Nhà ở xã hội luôn là một vấn đề được xã hội quan tâm bởi tính thiết thực của những dự án này. Nhưng nhà ở xã hội sở hữu bao nhiêu năm? Bao lâu được cấp sổ?
Mục lục bài viết
1. Nhà ở xã hội sở hữu bao nhiêu năm?
Nhà ở xã hội là một dạng nhà ở chính sách, chỉ áp dụng cho những đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng chính sách, và phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở. Giá của nhà ở xã hội thấp hơn so với giá bán những căn nhà thương mại thông thường vậy nên có sự giới hạn về đối tượng được sở hữu.
Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về thời hạn sở hữu nhà ở xã hội, nếu người mua có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội và nộp hồ sơ mua bán theo quy đúng quy định của pháp luật thì sẽ được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, đối với đối tượng là người nước ngoài thì pháp luật lại có quy định giới hạn về thời gian sở hữu nhà ở. Luật Nhà ở quy định rất rõ về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đó là cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua nhà ở nhưng thời hạn sở hữu tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật. Như vậy, người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở xã hội tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, trừ trường hợp nếu được gia hạn thêm. Nhưng nếu người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì khi mua căn hộ chung cư sẽ được sở hữu ổn định, lâu dài như công dân Việt Nam.
2. Nhà ở xã hội bao lâu được cấp sổ đỏ?
Theo quy định của pháp luật thì việc cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở xã hội là sau 5 năm và phải thanh toán hết tiền mua nhà cho chủ đầu tư. Tuy nhiên hiện tại Nhà nước quy định phải tạo điều kiện cho người mua nhà ở xã hội được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà sau khi đã thanh toán toàn bộ số tiền mua nhà cho chủ đầu tư. Tuy nhiên để thực hiện các quyền như bán, thế chấp nhà ở xã hội thì phải sau 5 năm kể từ khi thanh toán hết tiền mua nhà cho chủ đầu tư thì mới có thể thực hiện các giao dịch này. Nhưng trong thời gian này có thể thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội do pháp luật không cấm điều này.
3. Điều kiện, thủ tục để mua được nhà ở xã hội:
3.1. Điều kiện để mua được nhà ở xã hội:
Không phải ai cũng có thể mua và sở hữu nhà ở xã hội, đây là một dạng nhà ở chính sách và chỉ áp dụng cho một số đối tượng theo quy định. Pháp luật quy định có 10 trường hợp được hưởng chính sách về nhà ở xã hội bao gồm:
+ Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
+ Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
+ Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
+ Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
+ Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
+ Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ;
+ Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
+ Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Trong đó đối tượng là học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập thì chỉ được thuê nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu ở trong thời gian học tập.
Ngoài ra, để mua được nhà ở xã hội ngoài việc thuộc những đối tượng trên thì còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Điều kiện về nhà ở: đối tượng này phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở; đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người.
+ Điều kiện về thu nhập: phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế. Nói cách khác, phải là người có thu nhập hàng tháng; từ 11 triệu đồng trở xuống nếu không có người phụ thuộc, thu nhập này đã trừ bảo hiểm bắt buộc, thu nhập được miễn thuế, thu nhập không tính thuế thu nhập cá nhân. Nếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì phải có quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ.
+ Điều kiện về nơi cư trú: Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội, trừ trường hợp là học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập.
Ngoài ra, mức lãi suất cho vay tại các Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để xã hội ở theo quy định tại Điều 16
3.2. Thủ tục mua nhà ở xã hội:
Để mua nhà ở xã hội thì người có nhu cầu phải biết được mình có thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội hay không? Sau đó tìm hiểu về các dự án nhà ở xã hội đã được công bố Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng địa phương nơi có nhà ở xã hội, hoặc sẽ được đăng thông tin lên cơ quan ngôn luận tại địa phương đó. Trên cổng thông tin này cũng sẽ được đăng đầy đủ các thông tin về nhà ở xã hội như: tổng số căn hộ sẽ bán, cho thuê, cho thuê mua và thời điểm bắt đầu bán, cho thuê, cho thuê mua. Nếu đáp ứng đủ điều kiện mua và có nhu cầu thì người mua sẽ chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ như: Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội, giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội như giấy tờ về nơi cư trú, giấy tờ chứng minh về thu nhập, giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội. Sau đó sẽ nộp trực tiếp hồ sơ này cho một bên bán duy nhất đó là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Khi mua nhà ở xã hội thì cần phải lưu ý một số trường hợp được xem là mua nhà ở xã hội vi phạm quy định của pháp luật.
Khi mua phải kiểm tra xem khi thực hiện việc chuyển nhượng thì người bán đã đáp ứng đủ điều kiện sở hữu nhà ở 5 năm kể từ khi thanh toán hết tiền mua nhà cho chủ đầu tư hay chưa, nếu chưa đủ 5 năm mà thực hiện việc chuyển nhượng là đang làm sai quy định của pháp luật. Rồi nhà ở xã hội đã được cấp Giấy chứng nhận hay chưa, người bán đã thanh toán hết số tiền mua nhà cho chủ đầu tư hay chưa, nếu chưa đủ các điều kiện trên mà thực hiện việc chuyển nhượng nhà ở thì sẽ là chuyển nhượng trái pháp luật.
Hiện nay xảy ra tình trạng nhờ đứng tên hộ để mua nhà ở xã hội bởi pháp luật quy định tổ chức, cá nhân chỉ được mua nhà ở xã hội một lần duy nhất, nên nhiều người vì lợi ích cá nhân mà lách luật nhờ người quen đứng tên hộ, mua hộ. Đây là một hành vi trái với quy định của pháp luật mà khi cơ quan nhà nước phát hiện ra sẽ phải gánh chịu rất nhiều rủi ro, đồng thời hành vi này cũng trái với đạo đức, có thể xem là một hành vi gian lận tước đi quyền sở hữu nhà của những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, có thu nhập thấp chỉ muốn sở hữu một căn nhà để sinh sống. Vì vậy, cần am hiểu pháp luật về nhà ở xã hội để có thể sở hữu những căn nhà theo đúng nhu cầu và theo đúng quy định của pháp luật, tránh phát sinh những rủi ro, bất lợi khi thực hiện giao dịch liên quan đến loại nhà ở xã hội này.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Nhà ở năm 2014.