Hiện nay, tình trạng người tâm thần thực hiện những hành vi gây ra hậu quả rất đáng nghiêm trọng xảy ra trong xã hội ngày càng gia tăng. Vậy với trường hợp người tâm thần phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Mục lục bài viết
1. Người tâm thần được hiểu như thế nào?
Người tâm thần được hiểu là những người bị mắc các bệnh lý do rối loạn hoạt động não bộ gây ra những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, ý tưởng,… từ đó dẫn đến mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Và khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ không thể nhận thức được hành vi của mình có nguy hiểm ra sao và gây ra những hậu quả nà, tức là không thể kiểm soát hay điều khiển hành vi như những đối tượng bình thường.
2. Người tâm thần phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Hiện nay, theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự, pháp luật quy định trách nhiệm của người mắc bệnh tâm thần phạm tội như sau:
– Người nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng đang mắc các bệnh tâm thần, hay bệnh khác dẫn đến việc làm mất khả năng nhận thức hoặc làm mất khả năng điều khiển hành vi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, người tâm thần dẫn đến hậu quả mất năng lực hành vi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội. Bởi về nguyên tắc để định tội danh sẽ xác định trên yếu tố lỗi, chỉ khi người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức biết rõ được hành vi của mình nguy hiểm sẽ gây ra hậu quả về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho cá nhân khác hay cho các đối tượng khác; có khả năng điều chỉnh, kiểm soát hành vi của mình để từ đó đưa ra những lựa chọn tốt nhất sao cho cách ứng xử phù hợp với đạo đức và pháp luật nhưng họ vẫn cố tình thực hiện những hành vi trong tình trạng nhận thức đầy đủ thì sẽ bị chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với những người tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm có gây ra hậu quả tuy nhiên theo quy định của pháp luật trên tinh thần nhân đạo vẫn sẽ được loại trừ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Một vụ án nổi tiếng để lại nhiều ám ảnh cho người dân tại tỉnh Hòa Bình. Đối tượng là Bùi Văn M. (SN 1982) mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng nhiều năm, dùng gậy đánh chết rồi kéo xác chị dâu là Bùi Thị S. (SN 1983) ra ngoài đường. Thực tế, rất nhiều vụ án hung thủ là người bị bệnh tâm thần ra tay với tính chất rất hung tàn. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Nhà nước cần quan tâm đến để người tâm thần không trở thành “hung thần”.
3. Biện pháp xử lý đối với người tâm thần phạm tội:
Theo quy định tại Điều 49
Thứ nhất, đưa vào cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh:
Đối với người bị tâm thần mắt nhận thức cũng như mất khả năng kiểm soát, điều chỉnh hành vi thực hiện hành vi phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sau khi có kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận đó để quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Thứ hai, trường hợp khi thực hiện phạm tội người đó đủ nhận thức, đủ khả năng kiểm soát, điều chỉnh hành vi nhưng mắc bệnh tâm thần trước khi bị kết án và đến mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì xử lý như sau:
– Trước hết, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
– Sau khi điều trị khỏi bệnh thì đối tượng đó vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng đối với hành vi mình gây ra.
Thứ ba, trường hợp đối tượng nào đang chấp hành hình phạt tù mà bị mắc bệnh tâm thần hay các bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì xử lý như sau:
– Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh trên cơ sở kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
– Sau khi điều trị khỏi bệnh, người đó vẫn sẽ phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù tiếp theo, trừ trường hợp có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt tù.
Lưu ý: thời gian bắt buộc chữa bệnh sẽ được tính trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
4. Căn cứ, cơ sở để xác định người bị tâm thần?
Căn cứ vào Điều 206
– Yêu cầu trưng cầu giám định tinh thần tâm thần của người bị buộc tội nếu như có dấu hiệu nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng đó.
– Khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án thì tiến hành giám định tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại.
Do đó, dựa vào kết quả trưng cầu giám định pháp y để xác định một người có bị tâm thần hay không.
5. Nâng cao các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng người tâm thần phạm tội:
Dạo gần đây, không ít lần đọc báo chí, nghe tin tức ta bắt gặp những vụ án đau lòng xảy ra do người bị tâm thần thực hiện. Đáng thương hơn là những nạn nhân trong những vụ án đó là người thân ruột thịt, là cha, mẹ, anh, chị em,… của chính những người tâm thần ấy.
Cụ thể thực trạng hiện nay, có thể kể đến những trường hợp người mẹ trầm cảm sau sinh sát hại con. Ví dụ như vụ án ở thôn Đan Trung, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, người mẹ trẻ sát hại chính đưa con mình rứt ruột đẻ ra do bị trầm cảm sau sinh, có dấu hiệu bị rối loạn tâm thần. Trong một lần kích động chị đã gói con gái của mình gần 2 tháng tuổi vào một túi ni lông đen và thả xuống giếng làng cách nhà khoảng 150m khiến cháu bé ngạt nước, dẫn đến tử vong.
Hoặc một vụ án đau lòng khác xảy ra tại thôn Tân Dân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Vào giữa tháng 5, Nguyễn Viết Luyến do ảnh hưởng của chứng bệnh rối loạn tâm lý nghi ngờ vợ mình ngoại tình với anh N.V.T nên đã dùng dao chém nhiều nhát vào đầu anh T, khiến anh T tử vong tại chỗ.
Đấy chỉ là những vụ điển hình nêu ra trong bài viết, thực tế còn nhiều vụ thương tầm đã xảy ra khiến cộng đồng không khỏi thương xót. Đây chính là hồi chuông cảnh báo cho Đảng và Nhà nước, các cơ quan ban ngành thực hiện công tác trong việc phòng, chống người tâm thần thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ nhất, trước hết trong gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần:
– Khi thấy người thân có dấu hiệu biểu hiện của bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh cần sớm đưa người bệnh đi khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh trường hợp giấu bệnh để người thân ở nhà và tình trạng ngày càng xấu đi thêm, để phòng tránh những hậu quả không đáng có xảy ra.
– Thường xuyên đưa người thân bị mắc bệnh tâm thần đi khám và điều trị theo định kì.
– Thường xuyên để ý và theo dõi cử chỉ, biểu hiện của người tâm thần, kịp thời phát hiện nếu như có dấu hiệu bất thường để ngăn chặn hành vi tiêu cực có thể xảy ra.
Thứ hai, đối với ban ngành chính quyền địa phương:
– Thực hiện rà soát, nắm được các danh sách trường hợp mắc bệnh tâm thần tại địa phương, đưa hoặc đề xuất, hướng dẫn đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh.
– Phối kết hợp tổ chức các đợt tập huấn cho những người xung quanh người mắc bệnh tâm thần kỹ năng xử lý khi gặp những tình huống nguy hiểm.
Thứ ba, các cơ quan chức năng:
– Thực hiện các chiến dịch tuyên truyền các hành vi, những nguy cơ có thể xảy ra do các đối tượng tâm thần thực hiện để nêu cao trách nhiệm cùng với toàn xã hội tham gia công tác quản lý, phòng ngừa đối tượng bị tâm thần.
– Những trường hợp bệnh nặng, có nguy cơ gây ra những hậu quả cao thì cơ quan Nhà nước phối hợp với gia đình để quản lý được siết chặt hay có những giải pháp thực hiện biện pháp cách ly những đối tượng đó không được tiếp xúc với những vật dụng, công cụ nguy hiểm mang tính sát thương cao tránh những hậu quả đau lòng vô cớ có thể xảy ra.
– Có những chính sách kêu gọi hỗ trợ gia đình bệnh nhân khó khăn trong chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.