Kinh doanh vận tải đường sắt gồm kinh doanh vận tải hành khách, hành lý và hàng hóa trên đường sắt. Theo quy định, người thuê vận tải đường sắt có các quyền và nghĩa vụ gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là kinh doanh vận tải đường sắt?
- 2 2. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải:
- 3 3. Điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt:
- 4 4. Quyền, nghĩa vụ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt:
- 5 5. Trách nhiệm của người thuê vận tải hàng nguy hiểm:
- 6 6. Quyền và nghĩa vụ của hành khách trong hoạt động vận tải đường sắt:
1. Thế nào là kinh doanh vận tải đường sắt?
Căn cứ Điều 52 Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH năm 2018 Luật quy định về đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt sẽ bao gồm:
– Kinh doanh vận tải hành khách.
– Kinh doanh vận tải hành lý.
– Kinh doanh vận tải hàng hóa.
2. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải:
Căn cứ Điều 61 Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH 2018 Luật quy định về đường sắt, quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải như sau:
2.1. Quyền của người thuê vận tải:
– Được quyền chỉ định lại người nhận hàng khi hàng hóa đó chưa được giao cho người có quyền nhận hàng trước đó.
– Được quyền được thay đổi địa điểm giao hàng hoặc yêu cầu vận chuyển hàng hóa trở lại nơi gửi hàng và phải chịu mọi chi phí phát sinh do thay đổi người nhận hàng và địa điểm giao hàng.
– Khi hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng, quá thời hạn vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt gây ra thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
– Được quyền thay đổi hợp đồng vận tải hàng hóa kể cả khi hàng hóa đã giao cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc hàng hóa đã xếp lên toa xe và chịu chi phí phát sinh do thay đổi hợp đồng vận tải.
2.2. Nghĩa vụ của người thuê vận tải:
– Thanh toán tiền vận tải đúng thời hạn, hình thức thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng.
– Trách nhiệm trong việc kê khai hàng hóa phải trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai đó.
– Trên cơ sở hướng dẫn của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, có trách nhiệm thực hiện việc đóng gói hàng hóa và các điều kiện vận chuyển hàng hóa.
– Theo quy định của hợp đồng vận tải đường sắt, phải có trách nhiệm giao hàng hóa cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đúng thời hạn, địa điểm.
– Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các giấy tờ, tài liệu và thông tin cần thiết khác về hàng hóa.
– Nếu như kê khai không trung thực về hàng hóa gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt gây thiệt hại hoặc các thiệt hại khác do lỗi của mình gây ra thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định.
3. Điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt:
Để kinh doanh vận tải đường sắt, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Đảm bảo có bộ phận phụ trách công tác an toàn vận tải đường sắt.
– Điều kiện đối với người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải: có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.
– Đảm bảo số lượng ít nhất 01 người phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt.
– Đảm bảo số lượng có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt.
(căn cứ Điều 53 Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH năm 2018 Luật quy định về đường sắt).
4. Quyền, nghĩa vụ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt:
Theo quy định tại Điều 53 Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH năm 2018 Luật quy định về đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt sẽ có các quyền và nghĩa vụ sau:
4.1. Quyền của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt:
– Để thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định, doanh nghiệp sẽ được sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt.
– Được cung cấp các thông tin bao gồm thông tin về kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt liên quan đến năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt.
– Khi xét thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu thì được quyền tạm ngừng chạy tàu.
Bên cạnh đó phải thực hiện thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
– Nếu như doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc do tổ chức, cá nhân khác gây ra thiệt hại sẽ được bồi thường.
– Có các quyền khác theo quy định của pháp luật.
4.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt:
– Với những nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có trách nhiệm ưu tiên thực hiện vận tải.
– Khi nhận được thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trách nhiệm ngừng tàu chạy.
– Thực hiện chạy tàu theo đúng biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã được doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt công bố.
– Có trách nhiệm trả tiền cho việc sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.
– Trong quá trình khai thác phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn.
– Trong việc phòng, chống sự cố, thiên tai, xử lý tai nạn giao thông đường sắt phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
– Trách nhiệm trong việc cung cấp các thông tin về nhu cầu vận tải, năng lực phương tiện, thiết bị vận tải cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ cho việc xây dựng, phân bổ biểu đồ chạy tàu và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
– Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm của người thuê vận tải hàng nguy hiểm:
Hàng nguy hiểm được hiểu là loại hàng hóa có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của con người và vệ sinh môi trường khi vận chuyển trên đường sắt.
Khi vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường sắt phải tuân theo quy định của pháp luật về vận tải hàng nguy hiểm và bảo vệ môi trường.
Người thuê vận tải hàng nguy hiểm phải có trách nhiệm sau:
– Thực hiện mua bảo hiểm hàng nguy hiểm khi vận tải trên đường sắt theo quy định của pháp luật.
– Phải có giấy phép vận tải hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp cho loại, nhóm, tên hàng nguy hiểm quy định phải có
– Trước khi xếp hàng lên phương tiện phải lập tờ khai gửi hàng nguy hiểm theo quy định và giao cho người vận tải.
Nội dung tờ khai phải nêu rõ những thông tin sau:
+ Tên hàng nguy hiểm.
+ Mã số; loại, nhóm hàng nguy hiểm.
+ Khối lượng tổng cộng.
+ Loại bao bì; số lượng bao, gói.
+ Ngày, nơi sản xuất hàng nguy hiểm.
+ Họ và tên, địa chỉ người thuê vận tải hàng nguy hiểm, người nhận hàng nguy hiểm.
– Thực hiện thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp vận tải hàng nguy hiểm những yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận tải.
– Hướng dẫn doanh nghiệp vận tải hàng nguy hiểm xử lý trong trường hợp có sự cố do hàng nguy hiểm gây ra, kể cả trong trường hợp có người áp tải.
– Chịu trách nhiệm về các tổn thất phát sinh do cung cấp chậm trễ, thiếu chính xác hoặc không hợp lệ các thông tin, tài liệu và chỉ dẫn.
– Thực hiện áp tải hàng đối với loại, nhóm hàng nguy hiểm theo quy định.
Theo đó, người áp tải hàng nguy hiểm có trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm trên phương tiện.
6. Quyền và nghĩa vụ của hành khách trong hoạt động vận tải đường sắt:
6.1. Quyền của hành khách trong hoạt động vận tải đường sắt:
– Thực hiện trả vé, đổi vé trước giờ tàu chạy và chịu các khoản chi phí (nếu có) theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
– Được hưởng các quyền lợi theo đúng hạng vé của mình.
– Đối với hành lý mang theo người trong phạm vi khối lượng và chủng loại theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt sẽ không phải trả tiền vận chuyển.
– Khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thì sẽ được hoàn trả lại tiền vé, bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật.
– Được bảo hiểm về tính mạng, sức khỏe theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
6.2. Nghĩa vụ của hành khách trong hoạt động vận tải đường sắt:
– Phải có vé hành khách, vé hành lý.
– Phải chịu trách nhiệm tự bảo quản hành lý mang theo người.
– Nếu như làm hư hỏng, mất mát tài sản của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
– Phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy đi tàu và quy định khác của pháp luật có liên quan.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH năm 2018 Luật quy định về đường sắt.
Thông tư số 22/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.