác nhận dạng là để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra là vấn đề có tính nguyên tắc. Không những phải kiểm tra kết quả nhận dạng mà còn phải kiểm tra về phương pháp tiến hành nhận dạng.
Việc kiểm tra kết quả nhận dạng thường được tiến hành bằng cách:
Dùng các biện pháp nghiệp vụ xác minh.
– Hỏi cung bị can trong vụ án hoặc bị can của vụ án khác.
– Lấy lời khai của người làm chứng hoặc người bị hại.
– Đối chiếu, so sánh với tài liệu, chứng cứ đã thu được.
– Cho tiến hành giám định hình sự, thực nghiệm điều tra.
2/ Đánh giá kết quả nhận dạng.
Đánh giá kết quả nhận dạng là đánh giá mức độ chính xác và giá trị chứng minh của nó đối với vụ án. Việc đánh giá kết quả nhận dạng có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả điều tra vụ án cho nên khi đánh giá phải có thái độ hết sức thận trọng và khách quan. Việc đánh giá có thể và phải dựa vào các căn cứ sau:
– Động cơ, mục đích của người nhận dạng có đúng đắn hay không. Chỉ khi nào họ có động cơ, mục đích nhận dạng đúng đắn thì ta mới có thể tin cậy được.
Năng lực. điều kiện trị giá, ghi nhớ, tái hiện và mô tả của người nhận dạng ra sao.
– Những đặc điểm đối tượng mà người nhận dạng đưa ra để làm căn cứ có phải là đặc điểm cơ bản, riêng biệt và tương đối ổn định hay không.
3/ Sử dụng kết quả nhận dạng.
Chỉ được sử dụng kết quả nhận dạng khi đã được kiểm tra, xác minh, kết luận là chính xác. Có như vậy ta mới đảm bảo sự khách quan, thận trọng trong công tác đấu tranh chống tội phạm.
Trường hợp người nhận dạng đưa ra kết luận nghi vấn đối tượng nhận dạng có liên quan đến vụ án thì chỉ được sử dụng vào việc nhận định, phán đoán, xác định phương hướng điều tra.