Sự mất cân bằng tạm thời về trạng thái xúc cảm của người chưa thành niên là một trong những nhân tố khiến các em không làm chủ được bản thân và khi nó được kết hợp với một số yếu tố tâm lí có tính tiêu cực khác sẽ rất dễ dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm tâm lý người dưới 18 tuổi:
Người dưới 18 tuổi phạm tội là nhóm chủ thể đặc biệt so với nhóm chủ thể là người đủ 18 tuổi trở lên. Chủ thể này có đặc điểm tâm lý khác so với người đã thành niên. Đây là lứa tuổi đang có biến đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý và là giai đoạn quan trọng của quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Trước hết, ở người dưới 18 tuổi có sự phát triển cơ thể mất cân bằng nên đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc. Sự mất cân bằng tạm thời về trạng thái xúc cảm của người chưa thành niên là một trong những nhân tố có thể dẫn tới hành vi phạm tội khi các em không làm chủ được bản thân và khi nó được kết hợp với một số yếu tố tâm lí có tính tiêu cực khác rất dễ dẫn đến những hành vi, vi phạm, vi phạm đạo đức và nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật.
Một đặc điểm tâm lý nổi bật, đặc trưng nữa mà ta thường thấy ở lứa tuổi này là sự biểu hiện của nhu cầu độc lập. Người chưa thành niên muốn khẳng định mình về nhân cách trên con đường muốn trở thành người lớn. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, họ không muốn phụ thuộc vào người lớn, trước hết là mẹ, ông bà và những người khác. Tuy nhiên, khi nhu cầu độc lập được biểu hiện một cách thái quá ra bên ngoài dưới dạng các hành vi ngang bướng, cố chấp, bảo thủ, tự ái, phô trương, mạo hiểm, côn đồ thì người chưa thành niên cũng rất dễ bị bạn bè cùng trang lứa lôi kéo với những người chung sở thích, chung suy nghĩ, bồng bột kết hợp chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật nên dễ thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, lứa tuổi chưa thành niên là giai đoạn phát triển rất nhanh về mặt sinh học nhưng lại thiếu cân đối về mặt nhận thức. Đó là lứa tuổi mà kinh nghiệm sống còn nhiều hạn chế. Vì thế, phần lớn người chưa thành niên còn thờ ơ, lãnh đạm đối với các quy định của pháp luật. Cũng có không ít người chưa thành niên cho rằng “Những yêu cầu và đòi hỏi các chuẩn mực pháp luật chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật và hoàn toàn mang tính hình thức, còn hành động thì căn cứ vào nhu cầu cụ thể của cá nhân mới thể hiện được cuộc sống tự do”. Khi không có ý thức pháp luật đúng đắn thì khả năng thực hiện hành vi, vi phạm pháp luật của người chưa thành niên là rất lớn. Thực tế cho thấy, nhiều người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội nhưng không nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó, hoặc thực hiện hành vi phạm tội chỉ để thỏa mãn nhu cầu, hứng thú không đúng đắn của cá nhân. Một số khác lại cho rằng hành vi của mình là đứng đắn và cần thiết để góp phần tạo ra sự công bằng cho xã hội.
Do luôn có ý thức tự trọng và mong muốn được tôn trọng như người lớn, người chưa thành niên thường có tâm lí “phóng đại” các khả năng của mình, đánh giá chúng cao hơn hiện thực. Chẳng hạn, họ cho rằng hành vi đua xe trái phép là những màn biểu diễn độc đáo, khám phá và phô diễn năng lực của bản thân mà không phải ai cũng có, phần lớn các đối tượng đua xe đều ăn mặc sặc sỡ, kì quặc, nhuộm các màu tóc khác người... của người chưa thành niên không phải vì tiền mà chủ yếu vì tìm cảm giác mạnh và đôi khi để tiêu hao “năng lượng dư thừa” của mình. Những hành vi này của người chưa thành niên đều mang tính chất của hành vi “lệch chuẩn, dễ dẫn tới các hành vi phạm tội”.
Thêm vào đó là nhu cầu tìm hiểu, khám phá cái mới. Khám phá cuộc sống giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình. Đây là điều quan trọng đối với việc phát triển nhân cách của người chưa thành niên. Điều đáng lưu ý là các em không chỉ có nhu cầu khám phá cái mới mà còn tìm tòi, thử nghiệm cái mới, trong đó có cả những cái thiếu lành mạnh, trái với các chuẩn mực xã hội. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của các em. Trong khi đó gia đình, nhà trường lại chưa thật sự quan tâm, chưa kịp thời uốn nắn, giúp đỡ nên các em dễ sa vào con đường phạm tội. Điều dễ thấy là hầu hết người chưa thành niên thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản và mua bán trái phép các chất ma tuý thường tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí tiêu cực và các tệ nạn xã hội như chơi điện tử, “chát”, cờ bạc, nghiện các chất ma túy.
2. Nguyên tắc xử lý hình sự với người dưới 18 tuổi phạm tội:
Với đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi như vậy, những người xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật phải tạo khung hàng lang pháp lý đặc thù cho những chủ thể này. Từ yêu cầu của nguyên tắc nhân đạo và nguyên tắc phân hóa TNHS, đặc biệt là nguyên tắc “việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” [46]. Do đó việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội vừa phải tuân thủ quy định về xử lý tội phạm nói chung được quy định tại điều 3 BLHS 2015, vừa phải tuân thủ những quy định được xây dựng phù hợp với đặc thù của người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại điều 93 BLHS 2015.
Những nguyên tắc chung được quy định tại điều 3 BLHS 2015 như sau:
Thứ nhất, mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.
Phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật mọi hành vi phạm tội có một ý nghĩa không chỉ đối với việc đấu tranh chống tội phạm mà còn có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm. Việc phát hiện kịp thời một số người đang có hành vi phạm tội sẽ ngăn chặn được tác hại do hành vi phạm tội gây ra. Không những vậy còn có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cho mọi công dân công tác phòng ngừa tội phạm, cảnh báo những ai có ý định thực hiện tội phạm hãy từ bỏ ý định phạm tội nếu không sẽ bị trừng trị. Nguyên tắc này cũng yêu cầu các cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật mọi hành vi phạm tội.
Thứ hai, mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.
Nguyên tắc này thể hiện rõ tính công bằng trong việc xử lý người phạm tội. Sự bình đẳng trong nguyên tắc này là sự bình đẳng trong việc vận dụng các dấu hiệu cấu thành tội phạm đối với một hành vi phạm tội, đối với hình phạt cũng như các biện pháp tư pháp khác về người phạm tội, chống những biểu hiện phân biệt đối xử giữa những người phạm tội có địa vị xã hội khác nhau. Nguyên tắc này đòi hỏi Tòa án phải thống nhất trong việc đánh giá các căn cứ của quyết định hình phạt để bảo đảm quyết định hình phạt công bằng đối với các trường hợp phạm tội có các tình tiết tương đương. Tòa án phải xem xét tất cả các tình tiết trong vụ án, tránh tình trạng bỏ sót tình tiết nào dẫn đến việc quyết định hình phạt không thỏa đáng đối với bị cáo. Hình phạt được tuyên cần phải phản ánh một cách đúng đắn dư luận xã hội, ý thức pháp luật và đạo đức của xã hội, phải có đủ sức thuyết phục mọi người ở tính đúng đắn, tính công bằng của chính sách xét xử của Nhà nước ta
Thứ ba, Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Nội dung của nguyên tắc thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta đối với những đối tượng cần phải nghiêm trị, đó là: Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Đây là những đối tượng nhận thức được hành vi phạm tội của họ, lợi dụng ưu thế của mình và thực hiện các cách thức, sử dụng các biện pháp để đạt mục đích. Những đối tượng này không những bản thân phạm tội mà còn lôi kéo những người khác vào thực hiện các hành vi phạm tội với mình. Chính vì vậy đây là các đối tượng cần có mức hình phạt thích đáng với mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Thứ tư, nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Nguyên tắc thứ tư này đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2017, khoan hồng không chỉ đặt ra khi cá nhân tích cực phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án mà còn khoan hồng đối với người tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm. Đây là điểm mới rất hợp lý bởi việc phát hiện sớm tội phạm sẽ giảm thiểu hậu quả mà tội phạm đem lại. Đồng thời thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, phát luật không chỉ chăm chăm xử phạt, răn đe mà cũng có sự khoan hồng, mềm dẻo,
Nếu căn cứ vào nội dung của nguyên tắc thì dễ có người hiểu nhầm rằng việc khoan hồng đó chỉ áp dụng với những đối tượng dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là sai lầm. Tuy nguyên tắc này được quy định trong cùng một điểm nhưng phải hiểu rằng, tất cả những người phạm tội mà “tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” thì đều được khoan hồng. Hiểu như này mới phù hợp với chính sách hình sự Nhà nước với tội phạm.
Thứ năm, đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.
Đây là nguyên tắc được cụ thể hóa từ nguyên tắc khoan hồng, nhưng chỉ đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng và cũng chỉ có Tòa án áp dụng, vì chỉ có Tòa án mới được quyết định hình phạt. Đây là nguyên tắc quyết định hình phạt nhưng không vì thế mà cho rằng Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không cần quan tâm đến nguyên tắc này, vì quán triệt nguyên tắc này sẽ giúp cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay từ khi khởi tố bị can, nếu không thật cần thiết thì không nên áp dụng biện pháp tạm giam đối với người phạm tội.
Thứ sáu, đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Đây là nguyên tắc nhân đạo đối với người đã bị kết án và bị phạt tù giam; cũng là nguyên tắc cơ bản mà không phải quốc gia nào cũng quy định. Ở nước ta, người bị phạt tù tuy bị hạn chế quyền tự do, nhưng họ được lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có nhiều tiến bộ thì được xét giảm việc chấp hành hình phạt tù. Nguyên tắc này là cơ sở để quy định các chế định khác như: Chế định về miễn chấp hành hình phạt; giảm mức hình phạt đã tuyên; giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt; hoãn chấp hành hình phạt tù; tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù...
Cuối cùng, người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
Đây là nguyên tắc nhân đạo đối với người bị kết án, họ không bị xã hội thành kiến với tội lỗi mà họ đã phạm. Sau khi người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt, họ được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng. Các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng đối với người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt. Chế định xóa án tích cũng là một nguyên tắc không chỉ xóa đi mặc cảm của xã hội đối với người bị kết án mà còn để chính bản thân người bị kết án cũng xóa đi mặc cảm đối với chính họ. Nguyên tắc này còn là cơ sở để quy định chế định xóa án tích trong Bộ luật Hình sự.
3. Những nguyên tắc riêng áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội:
Theo điều 91 BLHS 2015 đã đưa ra 7 khoản quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên nguyên tắc áp dụng với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi so với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng có một số điểm khác biệt. Đó là: với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì án đã tuyên không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; và được miễn trách nhiệm hình sự đối với tội rất nghiêm trọng trừ tội cướp tài sản (Điều 168) và tội cướp giật tài sản (Điều 171) nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả. Ngoài những điểm khác biệt này thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đều có những nguyên tắc riêng như sau cho người dưới 18 tuổi phạm tội:
Thứ nhất, nguyên tắc coi trọng và đề cao mục tiêu giáo dục, cải tạo
Khoản 1 điều 91 quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Thấm nhuần đạo lý của ông cha ta coi cái thiện, cái ác không phải là bản tính vốn sẵn có của mỗi người từ lúc sinh ra mà về cơ bản tính thiện ác trong mỗi con người được hình thành từ trong môi trường xã hội. Theo đó phạm tội không phải là cái ác bẩm sinh của người phạm tội mà được hình thành trong quá trình xã hội của người ấy. Do không phải là | bản chất cố định nên những người phạm tội đều có khả năng phục thiện thông qua con đường giáo dục thích hợp. Đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì càng có khả năng cải tạo, phục thiện cao hơn và nhân cách của họ đang trong quá trình hình thành, dễ cải biến nếu được giáo dục, giúp đỡ. Mặt khác, người dưới 18 tuổi là những người trẻ tuổi, tương lai còn dài, khi được phục thiện cũng có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội hơn so với người đã thành niên. Vì vậy khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải đạt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu nhằm cải tạo, giúp đỡ họ trở thành người có ích cho xã hội.
Thứ hai, nguyên tắc giảm nhẹ hình phạt:
Xuất phát từ quan điểm người dưới 18 tuổi phạm tội là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có đủ khả năng để cân nhắc hành vi của mình, thiếu kinh nghiệm xã hội và dễ bị tác động của môi trường xung quanh. Vì vậy TNHS nói chung và hình phạt nói riêng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội giảm nhẹ hơn so với người đã thành niên phạm tội. Tuy nhiên mức độ giảm nhẹ hình phạt đối với dưới người 18 tuổi được xác định trong khuôn khổ luật định. Theo khoản 2 điều 91 BLHS 2015 thì người dưới 18 tuổi phạm tội xâm phạm sở hữu có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong các trường hợp: người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng trừ tội cướp giật tài sản; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng trừ tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản; và trường hợp là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án; và những đối tượng này có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả. Với những người dưới 14 tuổi thì trách nhiệm hình sự không được đặt ra khi họ phạm tội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Ba là, nguyên tắc không áp dụng hình phạt đặc biệt nghiêm khắc:
Xuất phát từ hai nguyên tắc giảm nhẹ và coi trọng mục tiêu giáo dục nên những hình phạt nghiêm khắc không cho người dưới 18 tuổi phạm tội cơ hội được cải tạo, trở thành người lương thiện, tái hòa nhập cộng đồng phải được loại bỏ. Vì vậy trong danh mục những hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không có hình phạt loại bỏ người phạm tội ra khỏi xã hội như hình phạt tù chung thân, hình phạt tử hình. Ngoài ra hình phạt tù có thời hạn dài cũng không nên áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vì nó cũng làm hạn chế cơ hội tái hòa nhập xã hội của họ. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Bốn là, nguyên tắc hạn chế việc cách ly người dưới 18 tuổi phạm tội khỏi môi trường sống bình thường của họ:
Người dưới 18 tuổi là những người chưa có khả năng sinh sống độc lập mà còn lệ thuộc vào sự nuôi dưỡng, chăm sóc, quan tâm của gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội nơi họ sinh sống; đây cũng là môi trường cần thiết cho sự phát triển nhân cách bình thường của họ. Do vậy khi lựa chọn biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội cần hạn chế tối đa việc áp dụng hình phạt cách ly họ khỏi môi trường sống bình thường, đảm bảo cho họ có thể cải tạo, giáo dục trong môi trường ngoài xã hội. Theo khoản 6 điều 93 BLHS 2015:
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Việc truy cứu TNHS và áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.