Việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hướng đến mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về nguyên tắc và hồ sơ bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về vấn đề bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là một trong những loại bảo hiểm phải có đối với các cơ sở kinh doanh nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi công cộng và an toàn xã hội. Theo quy định của pháp luật hiện nay, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành có liên quan vẫn chưa có bất cứ một điều luật nào đưa ra định nghĩa cụ thể và rõ ràng về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, có thể dựa trên các quy định về loại bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để có thể hiểu một cách đơn giản về loại bảo hiểm này như sau: Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là khái niệm để chỉ một loại sản phẩm bảo hiểm được cung cấp bởi cơ quan có thẩm quyền cho những người tham gia bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại về tài sản do sự cố cháy nổ gây nên.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì có thể nói, việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hướng đến mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng, bảo vệ môi trường và bảo vệ an toàn xã hội. Các đối tượng được xác định là tổ chức và cá nhân thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ mua bảo hiểm và được quyền lựa chọn các doanh nghiệp bảo hiểm và các chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam, sao cho phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của bản thân, phù hợp với uy tín của các doanh nghiệp bảo hiểm đó. Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, có quy định về đối tượng được bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Theo đó thì đối tượng được bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy cơ về cháy nổ, bao gồm:
– Nhà cửa và các công trình phụ trợ, bao gồm các loại tài sản gắn liền với nhà và công trình đó, các máy móc và các trang thiết bị;
– Các loại hàng hóa và vật tư, trong đó bao gồm cả nguyên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm.
Vì vậy có thể nói, bên mua bảo hiểm và bên cung cấp bảo hiểm hoàn toàn có quyền thỏa thuận với nhau và ghi rõ các đối tượng bảo hiểm và địa chỉ của đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm để có thể làm cơ sở cho quá trình chi trả bảo hiểm khi có bất kỳ rủi ro nào xảy ra do sự cố cháy nổ.
Pháp luật hiện nay cũng đề cao nguyên tắc bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Đây là những nguyên tắc chỉ đạo mà các bên chủ thể cần phải tuân thủ trong quá trình bồi thường bảo hiểm cháy nổ. Căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện quá trình xem xét và giải quyết bồi thường bảo hiểm cháy nổ theo các nguyên tắc sau đây:
– Khi xảy ra tổn thất, thì bên mua bảo hiểm phải ngay lập tức thông báo đến cho các doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc khác nhau, tức là trong khoảng thời gian 14 ngày sau đó được tính kể từ ngày xảy ra tổn thất đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ, thì bên mua bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho các doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang sử dụng dịch vụ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc;
– Số tiền bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó đã được thỏa thuận và được các bên ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm, hoặc được ghi nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm, sau đó trừ đi mức giảm trừ bảo hiểm căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
– Giảm trừ tối đa 20% số tiền bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trong trường hợp các cơ sở có nguy cơ về cháy nổ không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện không đúng thời hạn được ghi nhận trong Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cơ quan công an dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra rủi ro cháy nổ.
Vì vậy có thể nói, doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành hoạt động bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc nêu trên.
2. Thành phần hồ sơ bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, có quy định về thành phần hồ sơ bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Theo đó thì hồ sơ bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau đây:
– Văn bản yêu cầu bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của bên mua bảo hiểm;
– Tài liệu có liên quan đến đối tượng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc bao gồm hợp đồng bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm được ký kết giữa các bên;
– Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cơ quan công an được lập tại thời điểm gần nhất trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
– Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm được lập theo quy định của pháp luật hoặc của người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên thực tế;
– Văn bản kết luận hoặc văn bản thông báo về nguyên nhân xảy ra vụ cháy nổ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc các bằng chứng/chứng cứ chứng minh về nguyên nhân xảy ra vụ cháy nổ đó;
– Biên bản kê khai thiệt hại đã xảy ra trong quá trình cháy nổ và các loại giấy tờ chứng minh thiệt hại.
Bên mua bảo hiểm sẽ phải có trách nhiệm thu thập các giấy tờ nêu trên và gửi cho doanh nghiệp bảo hiểm.
3. Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, có quy định về số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc như sau:
– Số tiền bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tối thiểu được xác định là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các loại tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, giá trị của các loại tài sản này sẽ được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;
– Trong trường hợp không xác định được giá thị trường của các loại tài sản nêu trên thì số tiền bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sẽ do các bên thỏa thuận. Quá trình thỏa thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với nhà, công trình, và các tài sản khác gắn liền với công trình đó, các thiết bị và máy móc gắn với công trình thì số tiền bảo hiểm được xác định là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại của tài sản, hoặc giá trị thay thế của tài sản vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Còn đối với các loại hàng hóa và vật tư, trong đó bao gồm cả nguyên vật liệu bán thành phẩm và thành phẩm, thì số tiền bảo hiểm được xác định là giá trị tính thành tiền của các loại tài sản căn cứ theo hóa đơn và chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu khác có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
– Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.