Người Việt Nam cư trú ở trong nước kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Người Việt Nam cư trú ở trong nước kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Tôi muốn hỏi luật sư là khi làm giấy đăng ký kết hôn giữa người Việt nam sống và học tập ở nước ngoài (Vẫn quốc tịch Việt Nam! Và có hộ chiếu Việt Nam! ) với người Việt Nam ở tại Việt Nam. Thì cần giấy tờ gì để ủy ban phường cấp giấy đăng ký kết hôn. Mong luật sư tư vấn giúp, chúc luật sư khỏe, thành đạt. Tôi xin cám ơn nhiều?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
– Căn cứ Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
"Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính."
* Trường hợp đăng ký kết hôn giữa 2 người Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam đăng ký kết hôn với nhau
– Căn cứ Điều 18 Luật hộ tịch năm 2014 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn như sau:
"Điều 18. Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc."
Như vậy, khi kết hôn giữa người Việt Nam làm việc ở nước ngoài nhưng có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam và người Việt Nam cư trú tại Việt Nam thì bản chất vẫn là thủ tục đăng ký kết hôn giữa hai người Việt Nam và bắt buộc phải có mặt cả hai người tại Việt Nam khi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi làm thủ tục đăng ký kết hôn thì cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu trên tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, sau khi nhận đủ hồ sơ và xét thấy có đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu trên thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
* Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước:
– Căn cứ Điều 37 Điều 38 Luật hộ tịch năm 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn và thủ tục đăng ký kết hôn như sau:
"Điều 37. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn."
"Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu."
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
3. Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
4. Chính phủ quy định bổ sung giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, việc phỏng vấn, xác minh mục đích kết hôn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn; thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên."
Tuy nhiên, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn với người Việt Nam cư trú trong nước thì thẩm quyền đăng ký kết hôn là Uỷ ban nhân dân cấp huyện, ngoài ra, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi đăng ký kết hôn phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 38 Luật hộ tịch năm 2014 nêu trên.