Các cơ quan trong bộ máy Nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước. Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực, trực tiếp và có hiệu quả.
Các cơ quan trong bộ máy Nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước. Vì vậy, tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực, trực tiếp và có hiệu quả của người lao động vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Người lao động nếu đáp ứng đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định đều có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước để trực tiếp hay gián tiếp thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Người lao động có thể tham gia trực tiếp vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của cơ quan này – họ là những đại biểu được lựa chọn thông qua bầu cử hoặc với tư cách là các viên chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước. Khi ở cương vị là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước, người lãnh đạo trực tiếp xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương trong đó có các vấn đề quản lý hành chính nhà nước. Khi ở cương vị là cán bộ viên chức nhà nước thì người lao động sẽ sử dụng quyền lực nhà nước một cách trực tiếp để thực hiện vai trò người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, có điều kiện biến những ý chí, nguyện vọng của mình thành hiện thực nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh.
Ngoài ra, người lao động có thể tham gia gián tiếp vào hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương. Ở nước ta, thể hiện bản chất của nền dân chủ đa số, dân chủ cho người lao động, Hiến pháp năm 1992 tiếp tục ghi nhận quyền bầu cử và ứng cử của công dân một cách rộng rãi. Bằng hành vi bầu cử, mỗi công dân ủy nhiệm quyền quản lý cho người đại diện. Đó là phương thức văn minh để xác lập chính thể nhà nước dân chủ. Đây cũng chính là cách thức rộng rãi nhất để nhân dân lao động có thể tham gia vào quản lý các công việc của Nhà nước.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nhà nước ta luôn tạo điều kiện để nhân dân lao động tham gia vào quản lý hành chính nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc mở rộng hình thức tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước không chỉ đòi hỏi từ sự hội nhập mà quan trọng hơn là từ chính yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, dân chủ hóa đời sống xã hội và của bản thân Nhà nước. Mở rộng sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước sẽ đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện hiện nay.