Đối thoại tại nơi làm việc là gì? Nguyên tắc, hình thức đối thoại tại nơi làm việc? Nội dung đối thoại tại nơi làm việc?
Đối thoại tại nơi làm việc là nội dung được quy định lần đầu trong
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật lao động năm 2019.
1. Đối thoại tại nơi làm việc là gì?
Theo quan điểm của ILO, đối thoại tại nơi làm việc là một quy trình đối thoại chủ động, tự nguyện giữa người lao đọng và người sử dụng lao động ở cấp độ doanh nghiệp nhằm tăng cường tính động thuận trong những vấn đề liên quan đến quyền lợi của cả hai bên và tạo điều kiện cho người lao đọng được tham gia vào những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của mình.
Dưới góc độ pháp lý, đối thoại tại nơi làm việc được giải thích tại Khoản 1, Điều 63, Bộ luật lao động, theo đó: “Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.”
Dưới góc độ khoa học pháp lý, đối thoại tại nơi làm việc là một hình thức đối thoại xã hội, được thực hiện bởi người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện của người lao động nhằm trao đổi ý kiến của hai bên về cách thức giải quyết những vấn đề mà hai bên quan tâm hoặc phát sinh hàng ngày tại doanh nghiệp ảnh hưởng đến quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
2. Nguyên tắc, hình thức đối thoại tại nơi làm việc?
2.1. Hình thức đối thoại tại nơi làm việc?
Từ tiêu chuẩn chung của ILO, các quốc gia thành viên xây dựng cho mình một hệ thống các hình thức đối thoại tại nơi làm việc, phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ phát triển, bản sắc văn hòa và thuần phong mỹ tục của dân tộc mình.
Trước đây, tại Khoản 2, Điều 63 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về hình thức đối thoại tại nơi làm việc như sau: ” Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.“
Tuy nhiên, quy định này đã được bãi bỏ và được quy định bằng cách thức lập pháp khác. Nếu xét về cách thực thực hiện, thì hình thức đối thoại được chia thành:
– Đối thoại trực tiếp: Là việc các bên liên quan trực tiếp gặp mặt trực tiếp để trao đổi thông tin, tham khảo hoặc thương lượng các vấn đề phát sinh liên quan đến họ. Đây là phương thức phổ biến, hình thức giao tiếp công khai giúp ý kiến của các bên được quan tâm hơn, trở nên có ý nghĩa hơn. Góp phần tạo ra sân chơi bình đẳng cho các bên.
– Đối thoại gián tiếp: là việc các bên liên quan trao đổi thông tin, tư vấn hay thương lượng thông qua các văn bản, giấy tờ hoặc phương tiện khác mà không cần gặp gỡ trực tiếp. Hình thức này biểu hiện thông qua các bản tin trên bảng thông báo của công ty, các hòm thư góp ý,…
Nếu xét về thời điểm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thì đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện dưới các hình thức:
– Định kỳ ít nhất 01 năm một lần.
– Khi có yêu cầu của một hoặc các bên.
– Đối thoại khi có vụ việc.
Mỗi hình thức sẽ có các đặc điểm, quy trình tổ chức, thành phần tham gia đối thoại khác nhau, theo quy định của Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Ngoài ra, nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp trên.
2.2. Nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc?
Hầu như hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và trước đây đều không có các quy định thật cụ thể và trực tiếp về nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc. Do đó, nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc được xác định theo một số nguyên tắc chung của quan hệ lao động: “nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.” (Điều 7, Bộ luật lao động).
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn, đối thoại tại nơi làm việc là một cơ chế được thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc. Nghiên cứu pháp luật và nhận thấy những hạn chế trong quy định, có thể thấy, pháp luật lao động nên có những bổ sung trong việc quy định về nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc một cách rõ ràng hơn, ví dụ:
– Nguyên tắc tổ chức đối thoại phù hợp với loại hình doanh nghiệp.
– Nguyên tắc tổ chức đối thoại phù hợp với văn hoá, nếp sống của địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
– Nguyên tắc tổ chức đối thoại phù hợp với năng lực nhận thức của mỗi bên tham gia đối thoại.
3. Nội dung đối thoại tại nơi làm việc?
Nội dung đối thoại tại nơi làm việc về cơ bản xoay quanh các vấn đề liên quan đến lợi ích của hai bên tại nơi làm việc, từ những vấn đề về tổ chức nhân sự, tài chính, sản xuất, cho đến những vấn đề về lương bổng, điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Theo khuyến nghị của Tổ chức lao động thế giới tại khuyến nghị số 129 năm 1967 các bên của quan hệ lao động cần chủ động trao đổi, chia sẻ với nhau mọi thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc thực hiện quan hệ lao động giữa các bên. Cũng theo nhận định của ILO, một chính sách hiệu quả của việc trao đổi thông tin ở cấp độ doanh nghiệp phải đảm bảo rằng mọi thông tin và quyết định sẽ được đưa ra tham vấn.
Nội dung đối thoại tại nơi làm việc được ghi nhận tại Điều 64, Bộ luật lao động, theo đó:
“1. Nội dung đối thoại bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 của Bộ luật này.
2. Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, các bên lựa chọn một hoặc một số nội dung sau đây để tiến hành đối thoại:
a) Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
b) Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc;
c) Điều kiện làm việc;
d) Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động;
đ) Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động;
e) Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.“
Dựa vào quy định này, có thể thấy, nội dung đối thoại tại nơi làm việc bao gồm nội dung bắt buộc và nội dung lựa chọn. Cụ thể:
Nội dung bắt buộc bao gồm:
– Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
– Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
– Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
– Thưởng.
– Nội quy lao động.
– Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
Ngoài các nội dung bắt buộc nêu trên, các bên có thể lựa chọn một trong các nội dung khác đã được luật “gợi ý” hoặc tuỳ ý lựa chọn một số các vấn đề khác liên quan và có khả năng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình, bởi theo đúng tính thần “nhà nước khuyến khích đối thoại tại nơi làm việc”.
Nhìn chung, đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật hiện hành tương đối rộng, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật vận động của quan hệ lao động khi các bên của quan hệ lao động cùng hướng đến một cơ chế hợp tác hai chiều một cách thường xuyên và liên tục.