Người xây dựng nhà ở có bắt buộc có chứng chỉ hành nghề không? Điều kiện của cá nhân, tổ chức nhận xây dựng nhà ở.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi định xây nhà một trệt một lầu diện tích xây dựng là 192m2 đã có phép xây dựng nhưng nhà thầu không không có chứng chỉ hành nghề và không có tư cách pháp nhân vậy tôi có thể xây dựng được không và hoàn công được không? Xin cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Trong trường hợp này, đối với nhà ở mà bạn xây là nhà một trệt, một lầu, diện tích 192m2 đã được cấp phép xây dựng theo quy định, thì Thông tư 05/2015/TT-BXD quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ như sau:
Điều 4. Khảo sát xây dựng nhà ở
Tùy theo quy mô nhà ở, việc khảo sát xây dựng thực hiện theo các quy định sau:
1. Đối với nhà ở dưới 7 tầng, chủ nhà được tự thực hiện hoặc thuê cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát xây dựng. Trường hợp không thuê khảo sát xây dựng, chủ nhà có thể áp dụng một trong các phương pháp sau: kiểm tra trực tiếp thông qua hố đào thủ công để xác định chiều dày, chất lượng các lớp đất và xác định lớp đất dự kiến đặt móng nhà; tham khảo số liệu khảo sát địa chất công trình, giải pháp xử lý nền móng của các công trình liền kề, lân cận; tham khảo số liệu địa chất công trình nơi xây dựng nhà ở do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp.
Đối với khảo sát xây dựng thì gia đình bạn có thể tự thực hiện hoặc thuê cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực để thực hiện. Điều kiện năng lực của tổ chức xây dựng được quy định tại Điều 153 Luật xây dựng như sau:
1. Có đủ năng lực khảo sát xây dựng.
2. Mỗi nhiệm vụ khảo sát xây dựng phải có chủ nhiệm khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát xây dựng chỉ định. Chủ nhiệm khảo sát xây dựng phải có đủ năng lực hành nghề khảo sát xây dựng và chứng chỉ hành nghề phù hợp. Cá nhân tham gia từng công việc khảo sát xây dựng phải có chuyên môn phù hợp với công việc được giao.
3. Máy, thiết bị phục vụ khảo sát xây dựng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm an toàn cho công tác khảo sát và bảo vệ môi trường.
4. Phòng thí nghiệm phục vụ khảo sát xây dựng phải đủ tiêu chuẩn theo quy định và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng công nhận.
Đối với thiết kế xây dựng nhà ở, Điều 5 Thông tư 05/2015/TT-BXD có quy định:
1. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ nhà được tự thiết kế
Do đó, trường hợp nhà bạn thì không cần phải yêu cầu tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc thiết kế xây dựng nhà ở.
Luật sư
Đối với thi công xây dựng nhà ở, Điều 6 Thông tư 05/2015/TT-BXD có quy định:
1. Quản lý trong thi công xây dựng
a) Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ nhà được tự tổ chức thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng và các ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở đến các công trình liền kề, lân cận;
b) Đối với nhà ở dưới 7 tầng, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này, việc thi công xây dựng được tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm thi công xây dựng công trình với quy mô tương tự thực hiện. Trong quá trình thi công xây dựng, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, chủ nhà phải tham khảo ý kiến của thiết kế để kịp thời xử lý;
Nhà ở mà gia đình bạn xây dựng là nhà ở dưới 7 tầng nên khi thuê cá nhân, tổ chức thi công xây dựng thì yêu cầu cá nhân tổ chức phải có kinh nghiêm thi công xây dựng công trình với quy mô tương tự thực hiện mà không yêu cầu về điều kiện năng lực.
Như vậy, theo những quy định trên thì, đối với việc xây dựng nhà ở có quy mô nhỏ như gia đình bạn thì không yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện phải có đủ điều kiện năng lực như phải có chứng chỉ hành nghề hay có tư cách pháp nhân. Do đó, gia đình bạn vẫn được phép tự xây dựng theo giấy phép xây dựng và được hoàn công.
Mục lục bài viết
1. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng
Điều 21. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Hoạt động vượt quá điều kiện năng lực hành nghề theo quy định; hoạt động sai chứng chỉ hành nghề; hoạt động không có chứng chỉ hành nghề;
b) Kê khai khống năng lực vào hồ sơ năng lực để xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi mượn, cho mượn, thuê, cho thuê chứng chỉ hành nghề để hoạt động xây dựng.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Giao cho người không có chứng chỉ hành nghề hoặc không đủ điều kiện năng lực tương ứng với loại, cấp công trình đảm nhận đối với các chức danh: Chủ nhiệm đề án thiết kế quy hoạch xây dựng, chủ trì thiết kế chuyên ngành đồ án quy hoạch xây dựng, chủ nhiệm đồ án quy hoạch đô thị, chủ trì bộ môn chuyên ngành quy hoạch đô thị, chủ nhiệm khảo sát xây dựng, chủ trì thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình, chủ trì thiết kế, giám sát khảo sát xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình, chủ nhiệm lập dự án, giám đốc tư vấn quản lý dự án, giám đốc quản lý dự án, chỉ huy trưởng công trường, chủ trì thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chủ trì tổ chức thực hiện công tác kiểm định, chủ trì lập dự toán công trình, chủ trì thẩm tra dự toán, chủ trì thẩm định dự toán, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng và các chức danh khác theo quy định;
b) Không ban hành
c) Hoạt động xây dựng vượt quá điều kiện năng lực theo quy định.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 (trừ hành vi hoạt động không có chứng chỉ hành nghề), Khoản 2 Điều này.
2. Chứng chỉ hành nghề xây dựng của người nước ngoài cấp ở nước ngoài có được công nhận ở Việt Nam không?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi, tôi đang là trợ lý của ông Alex-chức vụ giám đốc quản lý dự án xây dựng khu đô thị cấp cao ABD. Ông Alex là người Bỉ, đã có chứng chỉ hành nghề xây dựng được cấp từ 2013. Như vậy hiện nay nếu ông giữ chức vụ này thì có cần phải xin cấp chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp không?
Luật sư tư vấn:
Khoản 3 Điều 148 Luật xây dựng 2014 quy định như sau:
“3. Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng độc lập phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định gồm an toàn lao động; giám đốc quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án; chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; chỉ huy trưởng công trường; giám sát thi công xây dựng; kiểm định xây dựng; định giá xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II, hạng III.”
Như vậy, theo quy định này, chức vụ giám đốc quản lý dự án xây dựng khu đô thị ABD của ông Alex là một trong những chức vụ bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề xây dựng.
Điều 44 Nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng như sau:
“1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh, được tham gia công việc cho các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại Khoản 3 Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014.
2. Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 6 (sáu) tháng thi được công nhận hành nghề. Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 6 (sáu) tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại Bộ Xây dựng.
3. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có hiệu lực tối đa trong thời hạn 5 (năm) năm, khi hết thời hạn phải làm thủ tục cấp lại.
4. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trên toàn quốc, bao gồm cả việc ban hành mẫu các loại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng quy định tại Nghị định này.
5. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
b) Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, hạng III;
c) Tổ chức xã hội – nghề nghiệp có đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, hạng III cho cá nhân là hội viên của Hội, đối với lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của mình theo quy định của Bộ Xây dựng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 nêu trên, ông Alex là cá nhân người nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp thì tuỳ trường hợp mà ông ấy có được công nhận chứng chỉ hành nghề này hay không, cụ thể như sau:
- Nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 6 (sáu) tháng thi được công nhận hành nghề.
- Nếu hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 6 (sáu) tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại Bộ Xây dựng.
3. Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cho người nước ngoài
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi, công ty tôi có sử dụng lao động nước ngoài, họ chuyên làm các gói thầu xây dựng, vậy để có thể được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng thì tôi và người lao động nước ngoài cần những điều kiện như thế nào, trước kia tôi có học chuyên ngành lắp đặt trong xây dựng. Người lao động nước ngoài cũng có bằng đại học chuyên ngành xây dựng. Mong luật sư tư vấn giúp tôi!
Luật sư tư vấn:
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh, được tham gia công việc cho các chức danh hoặc hành nghề độc lập. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có hiệu lực tối đa trong thời hạn 5 (năm) năm, khi hết thời hạn phải làm thủ tục cấp lại.
Theo quy định của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP cá nhân bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất: Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đây là điều kiện cần, cá nhân đảm bảo điều kiện này mới được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Thứ hai: Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
Đối với hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 7 (bảy) năm trở lên;
Đối với hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 5 (năm) năm trở lên;
Đối với hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 3 (ba) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 5 (năm) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
Luật sư
Thứ ba: Đạt yêu cầu sát hạch về kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
Như vậy, nếu người lao động nước ngoài tại công ty bạn và bạn nếu đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên thì sẽ được cấp giấy chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.