Chi phí bảo trì công trình xây dựng là khoản chi phí quan trọng trong xây dựng. Vậy nguồn kinh phí và chi phí bảo trì công trình xây dựng từ đâu? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào là bảo trì công trình xây dựng?
Căn cứ khoản 13 Điều 2 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định bảo trì công trình xây dựng được hiểu là tập hợp các công việc với mục đích để bảo đảm cũng như duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo đúng quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng.
Bảo trì công trình xây dựng bao gồm một số nội dung sau:
– Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình.
– Tiến hành bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị công trình để việc khai thác sử dụng công trình đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình.
Về kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hàng năm được chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tiến hành lập dựa trên cơ sở quy trình bảo trì được phê duyệt và hiện trạng công trình.
Kế hoạch bảo trì công trình xây dựng gồm những nội dung chính sau:
– Tên công việc thực hiện;
– Thời gian thực hiện;
– Phương thức thực hiện;
– Chi phí thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, kế hoạch bảo trì vẫn có thể được điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung. Quyết định việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình xây dựng thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình.
2. Chí phí bảo trì gồm các loại chi phí nào?
Các chi phí bảo trì công trình gồm:
– Chi phí cho việc bảo trì định kì hàng năm bao gồm chi phí cho việc lập kế hoạch và dự toán bảo trì công trình xây dựng hàng năm; chi phí kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ; chi phí xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về bảo trì công trình xây dựng; chi phí bảo dưỡng theo kế hoạch bảo trì hàng năm của công trình; chi phí lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình xây dựng.
– Chi phí cho việc sửa chữa công trình định kỳ và đột xuất bao gồm: chi phí sửa chữa phần xây dựng công trình và chi phí sửa chữa phần thiết bị công trình.
– Chi phí tư vấn phụ vụ bảo trì công trình xây dựng bao gồm: chi phí cho việc lập, thẩm tra hoặc điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng; kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì; quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì; đánh giá định kỳ về an toàn của công trình trong quá trình vận hành và sử dụng (nếu có); khảo sát phục vụ thiết kế sửa chữa; lập, thẩm tra thiết kế sửa chữa và dự toán chi phí bảo trì công trình; giám sát thi công sửa chữa công trình xây dựng, giám sát sửa chữa phần thiết bị công trình; thực hiện các công việc tư vấn khác; lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để lựa chọn nhà thầu.
– Các khoản chi phí khác, ví dụ như bảo hiểm công trình; phí thẩm định và các chi phí liên quan khác; kiểm toán, thẩm tra phê duyệt quyết toán.
– Trường hợp công trình hay thiết bị công trình sửa chữa chi phí dưới 500 triệu đồng sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên: chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự quyết định về kế hoạch sửa chữa như: khối lượng công việc; dự kiến chi phí, dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành; tên bộ phận công trình hoặc thiết bị cần sửa chữa, thay thế.
– Trường hợp công trình hay thiết bị công trình sửa chữa chi phí từ 500 triệu đồng trở lên sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên: chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
3. Nguồn kinh phí và chi phí bảo trì công trình xây dựng từ đâu?
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi phí bảo trì công trình xây dựng có được từ các nguồn sau đây:
– Nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
– Nguồn vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên.
– Nguồn thu từ việc khai thác, sử dụng công trình xây dựng.
– Nguồn đóng góp và huy động của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.
4. Xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng như thế nào?
– Chí phí bảo trì công trình xây dựng được xác định trên cơ sở bằng dự toán. Theo đó, dự toán bao gồm các khoản phí sau:
+ Chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình, chi phí khác.
+ Chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm.
+ Chi phí sửa chữa công trình.
+ Chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình.
– Với khoản chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm sẽ xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình:
+ Chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình: căn cứ vào giá trị quyết toán của công trình và điều chỉnh về mặt bằng giá.
+ Định mức tỷ lệ %: xác định theo bảng dưới đây:
TT | Loại công trình | Định mức |
1 | Công trình dân dụng | 0,08 ÷ 0,10 |
2 | Công trình công nghiệp | 0,06 ÷ 0,10 |
3 | Công trình giao thông | 0,20 ÷ 0,40 |
4 | Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn | 0,16 ÷ 0,32 |
5 | Công trình hạ tầng kỹ thuật | 0,18 ÷ 0,25 |
+ Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình lập kế hoạch bảo trì công trình và chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm của công trình dựa trên loại, cấp công trình, quy trình bảo trì công trình cũng như điều kiện quản lý khai thác cụ thể công trình.
4. Quy trình bảo trì công trình xây dựng có nội dung thế nào?
Tiến hành tổ chức thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa công trình theo quy trình bảo trì công trình đã được phê duyệt và chấp thuận. Trong đó:
Thứ nhất, tiến hành kiểm tra:
Kiểm tra công trình thường xuyên, theo định kỳ hoặc đột xuất với mục đích là nhằm phát hiện kịp thời tình trạng của công trình có xuống cấp hay hư hỏng gì hay không; các thiết bị lắp đặt vào công trình để từ đó có hướng bảo dưỡng cho công trình.
Thứ hai, tiến hành bảo dưỡng:
Việc bảo dưỡng công trình được thực hiện dựa trên kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì công trình xây dựng đã được phê duyệt.
Thứ ba, tiến hành sửa chữa công trình:
– Sửa chữa định kỳ: sửa chữa những hư hỏng, thay thế những bộ phận công trình, các thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ theo một quy trình bảo trì.
– Sửa chữa đột xuất: nếu công trình chịu sự tác động, ảnh hưởng từ thiên tai như gió,bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy và những tác động đột xuất khác làm công trình cùng các bộ phận hư hỏng hoặc trường hợp các thiết bị công trình có dấu hiệu xuống cấp và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn khi sửa dụng, vận hành, khai thác công trình.
Thứ tư, tiến hành kiểm định chất lượng công trình:
– Kiểm định theo định kỳ dựa trên quy trình bảo trì công trình đã được phê duyệt.
– Trường hợp phát hiện công trình hay các bộ phận công trình có dấu hiệu hư hỏng; dấu hiệu nguy hiểm không bảo đảm cho việc khai thác, sử dụng.
– Trường hợp có yêu cầu đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình nhằm phục vụ cho việc lập quy trình bảo trì đối với những công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì.
– Có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
– Đối với các công trình đã hết tuổi thọ thiết kế hoặc làm cơ sở cho việc cải tạo, nâng cấp công trình khi có cơ sở để quyết định việc kéo dài thời hạn sử dụng của công trình.
Thứ năm, quan trắc công trình nhằm phục vụ các công tác bảo trì:
– Đối với các công trình quan trọng quốc gia, công trình khi xảy ra sự cố có thể dẫn tới thảm họa.
– Các công trình có dấu hiệu lún, nghiêng, nứt và các dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ công trình.
– Có yêu cầu của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Thông tư số 14/2021/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.