Hiện nay, các cơ quan đơn vị phát động các phong trào thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tập thể là rất phổ biến, hầu hết các cơ quan tổ chức đều thực hiện phong trào này. Việc phát động phong trào là một bước để thu được những kết quả, thành tích tốt nhất. Như vậy nguyên tắc thi đua khen thưởng được pháp luật nước ta quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thi đua, khen thưởng là gì?
Thi đua, khen thưởng theo quy định Điều 3 Luật Thi đua khen thưởng là:
“Thi đua là hoạt động có tổ chức do người có thẩm quyền phát động với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể, hộ gia đình.”
Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
2. Vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng:
Thi đua, khen thưởng là bộ phận cấu thành quan trọng của đời sống xã hội, là động lực nhằm phát triển kinh tế – xã hội bền vững và góp phần bảo vệ chế độ chính trị – xã hội.
Công tác thi đua, khen thưởng là động lực của sự phát triển tích cực, là công cụ quản lý quan trọng, tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng con người mới; lay động mạnh mẽ đến tình cảm, trách nhiệm, ý thức, ý trí tự lực tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân.
Một xã hội văn minh tiến bộ là xã hội hóa sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, đề cao việc khen thưởng. Ngược lại, xã hội không có hoặc không đề cao thi đua, khen thưởng tức là xã hội tụt hậu, kém phát triển. Khen thưởng để nêu gương, giáo dục đạo đức xã hội; khen thưởng để hạn chế, bớt đi tiêu cực, làm cho xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn. Một môi trường xã hội tốt đẹp là một môi trường khen thưởng nhiều hơn trách và phạt.
3. Nguyên tắc thi đua, nguyên tắc khen thưởng:
3.1. Nguyên tắc thi đua:
Nguyên tắc thi đua được quy định tại Điều 5 Luật thi đua khen thưởng 2022, Điều 3 Thông tư 118/2023/TT-BQP như sau:
– Nguyên tắc xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thực hiện theo quy định tại các Điều 5, 7 và Điều 10 của Luật Thi đua, khen thưởng.
– Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân bị thương cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp trung đoàn và tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu thi đua.
– Tổng kết phong trào thi đua hằng năm, chỉ khen thưởng cán bộ chủ trì khi đơn vị được khen thưởng hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
– Cá nhân được cử tham gia học tập, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định và đạt kết quả từ loại khá trở lên thì kết hợp với kết quả công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu thi đua.
– Đơn vị tiếp nhận cá nhân chuyển đến công tác xét tặng danh hiệu thi đua cho cá nhân đó, trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị mới và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trước khi chuyển đến.
– Không xét tặng danh hiệu thi đua đối với cá nhân mới tuyển dụng, tập thể mới được thành lập dưới 09 tháng.
– Chưa khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng đối với cá nhân đang trong thời gian thi hành kỷ luật; cá nhân, tập thể đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn, thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ, chưa kết luận.
– Khen thưởng trong sơ kết, tổng kết phong trào thi đua theo chuyên đề, cuộc vận động, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu sử dụng hình thức khen thưởng theo thẩm quyền của thủ Trưởng đơn vị. Trường hợp cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu, phạm vi ảnh hưởng trong toàn quân, toàn ngành cơ yếu, toàn quốc thì đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.
Hình thức tổ chức thi đua được quy định tại điều 4 Luật thi đua khen thưởng 2022 như sau:
Hình thức tổ chức thi đua bao gồm hai hình thức là thi đua thường xuyên và thi đua theo theo đợt (chuyên đề)
Do đó thi đua thường xuyên được hiểu là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, và nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối tượng thi đua thường xuyên bao gồm các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng nhau.
Để việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên có hiệu quả và đạt được kết tốt nhất phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc theo cụm, khối thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua. Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trưởng các cụm, khối thi đua tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.
Còn đối với việc thi đua theo theo đợt hay còn gọi là chuyên đề được biết đến là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phong trào thi đua theo đợt chỉ phát động thi đua theo đợt khi đã xác định rõ thời gian mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp.
“Điều 10
1. Căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua:
a) Phong trào thi đua;
b) Đăng ký tham gia thi đua;
c) Thành tích thi đua;
d) Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.”
Nội dung tổ chức phong trào thi đua được tổ chức với nội dung quy định tại điều 3 Thông tư 01/2024/TT-BNV bao gồm:
– Tổ chức phong trào thi đua gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, có chỉ tiêu, nội dung, kế hoạch, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của cá nhân, tập thể, hộ gia đình.
– Triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể, hộ gia đình tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện; chú trọng công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn, kiểm tra đối với phong trào thi đua có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên; phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong phong trào thi đua. Tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khác học tập và làm theo.
– Tổng kết phong trào thi đua phải đánh giá đúng kết quả, hiệu quả, tác dụng; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức phong trào thi đua. Việc bình xét, công nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc chính xác, công khai, minh bạch, công bằng; kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể, hộ gia đình tiêu biểu xuất sắc; khuyến khích khen thưởng cá nhân là ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân, công nhân, người yếu thế, khuyết tật; tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác; cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
3.2. Nguyên tắc khen thưởng:
Nguyên tắc khen thưởng được quy định tại Điều 5 Luật thi đua khen thưởng 2022 như sau:
“Điều 6
2. Nguyên tắc khen thưởng gồm:
a) Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời;
b) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng;
c) Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng;
d) Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.”
Nguyên tắc khen thưởng phải được thực hiện một cách chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Một số cá nhân, tập thể khi tham gia vào các phong trào mà hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thi có thể tặng nhiều lần đối với một hình thức khen thưởng. Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng việc khen thưởng cá nhân lao động, công tác trực tiếp và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác.
Khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo. Đối với nữ là lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng có quá trình cống hiến được giảm 03 năm so với quy định chung. Đối với khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để khen thưởng. Thời gian để đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính từ khi có
Căn cứ xét thưởng theo quy định tại Điều 10 Luật thi đua khen thưởng 2022 như sau:
Điều 10: Căn cứ xét khen thưởng:
– Thành tích đạt được.
– Tiêu chuẩn khen thưởng.
– Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích.
Do đó, việc căn cứ xét thưởng dựa trên tiêu chuẩn khen thưởng, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích và tùy vào trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích để làm căn cứ cho việc khen thưởng.
Loại hình khen thưởng theo quy định tại Điều 8 Luật thi đua khen thưởng năm 2022 như sau:
– Khen thưởng công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Khen thưởng đột xuất là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất.
– Khen thưởng phong trào thi đua là khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cấp có thẩm quyền phát động, chỉ đạo trong thời gian cụ thể hoặc thi đua theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.
– Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
– Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có thành tích, có quá trình công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân.
– Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, Cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để biểu dương và tôn vinh các gương điển hình tiên tiến đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, khen thưởng.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật thi đua khen thưởng năm 2022;
– Nghị định 98/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.